
Đạo diễn Võ Thạch Thảo (phải) bên các diễn viên trong buổi cúng khai máy Cây táo nở hoa đầu năm 2020.
- Chị tâm đắc với những diễn viên nào của ‘Cây táo nở hoa’?
- Tôi thương tất cả nhân vật và diễn viên của mình. Anh Thái Hòa nhiều cảnh "diễn như lên đồng", ngủ gật cũng ôm kịch bản, trong giấc ngủ cũng khóc vì nhân vật. Chị Hồng Ánh là lựa chọn đầu tiên tôi nghĩ đến khi tìm diễn viên cho vai Hạnh. Thúy Ngân là một thành công của phim. Nhã Phương rất yêu nghề và có nhiều đóng góp cho vai diễn. Trương Thế Vinh cực kỳ thông minh. Song Luân, Minh Trang, Trịnh Thảo đều là diễn viên tôi yêu quý.
Tôi thấy rất may mắn khi mời được NSND Lan Hương và NSƯT Quốc Trọng đóng phim của mình. Hai cô chú bay đi bay về nhiều lần giữa Hà Nội và TP HCM, rất nhiệt tình với đoàn phim.

NSND Lan Hương đóng vai bà hàng xóm nhiều chuyện nhưng tình cảm, tử tế.
Vai cô Bông của cô Lan Hương là cái loa phường, xử lý mọi vấn đề rất cảm quan, có sở thích "châm xăng đốt nhà hàng xóm". Tôi muốn xây dựng nhân vật cô Bông là một người bình dân của khu phố lao động, hay quan tâm xóm giềng một cách hơi ồn ào nhưng càng về sau tình làng xóm càng thấm.
Lúc tiền kỳ, tôi rất muốn có một diễn viên miền Bắc đóng vai này. Khi nghĩ đến diễn viên đóng vai ồn ào, tôi có một vài cái tên. Nhưng tôi muốn mời bằng được cô Lan Hương vì cô diễn ra được cái chất hóng chuyện mà chất chứa tình cảm. Cô đã hoàn thành vai diễn xuất sắc.
Cô Lan Hương là một trong các diễn viên chuyên nghiệp nhất tôi từng làm việc. Lúc nào, cô cũng mặc tha thướt đến phim trường, nhưng chỉ cần cô mặc bộ đồ của nhân vật, make up xong là thấy ngay cô Bông nhiều chuyện. Cô là người luôn mang năng lượng tích cực đến cho cả đoàn.
Chú Quốc Trọng ngoại hình, dáng đi, lời nói, tinh thần đều đúng là ông Lân của phim. Ngày đầu tiên đến phim trường, chú đã quay một cảnh rất khó ở gần cuối kịch bản. Ban đầu, tôi đã rất lo khi nghe nhà sản xuất nói chú Quốc Trọng khó tính lắm. Lần đầu làm việc chung, hai chú cháu mất nhiều thời gian để trò chuyện. Nhưng đến đợt quay thứ hai, hai chú cháu có thể thoải mái và thẳng thắn trao đổi với nhau. Chú cực kỳ cố gắng cho vai diễn. Và sự khó tính của chú rất hay.

NSƯT Quốc Trọng đóng vai ông bố cay nghiệt nhưng thương con.
- Tại sao các nhân vật người lớn tuổi trong ‘Cây táo nở hoa’ (vai của NSND Lan Hương, NSƯT Quốc Trọng, NSƯT Công Ninh) đều là người miền Bắc, trong khi con cái của họ nói giọng miền Nam?
- Ngoại trừ ông Huân (NSƯT Công Ninh) là người gốc Bắc từ trong kịch bản và sau này sẽ được làm rõ lai lịch, tôi không cố ý chọn hai nhân vật còn lại là người miền Bắc. Nhưng trong quá trình tìm diễn viên, tôi tìm người có chất hơi ngoa ngoắt bề ngoài nhưng tình cảm bên trong. Tôi cảm thấy nhiều người lớn tuổi ngoài Bắc có tính cách như vậy, nên nếu đổi thành người Bắc sẽ hay hơn.
- Tại sao chị mời NSƯT Mỹ Duyên đóng vai mẹ của diễn viên Thái Hòa, mẹ chồng của diễn viên Hồng Ánh trong khi ngoài đời, họ trạc tuổi nhau?
