Chính quyền Indonesia hôm thứ Năm đã nâng mức cảnh báo đối với núi Ibu, ngọn núi lửa ở tỉnh Bắc Maluku, lên mức cao nhất sau hàng loạt vụ phun trào. Muhammad Wafid, người đứng đầu Cơ quan Địa chất Indonesia cho biết: "Dựa trên kết quả giám sát bằng hình ảnh và công cụ cho thấy sự xuất hiện của hoạt động núi lửa gia tăng ở núi Ibu, chúng tôi đã nâng mức cảnh báo từ 3 lên 4".
Ngọn núi lửa cao 1.325 mét trên bờ biển phía tây bắc của hòn đảo Halmahera bắt đầu hoạt động từ thứ Sáu tuần trước. Mỗi ngày, ngọn núi phun tro bụi cùng những đám mây đen cao tới 5.000 mét như một ngọn tháp khổng lồ vào không khí. Người đứng đầu Cơ quan Địa chất hôm thứ Hai cho biết cột tro xám đen được quan sát thấy có "cường độ dày đặc, nghiêng về phía tây".
Các quan chức khuyến cáo người dân và khách du lịch không tiến hành bất kỳ hoạt động nào trong phạm vi 7 km quanh miệng núi lửa và lưu ý đến khả năng xảy ra vụ phun trào liên quan đến việc giải phóng dung nham từ đỉnh núi. Cơ quan này cũng đưa ra cảnh báo, nếu tro bụi rơi, người dân khi tham gia các hoạt động ngoài trời nên trang bị bảo vệ mũi, miệng và mắt.
Theo ghi nhận, hàng nghìn người sống trong bán kính quanh ngọn núi này. Chính quyền địa phương đã chuẩn bị lều sơ tán nhưng chưa có lệnh sơ tán chính thức nào được đưa ra.
Ibu là một trong những núi lửa hoạt động nhiều nhất ở Indonesia, phun trào hơn 21.000 lần trong năm ngoái. Quan chức Cơ quan Địa chất Sofyan Primulyana cho biết Ibu đã ghi nhận trung bình 58 vụ phun trào mỗi ngày vào năm 2023. Số liệu chính thức cho thấy có hơn 700.000 người sống trên đảo Halmahera này.
Indonesia, quốc đảo 270 triệu dân, có 120 ngọn núi lửa đang hoạt động. Các trận phun trào của núi lửa thường xảy ra ở đây vì quốc gia này nằm dọc theo "Vành đai lửa" gồm một chuỗi các đường đứt gãy địa chấn hình móng ngựa quanh Thái Bình Dương.
Hà Nguyên (Theo Washington Post, CNA)