Hôm qua, đơn vị chủ quản của Thanh Phúc là Đà Nẵng có đơn gửi lên Tổng cục TDTT xin rút VĐV không tham dự giải vô địch châu Á 2014 như kế hoạch, với lý do Thanh Phúc đang gặp vấn đề về sức khỏe. Việc Thanh Phúc phải rút lui phút chót là bất khả kháng, nhưng đây là điều đáng tiếc với VĐV người Đà Nẵng, bởi sân chơi châu Á không chỉ là nơi khẳng định tài năng và có nhiều kỷ niệm với cô.
Từng vươn tới đỉnh cao tham dự Olympic bằng xuất chính thức, nhưng chính giải châu Á ghi dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp thi đấu của Thanh Phúc. Điền kinh Việt Nam và môn đi bộ nói riêng nhiều năm qua luôn hướng tới giải đấu châu lục với quyết tâm chinh phục những đỉnh cao, nhưng chỉ có một vài cá nhân xuất sắc làm được điều đó. Trong số này, Thanh Phúc thực sự gây ấn tượng bởi môn đi bộ vốn được xem là “thiên lý độc hành”.
Năm 2012 đánh dấu cột mốc thành công đầu tiên với Thanh Phúc, khi cô xuất sắc giành tấm HC đồng tại giải vô địch châu Á. Còn nhớ khi đó, giới chuyên môn và người hâm mộ đã bị sốc bởi cô gái Đà Nẵng không được đánh giá cao, lại thua kém các đối thủ về thể hình, sự đầu tư. Thế nhưng, với quyết tâm tham dự Olympic 2012, Thanh Phúc tung hết sức lực để cán đích ở vị trí thứ 3, mang lại cho cô tấm vé chính thức tới London năm đó.
Chưa hài lòng với tấm HC đồng, đúng một năm sau, Thanh Phúc tiếp tục gây chấn động làng đi bộ châu lục với tấm HC bạc. Thậm chí nếu may mắn hơn, cô gái sông Hàn hoàn toàn có thể giành ngôi quán quân. Tuy vậy, đây cũng là tấm huy chương danh giá nhất trong sự nghiệp thi đấu của Thanh Phúc. Với Thanh Phúc và HLV Trần Anh Hiệp, chiến công này là thành quả xứng đáng sau những ngày tập luyện không mệt mỏi. Chỉ có ý chí và sự bền bỉ đến kinh ngạc, mới có thể giúp cô gái có thân hình mỏng cơm trụ vững trong bộ môn đi bộ đường trường đầy khắc nghiệt. "Trước khi tìm cách đánh bại các đối thủ, cần phải vượt qua chính mình. Làm sao để chống lại cái lạnh, đối phó với đường trơn, nhưng vẫn đảm bảo được tốc độ, cự ly an toàn và đặc biệt là không sai luật, chẳng phải chuyện dễ làm được", Phúc kể lại.
Sau khi vượt qua được "đối thủ" thời tiết, Phúc cũng phải có chiến thuật thật hợp lý. Những gì mà hai thầy trò bàn nhau trước giờ thi, đã bị thay đổi bởi diễn biến khó lường sau từng chặng. Các VĐV tăng tốc ngay từ đầu, buộc Phúc phải bám theo để không bị bỏ lại quá xa. Bất lợi về sải chân vì thân hình nhỏ bé, đã trở thành lợi thế rất lớn khi cô gái người Đà Nẵng thực thiện chiến thuật “núp gió”.
“Trong 4 vòng đầu tiên tôi luôn duy trì tên mình trong top 5. Rồi đến vòng thứ 6, tôi tiến vào top 3 và xếp sau VĐV Otoshi Kumi (Nhật Bản) và Jeon Yeon Geum (Hàn Quốc). Tôi chỉ quyết định tăng tốc từ vòng thứ 9 để vượt qua đối thủ Jeon Yeon Geum, khi thấy cơ hội giành tấm HC bạc đã hiện rõ trước mắt. Cuối cùng, tôi đã cán đích ở vị trí thứ hai. Hạnh phúc, sung sướng, hai thầy trò chỉ biết ôm nhau khóc...”, Phúc xúc động nhớ lại thời khắc bước lên đỉnh cao của mình.
Môn đi bộ khắc nghiệt không chỉ trong khổ luyện, thi đấu, mà còn cả những lúc hồi sức. Những lúc cơ thể đang tìm lại trạng thái cân bằng, trông Thanh Phúc cứ lả đi như sắp ngất. Những lúc đó, mẹ của cô chỉ biết quay mặt đi rồi lau nước mắt vì thương con. Hơn 10 năm nay, bà chưa thấy Phúc được nghỉ ngơi lấy một tuần. Có lẽ vì nỗ lực tập luyện, cô gái Đà Nẵng đã bị kiệt sức và điều mà cô không mong đợi đã đến, đó chính là phải chia tay giải vô địch châu Á năm nay.
Một giải đấu đáng nhớ làm nên thương hiệu của “Nữ hoàng đi bộ”, nhưng năm nay Thanh Phúc sẽ phải ở nhà vì mới bị sốt xuất huyết. Không được tham dự giải vô địch châu Á khiến Phúc rất buồn, nhưng cơ hội để cô khẳng định tài năng vẫn còn nhiều, khi năm nay còn có Asiad.
Mai Hương