- Bà Ích sinh con từ lúc 17, 18 tuổi. Đến khi các con khoảng 10 tuổi, bà ấy vẫn tươi trẻ, tự cảm thấy mình không đáng phải chôn vùi cuộc đời với một ông chồng thất bại liên tục và đám con nheo nhóc nên bỏ đi sống cho bản thân. Người phụ nữ này rất thích chưng diện bề nổi. Tôi thừa nhận chị Mỹ Duyên trẻ hơn nhân vật thật, nhưng chị ấy có lối diễn phù hợp với nhân vật, thể hiện được vẻ hồi xuân của bà Ích từ ăn mặc đến hành động.
Khi chị Mỹ Duyên đứng cạnh anh Thái Hòa, ta thấy người mẹ còn trẻ hơn con trai. Điều này cũng hợp lý vì bà Ích không lao động, không nuôi con, trong khi anh Ngọc, con trai bà, thay bố mẹ nuôi dạy các em mấy chục năm. Anh Thái Hòa và chị Mỹ Duyên không ngại khi vào vai mẹ con vì họ đều tin vào nhân vật và tin vào người bạn diễn. Đó là một điều rất hay khi làm việc với diễn viên chuyên nghiệp.
Cuộc cãi nhau giữa "hai mẹ con" Mỹ Duyên - Thái Hòa
- Trong dàn diễn viên chính hiện tại của ‘Cây táo nở hoa’, Minh Trang (vai Trúc) diễn xuất hạn chế nhất, đặc biệt là đài từ. Là đạo diễn, chị nói sao về điều này?
- Nói Trang diễn không tốt là không công bằng với Trang, vì vốn dĩ vai Trúc khá an toàn, không nhiều kịch tính. Câu chuyện của Trúc và Dư chỉ nhẹ nhàng phong cách ngôn tình. Tôi đánh giá Trang làm tốt hơn mong muốn của tôi. Muốn biết Trang diễn hay không, khán giả hãy tiếp tục xem phim vì có những lúc tôi đã lặng đi khi xem Trang diễn. Nếu có gì không đúng thì đó là lỗi của đạo diễn. Nếu thời điểm đó tôi quyết liệt hơn trong chỉnh sửa kịch bản và dòng chảy cảm xúc của nhân vật thì vai Trúc sẽ tốt hơn.
Minh Trang là một diễn viên tôi cực kỳ quý mến. Cô ấy rất thánh thiện. Tôi mời cô ấy vào phim vì muốn tìm kiếm một nàng thơ. Lần đầu nhà sản xuất mời, Trang không nhận lời. Sau đó tôi trực tiếp nhắn tin cho Trang, Trang đồng ý gặp và nhận vai. Tôi nói thẳng với Trang: "Vai này cần sự an toàn. Nếu em tìm kiếm sự đột phá thì chị rất xin lỗi. Nhưng vì là vai an toàn, chị rất cần em vì chị nghĩ em thổi hồn được cho vai diễn".

Minh Trang đóng cặp Song Luân.
- Sau thời gian đầu phát sóng của ‘Cây táo nở hoa’, chị đón nhận những bình luận nào từ khán giả?
- Tôi cảm thấy may mắn vì phim được khán giả đón nhận, có lượng tương tác cao trên mạng xã hội và nhận bình luận đủ khen, chê. Điều tôi thích nhất là khán giả khen phim như đời thật và diễn viên diễn xuất tốt. Phim có thể nhận ý kiến trái chiều, nhưng ít nhất tôi thấy mình đã chọn diễn viên đúng, không làm diễn viên cảm thấy uổng phí thời gian của họ.
Tôi thấy một số lời chê của khán giả cũng hợp lý. Bản thân tôi khi xem lại phim tự thấy có những cảnh tôi làm không tốt. Tôi ước lúc đó tôi đã bình tĩnh, tỉnh táo hơn để cảnh phim tốt hơn. Chẳng hạn như trong tập 3, Dư (Song Luân) đứng từ xa nhìn đám tang bố. Tôi ước gì lúc đó tôi cho Dư mặc đồ đen thay vì quần áo bình thường thì cảnh phim ý nghĩa hơn nhiều. Lúc làm kịch bản, tôi đã có ý tưởng này. Nhưng đến lúc quay, tôi quên mất. Tôi rất tiếc cảnh đó. Có những lần, diễn viên góp ý nhưng tôi tự nhủ trong đầu rằng mình mới là người đúng. Sau này nghĩ lại, tôi thấy không ít đề nghị của diễn viên rất hợp lý.
