Diên Vĩ
Tôi nhớ ngày còn bé, đất Sài Gòn sung túc và an lành lắm, nên việc ly dị được xem như cái gì đó rất ghê gớm. Có một cô bạn thời tiểu học, vì gia đình đổ vỡ nên bất đắc dĩ trở thành nạn nhân của những lời xì xầm nhỏ to. Con nhỏ thì muốn giấu kín chuyện, mà nhiều lúc ấm ức quá lại bắt đầu gắt gỏng với bạn bè. Cũng khoảng đó, gia đình bác tôi xích mích lớn đến nỗi chỉ còn cách ly dị để giải quyết. Tôi chẳng thể ngờ chuyện kinh khủng đó có thể xảy đến với chính người thân của mình. Tôi cũng thắc mắc làm sao các con của bác vẫn cứ bình thản như không.
Rồi cũng đến lượt bố mẹ tôi. Chỉ vài tháng sau kỷ niệm 20 năm ngày cưới, họ quyết định kết thúc hôn nhân chỉ với một tờ giấy, quyết định quay lưng lại với miền ký ức hạnh phúc mà cả gia đình đã đắp xây. Tuổi thơ tôi luôn bị ám ảnh bởi những trận cãi vã của bố mẹ, rồi ngày qua ngày trông chờ họ làm lành để được thở phào nhẹ nhõm. Nhưng may mắn là chúng tôi thi thoảng vẫn vui cười bên nhau – tôi khắc ghi hết để sau này còn được ấm lòng khi nhớ lại. Tôi sợ mai này, định nghĩa về mái ấm gia đình trong tôi chỉ còn là một khái niệm mơ hồ.
Nhưng bao nhiêu lời nguyện cầu, bao nhiêu giọt nước mắt, bao nhiêu niềm hy vọng cũng không níu kéo được bước chân bố tôi. Năm đó tôi mới học cấp 2, chẳng còn là trẻ con nhưng chưa được ai công nhận là người lớn. Tôi cần một bàn tay vững chải để dắt dìu tôi đi bước đầu tiên chập chững vào đời, một gia đình để quay về nếu tôi có lỡ vấp ngã giữa thế giới hỗn độn ngoài kia, một người cha để cảm thấy mình vẫn còn bé bỏng và được chở che. Vậy mà bố tôi vẫn không ở lại, không nghĩ cho trái tim đứa con gái đang vỡ ra từng mảnh đau nhói.

Ngày hôm đó, nắng chang chang mà trong phút chốc mọi tia sáng, mọi hơi ấm trong cuộc đời tôi biến mất hết. Trước khi bước ra khỏi cửa, bố nắm tay tôi và nói vỏn vẹn 3 chữ “Đừng có buồn”. Đó là lần duy nhất trong đời tôi không nghe lời bố dặn. Tôi đã buồn, buồn nhiều lắm – khóc nức nở suốt 3 ngày trời mà bố không về ôm ấp dỗ dành như ngày bé con. Khi ấy, tôi mới hiểu những lời ra tiếng vào thiên hạ nói năm xưa chạm vào nỗi đau của nhỏ bạn sâu dường nào. Và tôi hiểu, các chị họ tôi đã khó khăn lắm mới có thể diễn trọn vai mạnh mẽ.
Tôi vẫn luôn nhớ bố đến òa khóc. Những đêm nằm mơ về bố, thức dậy đã thấy hai khóe mi ướt đẫm. Những cơn ác mộng về bố khiến tôi không dám chợp mắt – tôi sợ mất bố. Những ngày đến trường, nhìn chúng bạn được bố đưa đi đón về, tôi thèm khát được một lần nữa tựa đầu vào bờ vai bố, hiền hòa và an yên. Nhớ bố, nhưng tôi chẳng thể chạy đến cạnh bên. Nhớ bố, tôi tự pha cho mình tách cà phê, ngồi cạnh cửa sổ và bật những bản nhạc Lệ Quyên mà bố vẫn hay nghe. Ừ thì mái nhà nơi tôi đang chung sống cùng bố chính là bầu trời xanh bao la ngoài kia. Và biết đâu ở vùng đất xa xôi ấy, bố cũng đang cùng tôi chết lặng trong điệu nhạc buồn thiết tha, nhâm nhi giọt cà phê đắng đến nghẹn tim?
Xã hội ngày nay, như đã không còn định kiến về hai chữ ly dị, đã không còn cái nhìn thiếu thiện cảm đối với những đứa trẻ lớn lên thiếu thốn tình thương mẹ cha. Bây giờ, viễn cảnh bố mẹ mỗi người một nơi sao quen thuộc và phổ biến quá. Tôi tìm thấy sự đồng cảm chính từ nơi mấy đứa bạn thân, vì quá trình trưởng thành của chúng tôi đều gắn liền với chuỗi ngày bất lực chứng kiến gia đình tan vỡ, chẳng thể nào hàn gắn. Gặp gỡ chúng nó, tôi vẫn vô tư chuyện trò, hồn nhiên cười đùa như rằng thế giới của tôi vẫn tràn ngập sắc hồng. Nhưng mấy ai hiểu, nếu không cố gắng gượng cười thì tôi tìm đâu ra sự lạc quan mà sống tiếp đến ngày mai? Nhiều lúc chênh vênh giữa dòng đời, tôi chỉ biết đưa tay lau khô nước mắt và ước ao phải chi có bố ở đây lúc này, chắc cuộc sống tôi sẽ khác đi nhiều lắm.
Trước đây, mỗi khi ai đó hỏi tôi có buồn chuyện bố mẹ không, tôi đều nói dối rằng tôi không buồn. Tôi sợ ánh mắt thương hại của người đời, sợ có trải lòng mình ra thì họ cũng chẳng thể nào hiểu cho thấu. Nhưng ngày hôm nay, tôi đủ can đảm để nhìn thẳng vào mắt họ mà nói rằng tôi đã từng và vẫn đang rất buồn. Và tôi sẽ kể họ nghe về cái con bé thuở ấu thơ, hay cười hay đùa với mọi người. Đến khi khôn lớn, con bé lại sống khép kín, chẳng còn dám đặt niềm tin nơi ai. Mặc dù nó cũng mơ mộng về chàng hoàng tử, về váy cưới trắng thanh tao, về ngôi nhà và những đứa trẻ. Nhưng nó sợ người chồng sẽ bỏ nó đi như cái cách bố nó bỏ mẹ nó, sợ những đứa con của nó sẽ trải qua nỗi niềm đắng chát như nó đã từng. Người đàn ông sinh ra nó đã khiến nó đau vô cùng, thì nó còn trông chờ yêu thương từ ai được nữa?
Thời gian mãi chẳng thể làm lành được vết thương này, nhưng ít ra tôi học được cách sống sao cho bình ổn với nỗi đau. Đôi khi tôi cũng muốn nói với bố rằng, “Bố ơi, bố quay về đi, con nhớ bố, gia đình cần bố. Chuyện cũ đau thương, con quên hết rồi bố à”. Nhưng lòng tự trọng và kiêu hãnh của một đứa con gái khiến tôi cứ lặng im hoài. Với lại, một đứa trẻ tuổi chưa chạm ngưỡng 18 như tôi, đã đủ chững chạc đâu mà dành cho mình cái quyền được lên tiếng cho cảm xúc, được chia sẻ những tâm tư cứ chất đầy theo năm tháng…