![]() |
Người dân trong vùng đến lấy nước trong nhà ông Kế. |
Nhiều người cho rằng uống nước này vào thấy khỏe, ngon và không cần đun nấu...
Nguồn “nước khoáng” mà nhiều người dân khắp nơi đổ xô đến lấy về uống lâu nay nằm ngay trong vườn nhà ông Đinh Ngọc Kế, thôn 2, xã Tam Thành. Thật ra đây chỉ là giếng khoan có nguồn nước ngầm tự phun.
Ông Kế cho biết 30 năm trước có một đoàn địa chất đến vườn nhà ông để khoan thăm dò quặng sắt. Khi khoan sâu 100m, nước bắt đầu phun lên. Sau đó họ tiếp tục khoan sâu thêm đến mức 150m, nước càng phun lên mạnh hơn. Do không tìm thấy quặng sắt, đơn vị khảo sát tính bịt lại lỗ khoan, nhưng thấy nguồn nước tự phun mạnh và rất trong nên ông Kế đã xin một đoạn ống kim loại đóng trên mặt đất tận dụng nguồn nước tưới cây trong vườn. “Dù trời mưa, nắng chi nước giếng cũng phun mạnh bình thường”, ông Kế nói rồi nối ngay đoạn ống vào miệng giếng khoan đưa lên cao 5m nước vẫn tự đẩy lên rất mạnh như được hút từ máy bơm.
Có những năm xã Tam Thành gặp hạn nặng nhưng chưa bao giờ nhà ông Kế thiếu nước tưới. Thời gian sau, nhiều người ở khắp nơi biết cái giếng “nước khoáng” trong vườn nhà ông Kế rủ nhau đến lấy nước. Ông Nguyễn Thanh Nam (đội 12, thôn 4, xã Tam Thành) cho biết: “Tôi đến lấy nước ở đây về uống mấy năm nay rồi. Giếng ở nhà nước phèn quá, mà mấy đứa con hay uống nước lạnh, sợ sắp nhỏ đau bụng nên tôi qua chở nước về cho tụi nó uống. Nước ni không cần nấu, uống vẫn tốt”.
Ông Lê Văn Việt, Phó giám đốc Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường Quảng Nam, cho biết: "Dựa trên kết quả thí nghiệm mẫu nước giếng nhà ông Đinh Ngọc Kế, chúng tôi nhận thấy có một số chỉ tiêu vượt mức quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, mức độ vượt không cao lắm nên hiện tại người dân sử dụng nước này vẫn chưa ảnh hưởng gì, nhưng theo tôi uống nước này không tốt. Nếu nguồn nước này được xử lý tốt vẫn có thể uống được. Còn kết quả xét nghiệm mẫu nước do Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng thực hiện với chỉ tiêu chưa đầy đủ mà đưa ra kết luận đạt yêu cầu, theo tôi chưa xác đáng".
Lúc đầu, ông Kế chỉ nối ống dây gắn vô giếng khoan, ai muốn lấy nước thì lấy, nhưng về sau số người từ khắp nơi đến lấy nước, nhiều người gợi ý ông Kế nên đầu tư làm hệ thống cung cấp nước uống thu tiền. Nhưng đến năm 2004, ông Kế mới bỏ tiền mua ba cái thùng nhựa (loại 500 lít) về chứa nước để mọi người đến lấy nước nhanh hơn và bắt đầu thu tiền (500 đồng/bình 20 lít). Ông Kế giải thích: “Tôi nói rõ với mọi người rằng đây là giếng nước bình thường. Tôi lấy ít tiền chẳng qua là công bảo quản bồn chứa, ống nước, ai thích thì đưa tiền, không thì thôi…”.
Vào mùa hè, mỗi ngày có hàng trăm lượt người từ Tam Kỳ, Tam An, Bình Trung, Kế Xuyên, Quán Gò… đến lấy nước trong vườn ông Kế từ sáng sớm tới tối mịt. Bình thường mỗi ngày có cỡ 100 bình nước đi ra từ nhà ông Kế. Ông Đặng Xuân Công (chợ Kế Xuyên, Bình Trung, Thăng Bình) hơn hai năm nay cứ mỗi ngày đến đây chở sáu can nước (loại 180 lít) và trả cho ông Kế 5.000 đông. “Nước ni tinh khiết lắm, uống ngon hơn nước giếng. Người dân ở đó uống toàn nước này. Tôi chở về vừa để nhà uống vừa bỏ lại cho người ta, lấy 5.000 đông/can, chủ yếu lấy công làm lời. Ở Kế Xuyên có cả chục người đến đây chở nước về bán lại như tôi”, ông Công nói.
Ông Kế tâm sự: “Thấy người ta đến lấy nước nhiều quá tui đâm lo nên lấy mẫu nước gửi ra Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng xét nghiệm. Kết quả cho biết nguồn nước đạt yêu cầu nên tôi yên tâm để mọi người chở về uống”. Nói rồi ông Kế đưa cho xem phiếu kết quả xét nghiệm hóa lý nước và phiếu xét nghiệm vi sinh nước (tháng 6/2005) đều của Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế Đà Nẵng) kết luận: “Đạt yêu cầu nước dùng cho ăn uống và đạt yêu cầu về phương diện vi sinh vật”.
Tháng 7/2006, theo báo cáo của UBND huyện Phú Ninh, Sở Tài nguyên và môi trường Quảng Nam đã lập đoàn khảo sát lấy mẫu nước giếng tự phun trong vườn nhà ông Đinh Ngọc Kế. Kết quả phân tích của phòng thí nghiệm Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ lại cho thấy nguồn nước có sự hiện diện của arsen, cyanur và thủy ngân vượt quá giới hạn cho phép. Sau đó, UBND xã Tam Thành đã ra thông báo đình chỉ khai thác nước ngầm tự phun tại vườn nhà ông Kế và khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn nước này.
Tuy nhiên, sau khi chính quyền địa phương ra thông báo người dân khắp nơi vẫn cứ tiếp tục đến lấy nước về uống. “Ai cấm kệ, tôi cảm thấy nước uống ngon thì uống”, nhiều người ở tổ 8, thôn 2, xã Tam Thành nói. Với những người đến lấy nước, ông Kế đã đưa tờ thông báo của chính quyền cấm do “nước ô nhiễm” nhưng nhiều người không quan tâm: “Kệ, cả làng uống nước ni lâu nay có ai bị chi đâu…”.
Ông Bùi Nga, Chánh văn phòng UBND xã Tam Thành, cho rằng: “Người dân không tin ai hết, hai cơ quan chuyên môn lại đưa hai kết luận khác nhau như vậy nên người dân vẫn cứ lấy nước uống và chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp cụ thể nào để ngăn cấm họ”.
(Theo Tuổi Trẻ)