Kép Minh Chung (Đoàn Tiếng ca Hàm Luông), gia cảnh anh nghèo đúng nghĩa “nhà dột cột xiêu”. Năm 2001 khi đoàn hát lao đao, anh khăn gói lên Sài Gòn làm lại sự nghiệp. Đêm đầu tiên bỏ nghề kép hát đi tấu hài, anh luýnh quýnh đến mức đạp bể đèn sân khấu, bị bầu sô bắt đền 200.000 đồng. Lúc đó, trong túi chỉ còn đúng 15.000 đồng, số tiền còn lại trong cuộc hành trình từ quê lên tỉnh. Anh khóc và xin khất nợ. Sáng hôm sau, anh vào Chợ Lớn, tìm người quen, vay 200.000 đồng về bồi thường thiệt hại. Sau đó, anh hỏi đường tìm đến Trung tâm Huyết học TP HCM để bán máu lấy tiền trả nợ.
![]() |
Anh Vũ và Bảo Khương trong một tiểu phẩm hài. |
Minh Chung kể trong nước mắt và ví von đời mình còn khổ hơn cả kép Tư Bền: "Mỗi đêm diễn tôi chỉ dám trích ra 1.000 đồng để mua xôi ăn cầm hơi, số tiền ít ỏi còn lại phải ky cóp gửi về Trà Vinh nuôi vợ, con đang bệnh nặng. Nhiều đêm tôi chọc cười khán giả mà trong bụng đói meo, khuya về ngủ trọ ở hành lang một trụ sở công an phường mà nước mắt đầm đìa".
Diễn viên hài Thành Công, thành viên của nhóm hài Tuổi Đôi Mươi đã cay đắng khi bước chân vào “cái nghề chọc cười thiên hạ”. Năm 1995, anh được một danh hài mời đi diễn sô Tết ở miền Trung trong 3 tháng. Anh vay tiền bạn bè để đi xe ra Đà Nẵng, chỉ diễn được 5 suất thì bị gạt khỏi nhóm hài. Buồn bã trở về Sài Gòn trong bộ dạng thất nghiệp, không nhóm nào cưu mang anh vì đang dịp Tết, kịch mục đều đã ổn định. Thế là Thành Công thất nghiệp 3 tháng. Anh vay tiền bạn bè để mua sữa cho con, còn anh và vợ thì sáng ăn cháo, chiều ăn rau cho qua cảnh ngặt nghèo. Thấy con quá khổ với nghề, mẹ anh đã khuyên nên trở về quê sinh sống. Anh quay về Bình Dương làm lại cuộc đời. Từ đây anh quyết tâm thi vào lớp đạo diễn của Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Vở kịch Sự cám dỗ dịu dàng đang diễn tại Sân khấu Kịch Sài Gòn chính là thành quả của Thành Công, một diễn viên tấu hài phấn đấu trở thành đạo diễn chuyên nghiệp.
Còn trường hợp của nghệ sĩ Bảo Khương, anh là nghệ sĩ cải lương từng gắn bó với với các vở: Thanh Tú - Trang Bích Liễu, Tiếng ca Sông Cửu, Bông Hồng... Năm 1989, anh giã từ kiếp diễn viên cải lương để lên TP HCM diễn tấu hài. Lúc mới chập chững vào nghề, việc diễn miễn phí là chuyện thường nên ban ngày Bảo Khương đạp xích lô để nuôi cả nhà, buổi tối mới khăn gói đến các tụ điểm chờ được chọc cười khán giả. Có đêm chờ mỏi cổ cũng không được ra sân khấu, vì không có chỗ trống để lấp. Tiền đạp xích lô mỗi ngày được vài ngàn đồng, anh mua gạo cho cả nhà nấu cháo, số dư anh mua thuốc lá để “lo lót” cho các bầu sô. Nhờ vốn sống đó cộng với quá trình theo các gánh cải lương nên Bảo Khương tập tành viết tiểu phẩm. Nhưng số anh là số lận đận, đưa kịch bản cho các nhóm hài chẳng những không được chọn dựng mà còn bị người ta “xào nấu”.
Theo Người Lao Động, Lợi thế của những diễn viên từ quê lên tỉnh là biết ca vọng cổ, nên việc sáng tác các tiểu phẩm “mì ăn liền” không khó. Mỗi ngày họ hẹn nhau tại một quán cà phê vỉa hè gần bàn cách chế biến kịch bản. Xoay quanh những câu chuyện đi ăn tiệc cưới, tham gia diễn văn nghệ hoặc chỉ là một màn đố vui qua lại rồi cuối cùng là ca vọng dài 100 chữ. Lê Cường là anh kép áp dụng cách ca vọng cổ dài hơn 100 chữ vào tấu hài, nên nhóm hài Nhóc Sài Gòn của anh luôn được khán giả vỗ tay tán thưởng. Dĩ nhiên để khán giả cười thì phải biết “pha chế” hài hước. Nhiều nhóm đã chôm ý tưởng của anh để đưa vào tiểu phẩm hài, nhưng lái sang chuyện sáng tác nhiều bài vọng cổ tân thời, dựa theo nội dung kịch bản Tô Ánh Nguyệt, Lan và Điệp, Võ Tòng sát tẩu... với những câu chuyện nhạt nhẽo, vô hồn nhằm chọc cười khán giả. Một phần thấy mình thấp cổ bé miệng nên anh im lặng, một phần thấy họ cũng có hoàn cảnh chẳng hơn gì mình nên anh cũng bỏ qua.
