Sáng 9/7, ba ngày sau khi chiếc trực thăng Mi 171 chở 21 người lính gặp nạn, cả chục ban thờ tạm được dựng lên trong khu vườn rộng vài trăm mét vuông. Cạnh di ảnh người lính hy sinh là những bộ quân phục được xếp gọn gàng cùng chiếc mũ và đôi giầy.
Hương khói bốc lên nghi ngút, những khuôn mặt buồn bã với đôi mắt ngấn lệ. Chốc chốc, những tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng lẩm bẩm tụng cầu cho linh hồn các anh siêu thoát lại vang lên.
Dòng người kéo đến khu vườn, nơi các anh ngã xuống, càng lúc càng đông. Không gian trầm lắng, chỉ có tiếng bước chân đạp vào cành khô sột soạt. Không ai bảo ai, họ đến từng ban thờ dâng nhành hoa, thắp nén nhang và lặng lẽ gạt nước mắt.
Khom mình bên ban thờ của trung úy Nguyễn Văn Hưng, chị Kiều Thị Nhung nhà cách hiện trường vài trăm mét, ôm mặt khóc nức nở bên cô con gái. Hai ngày qua, trước khi đi làm chị Nhung đều dắt con đến thắp hương cho những người lính gặp nạn.
"Nếu chiếc máy bay rơi trong khu dân cư và khu chợ, không biết các cháu ở nhà sẽ ra sao", chị Nhung sụt sùi. Chị cho biết người dân địa phương vẫn đầy cảm kích khi nói về nỗ lực của những người lính.
"Các anh mất đi là để bảo vệ sự yên bình và mạng sống cho người dân, chúng tôi không bao giờ quên được ơn nghĩa này", chị Nhung chia sẻ.
Cô Tạ Thị Thu (nhà ở thôn Hòa Lạc) mắt đỏ hoe nhớ lại, lúc máy bay rơi cô đang lấy rau lợn dưới ruộng cách đó chừng 200 m.
Nghe tiếng nổ loẹt xoẹt trên đầu, cô ngẩng lên thì chiếc trực thăng bay sát nhà dân và chúc đầu xuống phía chợ, sau đó nó lại vọt lên, vượt qua dây điện cao thế và rơi xuống khu vườn trống. "Nếu chiếc máy bay đâm vào đường dây điện và khu chợ thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra", cô Thu kể.
Không riêng chị Nhung, cô Thu mà nhiều người đến khu vườn đều không giấu nổi sự xúc động. Họ bảo nhau quyên tiền lập khu tưởng niệm để luôn nhớ tới các anh.
Người dân nơi đây dường như xích lại gần nhau hơn. Những ngôi nhà cạnh hiện trường lúc nào cũng có người túc trực để trông xe máy, ôtô cho khách ghé thăm.
Mồ hôi nhễ nhại, ông Vũ Văn Túy luôn chân luôn tay lúc thì kéo lại tấm bạt che nắng, lúc lại chạy về nhà hướng dẫn mọi người để xe cho gọn gàng.
"Tôi từng là lính, thấy sự việc diễn ra trước mắt không thể ngồi yên được. Dù chỉ là việc nhỏ nhất cũng phải cố gắng làm để chia sẻ với gia đình và nhớ tới họ", ông Túy nói.
Nhà ông Túy cách hiện trường khoảng 30 m, cây cối trong vườn bị gãy, cháy nhưng may mắn hơn cả ngôi nhà của gia đình ông không hề hấn gì. "Tôi nghĩ các anh phi công đã cố điều khiển cho máy bay rơi vào khu đất trống", ông Túy bảo.
Sáng cùng ngày, phần lớn người thân các chiến sĩ cũng có mặt để làm lễ cầu siêu cùng các vị sư trong vùng. Chốc chốc, những tiếng gào khóc thảm thiết của những người phụ nữ lại vang lên.
Trong số người tử nạn, có người mới ngoài đôi mươi hoặc mới lấy vợ vài tháng. "Hưng quê ở Thái Bình, mới lấy vợ được vài tháng, hai vợ chồng chưa kịp có em bé. Hai hôm nay cả nhà đau xót không ai nói lên lời. Tôi và mấy anh em đồng đội chơi với Hưng cùng gia đình lập ban thờ để cầu siêu cho anh ấy", một người bạn của Trung úy Nguyễn Văn Hưng cho biết.
Theo lãnh đạo Viện Bỏng quốc gia, 3 chiến sĩ bị thương được điều trị đặc biệt trong phòng vô trùng đã có tiến triển. Những y, bác sĩ giỏi nhất được huy động cứu chữa cho họ với tinh thần cao nhất, sử dụng thiết bị và những loại thuốc tốt nhất.
Bộ Quốc phòng hỗ trợ mỗi gia đình có người hy sinh 50 triệu động, mỗi người bị thương 10 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều tổ chức cá nhân đã đến động viên và giúp đỡ các gia đình nạn nhân về vật chất và tinh thần.
Sáng 7/7, chiếc trực thăng Mi 171 chở theo 21 người đã rơi ở khu vực Hòa Lạc, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km về phía tây, khi đang huấn luyện dù, khiến 18 người chết và 3 người bị thương nặng.
Nói về nguyên nhân tai nạn, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng, loại trừ tác động bên ngoài, nguyên nhân chủ yếu do lỗi kỹ thuật. Còn Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) nhận định chiếc trực thăng bị cháy động cơ trước khi rơi.
VnExpress