Là con gái, lại là con một, thế nhưng từ bé Thư đã rất mê trở thành công an đi săn bắt cướp đem yên bình về cho khu phố. Khi lớn lên, cuộc sống đưa đẩy, ước mơ thuở nhỏ không thành, "cô công an tí hon" bước chân vào giảng đường Trường cao đẳng sư phạm. Cuộc sống cứ cuốn đi, Thư đành gác lại ước mơ ấy để chuyên tâm học hành.
Cho đến một ngày bỗng dưng Thư… thất nghiệp do thi công chức rớt. Tình cờ một hôm Thư xem phim Nữ vệ sĩ, ước mơ thuở bé sống dậy. "Làm công an không được thì làm bảo vệ, hai nghề na ná nhau". Nghĩ là làm. Thư bắt đầu "khổ luyện" để thi vào làm bảo vệ cho công ty Yuki. "Trước giờ có tập xà, hít đất lăn lê bò toài như vậy bao giờ đâu. Lúc vào thi ai cũng cười vì cách chạy và hít đất của mình không giống ai", Thư kể lại. Thế nhưng Thư vẫn được đặc cách cho đậu vì theo như đánh giá của anh Nguyễn Văn Tùng, tổng chỉ huy khu vực phía Nam của công ty Yuki, Thư là một người không những có kiến thức xã hội, ngoại ngữ, vi tính tốt mà còn rất có cá tính và tự tin, người như thế bỏ qua rất uổng.
Thư tâm sự: "Trước đến giờ đây là nghề chỉ có nam làm, trong công ty cả trăm người nam mới có một người nữ. Cho nên khi họ cố gắng 1 thì chúng tôi phải cố gắng 2-3 để chứng tỏ rằng nữ cũng có thể làm bảo vệ tốt như nam". Đó thật sự là một áp lực và Thư không những đã vượt qua mà còn trở thành một trong những học viên xuất sắc nhất của khóa huấn luyện.
Học nghề là thế, có ra đi làm rồi mới biết được hết những khắc nghiệt của nghề. Với xã hội, nghề này vẫn còn chưa được xem trọng, cho rằng đây là nghề của những người vai u thịt bắp, sai đâu đánh đó chứ không có đầu óc. Với Thư là con gái càng bị xem thường nên để đến được với nghề, Thư đã phải đấu tranh vượt qua định kiến, không những thế cô còn muốn thay đổi nó. Trong thời gian học việc, hình ảnh người nữ bảo vệ mà Thư tạo ra qua chính bản thân mình không phải là cô bảo vệ vai u thịt bắp, mặt mày lạnh lùng, khó khăn mà là bằng cả sự chuyên nghiệp qua hiệu quả công việc và kiến thức của mình. Thư tham gia xử lý các tình huống khó khăn bằng sự khéo léo, uyển chuyển, tinh tế của một người nữ và sự quyết đoán, cứng rắn, bản lĩnh của người nam.
Rồi Thư được thăng chức lên làm chỉ huy phó quản lý một "đội quân" gần 50 người. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ của mình, Thư còn phải nghiên cứu, lên kế hoạch, điều động, phân phối "đội quân" của mình bảo vệ mục tiêu sao cho hiệu quả và an ninh nhất. Công việc nặng nề hơn, thế nhưng chưa một lần cấp dưới thấy nữ chỉ huy quát tháo hay lơ là trách nhiệm. Thư đến với mọi người bằng sự chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau chứ không phải là sự giám sát hay tỏ ra quyền thế. Người nữ chỉ huy này cũng chưa một lần phạt ai nhưng tất cả đều răm rắp nghe lời và làm việc rất hiệu quả.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị, "đội quân" do Thư phụ trách thường nhận được những lời khen từ khách hàng. Riêng cô chỉ huy, sau hơn một năm làm việc, đã được các công ty lớn tín nhiệm và đánh tiếng mời về làm… marketing. Tất nhiên lương và bổng cao hơn. "Lúc đó tôi đã thật sự bị dao động. Nhưng khi bình tâm lại nhận ra rằng cái máu ưa phiêu lưu, thích mạo hiểm, thử thách vẫn còn và trên hết tôi rất yêu nghề. Và vì vậy tôi ở lại".
Sau đó ít lâu, Thư được công ty Yuki cho "lên lon", chuyển về làm ở tổ lập phương án vì ở nơi này cần "cái đầu" hơn. Tuy nhiên, khi có những "phi vụ" lớn, bảo vệ những nhân vật quan trọng, Thư luôn được điều động. Lần gần đây nhất là tháng trước, Thư được công ty giao đi làm trưởng nhóm đội bảo vệ cho các vị khách quan trọng của một tập đoàn dầu khí lớn đến Việt Nam tổ chức hội nghị khách hàng. "Đội quân" của Thư đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Thư kể: "Lần đó, mọi người đứng trực suốt cả ngày tê cứng, nhức mỏi cả hai chân. Nhưng ai cũng phải ráng vì chỉ cần khách hàng một lần nhìn thấy mình lơ là trong công việc thì uy tín, thương hiệu của công ty sẽ rất dễ bị mất đi".