Trở lại điện ảnh với phim Fanti (chiếu rạp từ 28/7), NSND Lê Khanh hóa thân một nghệ sĩ đã giải nghệ, hỗ trợ con gái (Thảo Tâm đóng) vào showbiz nhưng lòng mang nhiều lo lắng. Trò chuyện với Ngôi Sao, nữ nghệ sĩ tâm sự về mối liên kết giữa cuộc đời màn ảnh và cuộc đời làm mẹ, cùng câu chuyện về những đứa con trong làng diễn viên của chị.
- Nhân vật trong 'Fanti' gợi nhắc trải nghiệm đời thật nào của chị?
- Tôi liên hệ vai diễn với chính gia đình mình. Trước khi là bà mẹ làm nghệ thuật, tôi là đứa con có bố mẹ đều là nghệ sĩ. Thường thì khi con trẻ lên cấp ba, bố mẹ bắt đầu định hướng nghề nghiệp. Lúc đó, tôi hỏi các con có muốn nối nghiệp bố mẹ không và cả hai đồng thanh trả lời: "Không bao giờ!" (cười). Thật tâm, tôi thấy hơi xót xa, hơi tiếc nhưng tôi cũng mừng. Vì hơn ai hết, tôi thấm thía nghề này khắc nghiệt, truân chuyên thế nào. Người làm nghệ thuật phải thật bản lĩnh, không được dừng lại một phút nào mới đi được trọn vẹn một đời với nghề.
Có lẽ các con tôi thấy được cả vẻ hào nhoáng lẫn nỗi vất vả vợ chồng tôi trải qua. Các con đã quen với việc bố mẹ nay đây mai đó, lễ Tết không ở nhà với con mà toàn phục vụ người khác, lúc nào cũng tất bật công việc, luôn lo nghĩ về thành công và thất bại. Chưa kể, lương diễn viên thấp, cuộc sống không ổn định, hôm nay hào quang vang dội nhưng ngày mai có thể chẳng còn gì. Đã vậy, nghệ sĩ còn hay bị để ý, nhất là ở thời đại bây giờ. Các con tôi hay nói đùa: "Nhà mình chẳng có chút tự do nào".
- Các con giận hay trách chị điều gì khi chị hay lưu diễn xa?
- Ngày còn bé, các con không nói nhưng giờ trưởng thành rồi, thỉnh thoảng các con tổng kết lại. Đời người nghệ sĩ là vậy, phải đánh đổi nhiều thứ sau ánh hào quang. Vậy thì cái gì giữ chúng tôi ở lại với nghề? Đó là cái đẹp và giá trị mỗi tác phẩm gửi gắm.
Vai diễn của chúng tôi giúp khán giả thư thái, tin vào cái thiện, ngộ ra điều tốt đẹp, tối thiểu là mang đến giá trị giải trí để họ quên đi chuỗi ngày lao động. Các suất diễn ngày lễ Tết càng thiêng liêng, bởi chúng tôi mang sự ấm áp dân tộc đến với đồng bào vùng sâu vùng xa, kiều bào nơi đất khách, chiến sĩ nơi hải đảo. Giá trị văn hóa nghệ thuật được nhân lên, hạnh phúc của chúng tôi cũng nhân lên.
Tôi từng trải qua tuổi thơ đêm nào cũng ngóng bố mẹ về, thêm nỗi lo không biết bố mẹ có về lành lặn, an toàn giữa bom đạn chiến tranh không. Nhưng tôi luôn tự hào về sự nghiệp của bố mẹ tôi. Tôi tin các con tôi cũng tự hào về mình như vậy.
- Các con trách chị vắng nhà như vậy, tại sao chị không đưa chúng đi làm xa cùng, để có thời gian mẹ con gần nhau?
- Ngày các con còn nhỏ, tôi đi đâu, các con theo đấy và có bảo mẫu đi cùng. Có các con bên cạnh, người mẹ mới an tâm hoàn thành sự nghiệp. Sau này, các con đi học, mẹ con phải tách nhau ra, mỗi người một việc. Giờ các con có sự nghiệp riêng, không thể đi cùng tôi nữa.
Tôi xác định mình theo nghề cả đời, nơi nào có sân khấu, nơi đó là nhà, là gia đình. Tôi ở khách sạn ba ngày, đó là ngôi nhà trong ba ngày. Nghệ sĩ cần sự nhạy cảm, khéo thích nghi như vậy.
Đi đến đâu, mẹ con tôi cũng thấy ấm áp như ở nhà, được khán giả cung cấp đồ ăn thức uống, giúp trông con. Tôi sống ở khách sạn nào, các cô nhân viên cũng thay nhau bế con giúp. Đêm diễn về, tôi đi khắp khách sạn tìm con, không biết các cô bế cháu ở phòng VIP nào (cười). Nghề này có nhiều nghiệt ngã, chông gai nhưng đổi lại cũng ấm lòng vô tận. Không thứ tình cảm nào bằng tình thương của khán giả. Nghệ sĩ chúng tôi đi đâu cũng được chào đón, giúp đỡ. Tôi thấy sướng lắm, bõ công mình vất vả.
- Ngoài hai con ruột ở nhà, chị còn nổi tiếng là bà mẹ đông con trong showbiz. Diễn viên trẻ nào từng đóng chung phim cũng gọi chị là mẹ. Điều gì kết nối chị với thế hệ tiếp bước?
- Các con tôi không theo nghề mẹ, nên gặp các bạn trẻ cùng nghề với mình, tôi yêu lắm. Chúng tôi đóng mẹ con trên phim, cần thiết lập tình cảm từ ngoài đời để dễ dàng hóa thân. Hơn nữa, với người làm phim, đoàn phim chính là gia đình. Ăn chung, ở chung, không là gia đình thì là gì!
