- Đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ ông đã hy sinh một bên mắt để làm phim 'Sinh tử'. Chuyện đó diễn ra như thế nào?
- Tôi phát hiện mình bị giảm thị lực ở giai đoạn làm kịch bản của phim Sinh tử, trong một lần mang máy ảnh đi chọn cảnh. Ban đầu, tôi cứ tưởng máy ảnh hỏng vì chỉ thấy một màu đen sì nhưng khi đổi sang mắt bên trái thì lại thấy bình thường. Bác sĩ nói tôi bị xuất huyết giác mạc, cho uống thuốc và hẹn tái khám. Tuy nhiên, ngày tái khám cũng là ngày phim này bấm máy và tôi bận quá nên quên mất. Khi quay xong phim, tôi quay lại bệnh viện và bác sĩ bảo mắt tôi bị sẹo phủ giác mạc. Đó là hiện tượng mù lòa và không thể chữa được.
- Thị lực của ông hiện tại thế nào?
- Mắt bên phải của tôi thị lực xuống số 0, nghĩa là hoàn toàn không nhìn thấy gì. Bác sĩ nói không thể cứu chữa được nữa.
- Việc mù một bên mắt ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của ông?
- Tôi nhìn bằng một mắt cũng giống như hai mắt. Tôi vẫn lái xe, làm phim và sinh hoạt bình thường. Mặc kệ nó chứ, bao giờ mù hẳn thì tôi sẽ chống gậy.
Bác sĩ bảo nếu không cẩn thận thì hiện tượng này có thể lan sang mắt thứ hai và tôi sẽ mù hẳn. Tuổi này mù cũng được rồi, sống đến giờ là cũng có lãi rồi. Tôi thản nhiên với việc này.
- Vợ con nói gì khi ông mù một bên mắt vẫn mải miết làm phim?
- Chẳng ai cản được tôi cả. Tôi muốn làm gì thì làm, nếu mù tôi sẽ chống gậy.
- Ông được con trai, đạo diễn Khải Anh, hỗ trợ thế nào trong quá trình làm phim 'Sinh tử'?
- Với phim này, Khải Anh hỗ trợ tôi thực hiện đại cảnh ở mỏ đá. Theo kế hoạch ban đầu, trường đoạn này dự định được thực hiện trong 3 đêm. Tôi nghĩ đó là việc bất khả thi vì không đủ tiền và khó có thể quy tụ đầy đủ diễn viên quần chúng trong thời gian lâu đến vậy. Khi Khải Anh hỏi tôi cần hỗ trợ gì không, tôi đã nói với nó về chuyện đó và ý định phải hoàn thành phân đoạn này trong một đêm. Nó có kinh nghiệm hơn và đã đồng ý làm cùng tôi cảnh ấy. Thực tế là chúng tôi đã thành công khi thực hiện phân đoạn đó từ 6h tối hôm trước đến 4h sáng hôm sau là xong. Khi dựng lên, tôi thấy rất tốt.
- Ông ứng xử thế nào khi bất đồng quan điểm con trai trên phim trường 'Sinh tử'?
- Tôi đề nghị nó hỗ trợ cái gì thì nó làm cái đó. Tôi làm việc của tôi, nó làm việc của nó nên chẳng có tranh luận, tranh cãi hay bất đồng gì cả. Ngoài cảnh ấy, nó chẳng hỗ trợ gì khác. Tôi thấy cảnh đó nó làm rất tốt và mình cũng phải học bọn trẻ rất nhiều trong cách làm phim.
- Con trai ảnh hưởng thế nào từ ông khi làm đạo diễn?
- Nó chẳng núp bóng tôi đâu và có lẽ nó cũng chẳng coi cái bóng của tôi là cái gì. Ngày xưa, khi tôi làm phim thì nó mới học trong trường. Nó tự nhặt được cái gì từ bố thì nhặt chứ tôi chưa bao giờ ép con phải học theo mình. Bố con tôi đều hết sức bình đẳng với nhau.
- Cùng là những người có cá tính mạnh, ông thường làm gì nếu hai bố con không hòa hợp?
- Nó là con tôi, nếu nó không phải thì tôi tát cho một trận chứ làm gì có chuyện hòa hợp với không hòa hợp. Thế nhưng, nó chưa bao giờ không nghe tôi cả và tôi cũng không can thiệp vào việc riêng của nó bao giờ. Nó lấy vợ nó, tôi lấy vợ tôi. Nó lĩnh lương cũng chả cho tôi đồng nào và tôi cũng thế (cười).
