>> Phần 1
Con số 150.000 ca mới mắc ung thư ở Việt Nam hàng năm chỉ là dự đoán sơ bộ và không phải là mức cao đặc biệt so với thế giới.
Bệnh nhân nằm, ngồi chờ tới lượt khám bệnh. |
Theo các nhà khoa học, 30% số người mắc bệnh ung thư được phát hiện sớm và có thể chữa khỏi, 30% số người mắc bệnh ung thư phải dùng đủ mọi biện pháp can thiệp mới có kết quả và 30% là số người phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn, chỉ có thể kéo dài sự sống trong một thời gian.
Hiện nay, Nhật Bản đứng đầu thế giới về số người mắc ung thư dạ dày. Tại Việt Nam, đây là loại ung thư phổ biến thứ 2 sau ung thư phổi. Riêng với nữ giới, ung thư vú, ung thư cổ tử cung chiếm tỷ lệ cao nhất. Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Duy Hiển, Phó giám đốc Bệnh viện K nói, 20% người mắc ung thư do nội sinh (di truyền, đột biến gen, thể trạng yếu) và 80% do yếu tố từ bên ngoài, trong đó có môi trường, thói quen ăn uống, nếp sống, trình độ nhận thức... 80% này có thể cải thiện được. Không phải, cứ mắc ung thư là chết ngay. Tuy nhiên, chỉ trừ những loại ung thư ở bộ phận quan trọng, khó tiếp cận, phẫu thuật... như ung thư não, ung thư tụy, khả năng tử vong cao.
Những năm gần đây, Việt Nam xuất hiện nhiều “làng ung thư”. Có thể kể tên như xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, Phú Thọ, nơi bị ô nhiễm bởi nước thải từ nhà máy supe phốt phát LâmThao; xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ, bị ô nhiễm thuốc trừ sâu; huyện Ân Thi, Hưng Yên ô nhiễm nước thải từ khu công nghiệp. Bác sĩ Phạm Duy Hiển rất bức xúc trước việc lạm dụng cụm từ “làng ung thư”. Trên thực tế, ông đã trực tiếp đi nghiên cứu, khảo sát về bệnh ung thư ở những nơi này và kết quả, không có sự khác biệt nào về tỷ lệ mắc bệnh, tử vong so với vùng khác.
Trong khoảng 10-15 năm, so sánh 17 xã của huyện Lâm Thao, Phú Thọ, có năm, “làng ung thư” này lại đứng cuối bảng về tỷ lệ tử vong và chủ yếu, đứng ở giữa. Có dạo, dư luận đồn thổi về ung thư ở xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, nhưng rốt cục, kết quả cũng không có gì bất thường. Nếu có 5 người chết trên tổng số 1.000 dân, trong vòng 5-6 năm thì tỷ lệ đó rất bình thường.
Bác sĩ Hiển trăn trở: "Nếu chúng ta nhớ rằng, trước đây, nơi nào đã bị coi là làng hủi, thì con trai làng không lấy được vợ, con gái làng không thể lấy được chồng thì xin đừng gọi là “làng ung thư”. Điều đó không chỉ mang lại định kiến, mà thực sự còn làm sai lệch nhận thức của người dân về căn bệnh này".
Giáo sư, tiến sĩ khoa học Lê Thế Trung, Chủ tịch Hội Ung thư Hà Nội, nguyên Giám đốc Bệnh viện 103 phân tích: “Từ một tế bào ban đầu, vượt qua cơ chế kiểm soát thông thường, tế bào ung thư phát triển vô tội vạ thành khối u, sinh sôi không ngừng, xâm lấn, chèn ép đến nhiều bộ phận khác trên cơ thể, gọi là di căn. Khi ung thư đã là một khối u to và di căn thì việc điều trị vô cùng khó, kết quả chỉ được vài năm, dễ tái phát, tử vong. Sự bất thường này thường phát sinh ở các tế bào đã lão hóa. Do vậy, thường, tỷ lệ mắc ung thư ở người già cao gấp 4-5 lần ở người trẻ. Bệnh hiểm nghèo, nhưng khi phát hiện sớm, khả năng chữa khỏi rất cao".
Theo vị bác sĩ đã 80 tuổi, đáng ngại nhất vẫn là các khu vực gần nơi tập kết rác hay các làng nghề, ô nhiễm nặng. Có thể, năm nay người dân không bị ung thư, nhưng nhiều năm sau, sẽ mắc phải. Những thói quen như hút thuốc lá đã được thế giới chỉ ra, 90% nguyên nhân gây ra ung thư phổi. Những thói quen ăn mặn của người Nhật cũng đã lý giải, vì sao, người Nhật mắc ung thư dạ dày. Chưa kể, những món khoái khẩu như thịt nướng, thịt rán đến cháy đen, dưa muối, cà khú, hạt có nấm mốc cũng là nguyên nhân gây ung thư. Đặc biệt, tâm lý “ngại bệnh viện” vẫn tồn tại ở đa số người dân. Sở dĩ, rất nhiều người khi phát hiện ra ung thư thì đã ở giai đoạn muộn, không chữa được, chính vì sự chần chừ, chờ đau mới đến khám bệnh. Bệnh ung thư thường không có triệu chứng rõ rệt từ đầu, trong khi, người Việt Nam chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ. Bác sĩ Phạm Duy Hiển cũng bổ sung thêm, trong 5 năm đầu, người bệnh ung thư hay bị tái phát, cũng bởi có tới 30-40% số người bỏ dở quá trình điều trị.
Một chương trình quốc gia về phòng chống ung thư giai đoạn 2006-2010 đang được triển khai nhằm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư, tăng tỷ lệ phát hiện sớm ung thư, điều trị khỏi. Dự kiến, cần 100 triệu USD mỗi năm mới đủ sức giải quyết. Tháng 7 vừa qua, Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư đã được thành lập. Nhưng, có lẽ, khi y học hiện đại vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể thì việc đẩy lùi căn bệnh này, phải bắt đầu từ chính mỗi cá nhân biết bảo vệ sức khỏe của mình.
Việt Nam cần 10 khu vực điều trị ung thư Tại các nước, cứ 1 triệu dân là cần 1 máy gia tốc để điều trị ung thư bằng tia xạ. Nhưng ở nước ta, chỉ có 7 máy trong khi, nhu cầu cần tới 80 máy. Số bệnh viện chuyên điều trị ung thư quá ít. Bệnh viện K Trung ương chỉ có 570 giường bệnh, trong khi, số bệnh nhân điều trị có ngày đã lên gần 2.500 người. Tình trạng vượt tuyến là phổ biến. Tất nhiên, nếu cả 64 tỉnh, thành đều xin kinh phí đầu tư xây bệnh viện thì thật khó. Tốt nhất, Chính phủ và Bộ Y tế cần có quy hoạch. Cả nước chỉ cần 10 khu vực chữa ung thư, 2-3 tỉnh một khu, rồi đầu tư máy móc thật hiện đại, nhân lực sẵn sàng thì mới mong giảm được cảnh quá tải hiện nay và việc điều trị sẽ hiệu quả hơn. PGS.TS Phạm Duy Hiển (Phó Giám đốc Bệnh viện K) |
(Theo An Ninh Thủ Đô)