Gần đây, một khán giả nhắn cho tôi: "Cô Khanh không sinh nhiều nhưng có cả trăm đứa con". Tôi thấy đúng thật. Tôi nghĩ mình yêu các con, thì các con cũng yêu mình. Các con thành công, tôi thấy đã. Các con gặp khó, tôi sẵn lòng giúp. Các con có dịp ra Hà Nội đều đến thăm mẹ Khanh. Kaity đi đóng phim ở Tây Bắc, có việc là gọi mẹ "cấp cứu". Có hôm đang đi chơi Nha Trang, thấy con gọi, tôi bay về liền.
- Nhắc đến Kaity Nguyễn, cô ấy từng đến chơi nhà chị ở Hà Nội, nấu nướng cùng chị, ăn uống với mẹ chị. Tại sao chị kết nối 'con gái' màn ảnh với người nhà của mình?
- Vì tôi yêu gia đình và tôi thích kết nối. Trong ba chị em ở nhà, tôi luôn là người đầu trò, chủ động gắn kết mọi người. Tôi ít khi cho mình ngày nghỉ, trống lịch là tôi kết nối họ hàng, bạn bè với nhau. Gia đình tôi cả đời chia tay nhau rồi hồi hộp đón nhau trở về, lúc nào đông đủ thì quý hóa lắm, có thêm thành viên càng đông vui. Người Bắc yêu nhất là gia đình. Ai là khách, chúng tôi mời ra nhà hàng. Ai tôi coi là gia đình, tôi phải đưa về nhà.
Không chỉ Kaity, đạo diễn Andy Nguyễn của phim Fanti cũng từng ra Hà Nội, đến ở nhà tôi một tuần để trải nghiệm gia đình nghệ sĩ. Chúng tôi cùng ăn uống, trò chuyện về con cái, sự nghiệp. Nhân vật của tôi là một bà mẹ từng làm nghệ thuật. Tôi muốn dùng đời thật của mình làm một phần chất liệu để đạo diễn làm phim.
Từng làm việc với nhiều đạo diễn nước ngoài, cả lĩnh vực kịch và điện ảnh, tôi hiểu nhà làm phim quốc tế coi trọng sự tiếp xúc giữa đạo diễn và diễn viên thế nào. Là Việt kiều, Andy cũng vậy.
- Vậy còn với con gái mới nhất trên màn ảnh của mình – Thảo Tâm của phim 'Fanti', chị kết nối với cô ấy thế nào?
- Fanti đi qua mùa dịch, gặp nhiều trục trặc trong việc tìm diễn viên chính. Tôi thường xuyên hỏi đạo diễn: "Con chị là ai? Chị sinh nhưng mãi chị không biết mặt!" (cười). Tôi nhớ mãi cảm giác sau ba năm, giây phút mở cánh cửa bước vào phòng họp, tôi giật mình: "Đúng con tôi đây rồi!", khi nhìn thấy Thảo Tâm.
Vô tình, gương mặt Tâm khá giống tôi. Hai mẹ con ôm nhau như người quen lâu ngày gặp lại. Nhiều khi tôi nghĩ trục trặc của đoàn phim cũng là cái may. Nếu là gương mặt khác đóng vai này, chưa chắc chúng tôi đã giống mẹ con đến vậy.
Quá trình làm việc thú vị lắm. Hai mẹ con dành nhiều thời gian gặp nhau, quyết định ở chung khách sạn để lúc nào cũng gần nhau. Thảo Tâm ra ngoài ở để tiện đi phim, không có mẹ đẻ đã có mẹ Khanh. Hôm Tâm bị bệnh, mẹ Khanh xuống với Tâm.
Những ngày quay phim, tôi thương con bé lắm. Tâm lo vì vai diễn đến đột ngột quá, lại là vai chính và khó. Hai mẹ con hay thủ thỉ tâm sự. Nhiều hôm tôi không có cảnh, đạo diễn vẫn nhờ tôi có mặt vì "Con gái cần có mẹ bên cạnh, chạy ra chạy vào gợi ý cho con". Gia đình nghệ thuật của tôi ngày càng lớn, tôi yêu lắm.
- Nghe chị trò chuyện, có thể cảm nhận chị có nhiều đồng cảm với các nghệ sĩ trẻ, dù là diễn viên hay đạo diễn. Cuộc gặp gỡ với họ gợi nhắc chị những thử thách nào ngày mới vào nghề?
- Những khó khăn các bạn gặp phải tôi đều từng trải qua, như đứng trước cơ hội lớn, nhận vai diễn khó, làm việc với người nhiều kinh nghiệm hơn. Và với thế hệ nào cũng vậy, áp lực lớn nhất luôn là phải thành công.
Các bạn chưa từng qua trường lớp đào tạo giống y tôi ngày xưa. Tôi là con nhà nòi, đóng phim từ ngày bé và đến 15 tuổi rưỡi lần đầu có vai chính, một vai người trưởng thành – nữ thanh niên xung phong, lớn hơn tôi vài tuổi, biết ra chiến trường, biết yêu, còn vướng tình tay ba (phim Từ những cánh rừng).
Tôi cũng nhiều lo âu lắm. Đạo diễn Đức Hoàn – người đóng vai Mị trong phimVợ chồng A Phủ - đêm nào cũng cho tôi nằm gối lên tay, kể những chuyện tình của bác. Đó là cách bác nuôi dưỡng tưởng tượng những thứ chưa phải của tôi. Sau này, tôi cũng dùng cách này để gợi mở diễn xuất cho "các con" của mình.
Phong Kiều thực hiện