- Ông thấy mình là người bố thế nào?
- Tôi là người cầm trịch trong nhà nên tôi phải nghiêm khắc. Giữa bố con tôi chưa bao giờ có chuyện bất hòa. Ở nhà, chúng tôi chỉ nói với nhau về chuyện ngày giỗ, ngày Tết, dạy dỗ con cháu chứ không bao giờ đề cập đến công việc hay chuyện làm phim nên cũng chẳng có gì phải tranh cãi cả. Tôi hay bảo với con: "Chuyện phim thì mày đến cơ quan mà bàn, tao với mày không đi chung một con đường".
Nó mới làm giúp tôi một đại cảnh thì tôi khen chỗ đó thôi chứ tôi chưa bao giờ xem phim của con mình. Tôi cũng không có ý định góp ý vì đó là phim của nó, mình không có quyền can thiệp.
- Lý do gì khiến ông quyết định tái xuất làm đạo diễn phim truyền hình khi đã ngoài 70 tuổi?
- Anh Đỗ Thanh Hải mời tôi và tôi thấy đây là dự án hay nên nhận lời. Tôi không quan tâm đến rating. Đây là một cuộc dạo chơi của tôi và tôi luôn cho rằng mình đang đi chơi chứ không phải đang đi làm phim. Vì không đặt nặng điều gì nên khi làm, tôi cảm thấy rất thoải mái. Người áp lực nhất trong dự án này có lẽ là anh Đỗ Thanh Hải. Tuy nhiên, anh ấy có chịu búa rìu dư luận hay bị trên ép xuống thì tôi cũng kệ. Đó là việc của anh ấy mà, tôi chỉ làm tốt kịch bản được giao mà thôi.
Từ khi về hưu, tôi đã làm 9 bộ phim. Đó là con số lớn với bất kỳ đạo diễn nào chứ không phải một ông già như tôi. Với bộ phim Sinh tử, tôi nghĩ nó không dành cho trẻ con hay những người chỉ muốn giải trí mà hướng đến một đối tượng nhất định, quan tâm đến các vấn đề của đất nước. Khán giả của thể loại phim này cũng là những người rất khó tính nên áp lực với đoàn làm phim là không nhỏ. Thời lượng giới hạn trong 30 phút khiến tôi phải sửa kịch bản rất kỹ để sao cho mỗi tập đều có xung đột và giải quyết các mâu thuẫn. Tôi không đồng tình, thỏa mãn khi mỗi tập có 30 phút nhưng là kẻ làm thuê, tôi bắt buộc phải làm theo hợp đồng.
- Các diễn viên đều chia sẻ thoại phim này rất khó, họ phải đóng hàng chục đúp mới thành công. Ông cảm thấy thế nào khi diễn viên làm đến 72 đúp mới thực hiện được một cảnh quay?
- Khi Trọng Trinh diễn đến đúp thứ 70 vẫn không được, tôi bảo cậu ấy "Mày nghỉ đi!". Đúp thứ 71 và 72 được thực hiện sau đó khoảng một tiếng. Thoại của phim này rất khó, liên quan nhiều đến chính trị, khiến diễn viên phải nói những lời chưa bao giờ nói ở ngoài đời. Tôi biết rằng vừa phải nói vừa phải diễn những đoạn như vậy là vô cùng khó với các bạn ấy. Đó cũng sẽ là những đoạn khó xem nhất. Đây là phim chính luận, đề cập đến các vấn đề chính trị và có rất nhiều cuộc họp ở cấp tỉnh, cấp trung ương chứ không đơn thuần là xoay quanh một vụ án nào đó.
- Các diễn viên của phim này như NSND Hoàng Dũng, Trọng Trinh hay Việt Anh, Mạnh Trường... đều là gương mặt gạo cội hoặc ngôi sao truyền hình. Ông làm thế nào để thuyết phục họ thực hiện đến hàng chục lần cho một cảnh quay?
- Diễn viên nói sai thoại thì còn thuyết phục, tranh cãi cái gì, chỉ có cúi mặt xin lỗi rồi làm lại thôi chứ. Tuy nhiên, chúng tôi không tránh khỏi những tranh luận về mặt diễn xuất. Các diễn viên hầu hết đều rất chủ động sáng tạo, xây dựng nhân vật thêm hấp dẫn.