Các nhóm hài tỉnh thường chôm kịch bản của nhau khi thiếu kịch bản. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ với những câu chuyện như: Vợ tôi tôi sợ, Câu chuyện hoang đường, Giã từ lung linh, Ai thắng ai thua, Tình cha, Tình chú cháu, Đôi bạn... dẫn đến tình trạng nhóm trước đến diễn tiểu phẩm của nhóm sau, gây xích mích, cự cãi, thậm chí xô xát nhau. Nghệ sĩ Hữu Phước cho biết từ sau khi anh đoạt giải Gala cười 2003 với tiểu phẩm Nhân chứng sứt môi, có đến 10 nhóm hài ở các tỉnh ăn cắp kịch bản của anh để diễn. Có nhóm điện thoại xin mượn đỡ kịch bản này vì diễn được khán giả thích. Có nhóm phớt lờ luôn, xem chuyện ăn cắp thành quả người khác là chuyện nhỏ. Anh nói chua xót: “Đã trải qua thời cơ cực của đời tấu hài nên tôi thông cảm cho họ. Có điều đáng buồn là người trong nghề tự làm nghèo chính cái nghề của mình khi đi ăn cắp ý tưởng của nhau”.
Trong số những diễn viên tỉnh chọn tấu hài để lập nghiệp có nghệ sĩ Tấn Beo, con của nghệ sĩ Tấn Tài. Vốn là con bầu gánh nhưng con đường vào nghề của anh cũng cơ cực không kém các bạn đồng trang lứa trong lĩnh vực hài. Từ bé anh đã phụ cha đứng gác cửa, soát vé rồi làm hậu đài, quân sĩ cho gánh hát nhà. Đến khi lớn lên biết mình không thể làm kép hát như cha, anh xin tự lập, sống lăn lóc ở các đoàn tỉnh. Không vượt qua được cái bóng của cha, anh chuyển sang đi diễn tấu hài với nghệ sĩ Kim Ngọc, Mỹ Chi. Anh kể: “Thời đó gian nan lắm. Làng hài đã có các bậc cha chú đang được công chúng yêu thích như: Bảo Quốc, Bảo Chung, Phú Quý, Duy Phương... mình phải tìm mọi cách để khẳng định mình. Mơ ước đổi đời chỉ thật sự đến khi bản thân mình tìm ra con đường đi riêng, không trùng lắp, không ăn cắp ý tưởng của nghệ sĩ khác. Nhờ hồi nhỏ quen sống tự lập, lăn lộn với cái nghèo, cái đói nên tôi có nhiều vốn sống”.
Nghệ sĩ Hồng Nga cũng từng lăn lộn ở các tỉnh để diễn tấu hài kiếm sống. Chị và nghệ sĩ Ngọc Giàu từng băng đồng, lội ruộng đi diễn rồi bị cướp chặn đường hành hung, giật túi. Nghệ sĩ hài Phú Quý cũng phấn đấu từ một anh tài xế ở Bến xe Miền Tây, mơ ước một ngày được làm nghệ sĩ chuyên nghiệp và anh đã thực hiện được ước mơ của mình. Nhưng không phải diễn viên hài nào cũng gặp được may mắn, thành công như vậy. Con đường nghệ thuật vốn chẳng bằng phẳng chút nào. Để mang lại tiếng cười cho công chúng, nghệ sĩ hài đôi khi phải đánh đổi bằng nước mắt cho nghề nghiệp của mình.
Đời sống một diễn viên tỉnh lẻ khó khăn, hầu hết đều xuất thân từ nông dân, mê nghề hát mà bỏ đồng ruộng, nương rẫy để dấn thân nên việc học hành không đến nơi đến chốn. Do trình độ kiến thức hạn chế, công việc sáng tác kịch bản đối với họ là hết sức khó khăn. Còn để mua kịch bản với giá từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/tiểu phẩm thì họ quá nghèo, mỗi suất diễn chỉ lãnh vài chục ngàn đồng làm sao kham nổi. Hiện nay có 2 tác giả chuyên cung cấp những tiểu phẩm tấu hài cho các nhóm với giá “hữu nghị”, đó là Duy Chung và Chí Mai, 2 anh đều trải qua nhiều đoạn trường trong nghề chọc cười nên rất thông cảm và chia sẻ với các đồng nghiệp. Có khi 2 anh chỉ nhận tiền đổ xăng hoặc một chầu nhậu “vỉa hè”, gọi là giúp bạn diễn trong thời khó khăn.