Ngày 2/11, hai trong ba học sinh bị Hội đồng kỷ luật trường THPT Nguyễn Trãi đuổi học một năm vì xúc phạm thầy cô trên Facebook đã trở lại trường. Một nam sinh chưa đến lớp vì lý do cá nhân, đang ở xa. Không khí dạy học ở lớp 10A5 diễn ra bình thường song lớp này nhận được nhiều quan tâm, chú ý của thầy cô và học sinh trong trường.
Buổi đầu đi học sau gần 10 ngày bị đuổi, nữ sinh Lan Phương chia sẻ "vui mừng song khá lo lắng". Lan Phương kể chiều qua đang ở nhà thì nhận thông báo được quay lại lớp.
"Em rất vui vì lại được đến trường, gặp bạn bè, thầy cô, song lo vì nghỉ học dài ngày sẽ không bắt kịp kiến thức như các bạn và một phần sợ thầy cô có định kiến", Lan Phương nói.
Tuy nhiên, cảm giác lo lắng sau đó vơi đi khi bạn bè trong lớp, thầy cô tới hỏi han, động viên Phương. Trong những ngày phải ở nhà, Lan Phương sống trong tâm trạng buồn bã, có lúc nghĩ đến những điều tiêu cực.
"Chúng em đã hành động bồng bột, sai trái, không đúng mực và mong được cô tha thứ, giúp đỡ", nữ sinh giải bày.
Theo Lan Phương, group "Động Cô Bích" không rõ do thành viên nào lập ra từ những ngày đầu năm học và tag đầy đủ 48 thành viên của lớp 10A5. Việc nói xấu các cô giáo xuất phát từ khoảng giữa tháng 9, một nhóm bạn bị ghi sổ đầu bài oan trong một tiết học Anh văn, các em giải thích song cô giáo không chấp nhận. Không vừa ý nên nhóm học sinh có lời lẽ thiếu tôn trọng cô.
Phương cho biết sẽ cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để sửa chữa lỗi lầm. Cá nhân Lan Phương muốn lấy kết quả học tập để chứng minh cho thầy cô thấy em đã thực sự thay đổi.
Trở lại trường sau những ngày bị kỷ luật, nữ sinh tên Nga tâm sự em đã suy nghĩ rất nhiều, cảm thấy xấu hổ và hối lỗi về những việc đã làm.
"Chúng em muốn xin lỗi thầy cô và hứa không tái phạm", Nga nói. Nữ sinh cho rằng án kỷ luật đuổi học một năm của nhà trường với các em là quá nặng. Em mong muốn nhận hình thức kỷ luật nhẹ hơn để có cơ hội sửa chữa.
Trong số 8 học sinh vi phạm, Hà My là thành viên bị kỷ luật nhẹ nhất khi chỉ bị cảnh cáo trước toàn trường. My thừa nhận mức phạt này đúng với lỗi của mình và đánh giá các bạn bị đuổi học một năm là "hơi nặng". Lúc rảnh rỗi, em và các bạn vẫn nhắn tin động viên nhau, hỏi han tình hình trường, lớp.
Nói về nhóm bạn vừa bị trường kỷ luật, em Nguyễn Ngọc Quyền, lớp trưởng lớp 10A5, cho hay đây không phải là những bạn cá biệt. "Có thể các bạn chỉ a dua, muốn thể hiện mình", Quyền nói.
Ngày 1/10, một nữ sinh lớp 10A5, trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hoá) sử dụng điện thoại trong giờ học bị giáo viên bộ môn thu giữ và giao cho giáo viên chủ nhiệm lớp là cô Đậu Thị Bích. Chiều cùng ngày, tại phòng trực giám thị của nhà trường, do điện thoại của nữ sinh không khóa, cô Bích thấy trên màn hình hiện cuộc nói chuyện trong tài khoản Facebook "Động Cô Bích".
Kiểm tra, cô giáo phát hiện các cuộc trò chuyện có nội dung tục tĩu, nói xấu xúc phạm thầy cô, nhà trường. Ban giám hiệu sau đó đã mời đại diện hội cha mẹ học sinh và các phụ huynh liên quan thông báo sự việc, đồng thời yêu cầu học sinh viết tường trình. Do học sinh không có thái độ tiếp thu, tiếp tục vi phạm, nhà trường họp Hội đồng kỷ luật biểu quyết đuổi học một năm ba học sinh, đuổi học một tuần bốn em khác, cảnh cáo toàn trường một nữ sinh.
Sau khi dư luận phản ứng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hoá lập đoàn kiểm tra và đánh giá, trường kỷ luật các em còn nóng vội, không mang tính giáo dục. Vi phạm của các em chưa đến mức phải đuổi học một năm nên yêu cầu huỷ quyết định.
Phản hồi trước yêu cầu thu hồi quyết định đuổi học 7 học sinh, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Trãi, ông Bùi Nguyên Tiến, cho hay sẽ chấp hành nghiêm túc.
Vị lãnh đạo trường chia sẻ ngay đầu giờ học sáng nay đã đến lớp 10A5 gặp gỡ, động viên học trò. Theo ông, vài ngày tới nhà trường sẽ họp Hội đồng kỷ luật nhằm đánh giá lại mức độ sai phạm để đưa ra hình thức kỷ luật phù hợp nhất.
"Quan điểm của trường vẫn sẽ xử lý nghiêm để có tính răn đe nhằm ổn định nề nếp, nâng cao chất lượng dạy học", thầy Tiến nói.
Trường THPT Nguyễn Trãi là trường công lập, hiện có hơn 1.100 học sinh. Lớp 10A5 có 48 học sinh do cô Đậu Thị Bích, giáo viên Vật lý làm chủ nhiệm. Nữ giáo viên có hơn 10 năm giảng dạy, được đánh giá là hiền lành, có kinh nghiệm quản lý, vững chuyên môn.
* Tên nữ sinh được thay đổi.