Đại diện Đại học Vinh cho hay học viên Trần Vũ Quỳnh Anh (sinh năm 1986, quê Thanh Hóa) - nguyên Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Sở Xây dựng) - từng là sinh viên ngành Tin học, khóa 46 (2005 – 2009), dưới hình thức vừa làm vừa học (hệ tại chức) tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Thanh Hóa do Đại học Vinh mở và chịu trách nhiệm đào tạo.

Bảng điểm lưu trữ tại Đại học Vinh của bà Trần Vũ Quỳnh Anh. Ảnh: Chân Nhân.
Theo hồ sơ lưu trữ tại Đại học Vinh, kết quả học tập toàn khóa của Trần Vũ Quỳnh Anh gồm có 50 học phần kéo dài trong 4 năm. Kết thúc khóa học, Trần Vũ Quỳnh Anh đạt kết quả trung bình với tổng điểm 6,36. Trong đó, có một học phần đạt điểm 9; sáu học phần đạt điểm 8; 13 học phần đạt điểm 5, còn lại các học phần khác có số điểm 6 và 7. Các học phần chuyên ngành tin học thì Quỳnh Anh chỉ đạt điểm trung bình. Cụ thể, học phần Tin học văn phòng 5 điểm; Điện tử số 5 điểm; An toàn thông tin 5 điểm...
Một số giảng viên Đại học Vinh nhận xét Quỳnh Anh có kết quả học tập không nổi bật, các điểm số trung bình chiếm phần lớn, như vậy tổng điểm sẽ không thể đạt mức khá. Về các học phần có 6 đơn vị học trình như lập trình PASCAL nâng cao, cơ sở thông tin và mạng máy tính, xử lý tín hiệu số và xử lý ảnh thì Quỳnh Anh chỉ đạt 6 điểm. Trong khi đó, học phần duy nhất mà Quỳnh Anh đạt 9 điểm thì lại có 4 đơn vị học trình. Chính vì thế, học phần nhiều học trình đạt điểm số thấp sẽ kéo xuống kết quả chung khi tính tổng.
“Điểm số học tập chứng minh cho năng lực, sự phấn đấu, chuyên cần của mỗi sinh viên. Nhưng nhìn nhận khách quan thì những điểm số ấy chỉ đánh giá trong trường học, chứ khi sinh viên tốt nghiệp đi làm thì khác. Quan trọng là sinh viên áp dụng như thế nào trong thực tiễn công việc mà mình đang làm”, một giảng viên nói.

Chân dung bà Trần Vũ Quỳnh Anh. Ảnh chụp hồ sơ.
Hầu hết giảng viên từng giảng dạy Quỳnh Anh đều khá ngạc nhiên khi biết về con đường “thăng tiến thần tốc” của Quỳnh Anh. “Tôi thường xuyên theo dõi tin tức trên báo chí thời gian gần đây, lúc đầu tôi không nhận ra vì trong khóa học có 63 sinh viên nhưng lặp lại nhiều lần thì tôi biết đây là người mà mình từng dạy. Lúc còn học Quỳnh Anh không phải xinh đẹp nổi bật nhất lớp, học lực bình thường, trầm tính. Một sinh viên như thế thì dấu ấn nhạt nhòa lắm”, một giảng viên nói.
Đầu tháng 3, một số cơ quan báo chí phản ánh nữ Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Thanh Hóa) có quá trình thăng tiến "thần tốc" và sở hữu biệt thự, xe sang. Qua thanh tra, cơ quan chức năng xác định, ngày 18/4/2014, Giám đốc Sở Xây dựng bổ nhiệm bà Quỳnh Anh giữ chức Phó trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản. 6 tháng sau, bà này tiếp tục được cất nhắc lên Trưởng phòng. Các quyết định bổ nhiệm được ban hành khi nữ cán bộ chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn: "Thời gian công tác ở lĩnh vực mình phụ trách về chuyên môn nghiệp vụ ít nhất từ 3 năm trở lên; có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên, đã qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước". Cơ quan chức năng chưa phát hiện bà Quỳnh Anh có hành vi tham nhũng trong quá trình công tác. Đến thời điểm thanh tra, bà Quỳnh Anh không còn là cán bộ, công chức, vì vậy chưa đủ cơ sở để kiểm tra, xác minh tài sản của bà Quỳnh Anh. Trước đó tháng 9/2016, trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn về quan hệ giữa một lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá và nữ cán bộ cấp phòng ở Sở Xây dựng. Vị lãnh đạo này sau đó bác bỏ tin đồn, đồng thời cho biết tỉnh đã đề nghị Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin Truyền thông xử lý việc đưa thông tin bịa đặt. |
Chân Nhân