- Hiện giờ vẫn hậu kỳ trong lúc phim chiếu, chị tham khảo ý kiến khán giả thế nào cho các tập tiếp theo?
- Tôi cũng muốn tiếp thu ý kiến của khán giả nhưng phim đã quay xong, khó có thể chỉnh sửa. Tôi vẫn hối hận suốt và nghĩ nếu được làm lại, tôi sẽ làm tốt hơn (cười).
- So với bản gốc ‘What’s Wrong Poong Sang’ của Hàn Quốc, ‘Cây táo nở hoa’ có những biến đổi nào?
- Từ bản gốc 35 tập 45 phút, tôi và nhóm biên kịch Việt hóa thành khoảng 70 tập. Tôi cho rằng nếu giữ nguyên thời lượng như bản gốc thì không đủ truyền tải câu chuyện ở Việt Nam. Nhiều yếu tố, tình huống ở bản gốc không thể dùng lại, ví dụ như thời tiết. Câu chuyện trong phim gốc diễn ra vào mùa đông. Mùa đông ở Hàn Quốc rất khắc nghiệt. Không có nhà ở vào mùa đông rất khủng khiếp. Trong khi, chúng ta đang ở một nơi khí hậu ôn hòa hơn. Ở các phân đoạn thời tiết ảnh hưởng đến mạch phim, gây trở ngại cho nhân vật, tôi tìm chi tiết khác thay thế.
Mở đầu bản phim Hàn đã có đám tang. Rất nhiều sự kiện xảy ra cùng lúc đó: Báu cặp kè với trai lạ, Ngà đánh bài, Châu hẹn hò với người yêu bác sĩ. Tôi đã nghĩ nếu những điều đó xảy ra trong đám tang Việt Nam thì khán giả khó chấp nhận. Tôi buộc phải cấu trúc lại các sự việc trước, trong đám tang và lúc cúng thất. Tôi bỏ đi một số thứ, thêm vào một số thứ để đường dây câu chuyện hợp lý.

Báu (Nhã Phương) gặp lại chồng cũ (Văn Anh đóng).
Sau này, gia đình Ngọc (Thái Hòa) sẽ xảy ra sự cố lớn. Phim còn nhiều bi kịch. Tôi thay đổi nhiều chi tiết trong kịch bản gốc, đưa thêm nếp sống người Việt vào. Các nhân vật Dư (Song Luân), Trúc (Minh Trang), Châu (Thúy Ngân), Báu (Nhã Phương) đều có thay đổi lớn so với bản gốc. Rất nhiều cảnh đánh nhau của Dư không có trong phiên bản Hàn. Dư và Trúc sẽ có nhiều "chemistry" của cặp đôi anh chàng chân phương – cô nàng say xỉn. Báu đang gặp lại người đàn ông của cuộc đời mình.
Ngà tiếp tục làm "cây hài" nhưng rồi sẽ trở nên chân thành, đàn ông khi gặp một người. Ngà cũng sẽ bước vào giai đoạn đầu tư kinh doanh. Một trong các nhân vật mới được thêm vào là cậu bạn học của bé Phúc (Trịnh Thảo), vì tôi muốn phim mình có chất thanh xuân.
- Câu chuyện của ‘Cây táo nở hoa’ rất gần gũi đời sống người Việt. Nhưng cách quay phim, dựng phim và một số nét diễn của diễn viên khá giống phim Hàn Quốc. Chị giải thích sao về điều này?
- Tôi không chỉ đạo diễn viên về cách diễn cụ thể mà chỉ đạo tâm lý, cường độ diễn xuất; định hướng cho diễn viên cảm nhận về câu chuyện và nhân vật. Nếu tôi chỉ đạo từng động tác thì sẽ rất đóng khung diễn viên. Diễn viên của tôi không xem bản phim Hàn vì họ không muốn bị ảnh hưởng. Mọi thứ được bộc lộ ra từ cảm xúc nhân vật. Về kỹ thuật quay và dựng, tôi luôn hướng tới cái tốt hơn sau mỗi bộ phim. Tôi có học hỏi nhưng không copy.
Phong Kiều thực hiện