Lễ viếng NSND Hoàng Dũng diễn ra tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng từ 7h30. Hàng trăm nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ của điện ảnh, sân khấu Việt Nam có mặt từ sớm để đưa tiễn 'Người phán xử' đoạn đường cuối cùng. NSND Trung Anh, người em kề cận NSND Hoàng Dũng đến phút cuối cùng, vẫn chưa hết vẻ thất thần sau gần một tuần đón nhận tin dữ. Trước đó, Trung Anh nói với Ngoisao.net rằng anh không có tâm trí để chia sẻ bất kỳ điều gì về cố nghệ sĩ. Trong khi ấy, NSƯT Minh Vượng dựa vào người NSND Minh Hoà khóc suốt từ khi xuất hiện tại nhà tang lễ cho đến lúc ra về. Các nghệ sĩ trẻ kề cận với NSND Hoàng Dũng những năm gần đây như đạo diễn Khải Anh, Mai Hiền, Trịnh Lê Phong, diễn viên Việt Anh, Doãn Quốc Đam, Thanh Hương, Thu Quỳnh,... đều có mặt. Hàng trăm đoàn đến viếng, trong đó có nhiều lớp học trò được ông dìu dắt.

NSND Trung Anh và vợ đến dự lễ viếng.
Tang lễ diễn ra trang trọng, giản dị đúng như di nguyện của cố nghệ sĩ. NSND Trung Hiếu, giám đốc đương nhiệm của Nhà hát Kịch Hà Nội - nơi NSND Hoàng Dũng cống hiến hơn 40 năm - là trưởng ban tang lễ còn NSND Công Lý là phó ban, mắt rơm rớm khi đứng giới thiệu từng đoàn người vào viếng. Gần một trăm nam thanh, nữ tú của Nhà hát Kịch Hà Nội mặc áo dài và vest đen chịu tang ông. Họ chia nhau các công việc tiếp khách, đáp lễ, bảo vệ... Hồng Đăng đứng phục bên linh cữu suốt lễ viếng còn Trọng Lân thì phụ trách đưa hoa hồng cho các khách mời đặt lên bàn thờ cố nghệ sĩ. Trong khi đó, Thuỳ Dương cùng các diễn viên nữ đứng ở cửa ra vào cúi chào tạ lễ từng người. Chiếc khẩu trang không thể giấu nổi nét buồn bã, thương tiếc trên gương mặt họ. Nhiều người đứng nép vào các góc của nhà tang lễ và lặng lẽ rơi nước mắt. Lúc sinh thời, NSND Hoàng Dũng là người thầy, người lãnh đạo của nhiều thế hệ diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội.
Bên trong linh cữu, NSND Hoàng Dũng mặc bộ vest màu rêu, giữ nguyên phong thái lịch lãm, hào hoa của con trai phố cổ Hàng Đường (Hà Nội) lúc sinh thời. Nhiều bạn bè, khán giả vẫn chưa thể tin ông đã qua đời vì bộ phim Trở về với yêu thương do nghệ sĩ đóng chính vẫn ngày ngày được chiếu trên tivi.

Diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội tái hiện "Tiếng đàn vùng Mê Thảo" trong lễ truy điệu NSND Hoàng Dũng.
Lễ viếng diễn ra từ 7h30 đến 8h30, không khí chùng xuống khi lễ truy điệu bắt đầu. Các nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Hà Nội cùng nhau mặc áo dài trắng, tay bưng nến đứng phục hai bên linh cữu, tái hiện một đoạn trong vở kịch Tiếng đàn vùng Mê Thảo gắn bó với tên tuổi của NSND Hoàng Dũng lúc sinh thời. Giai điệu bài hát Kiếp tằm của nhạc sĩ Tiến Minh vang lên, không khí chùng xuống. Đây là vở kịch được cố nghệ sĩ tâm đắc nhất lúc sinh thời. Ông cũng được ví với nhân vật ông Bá Nhỡ, cả đời như con tằm nhả tơ đến cuối đời, cống hiến hết mình cho nghệ thuật và truyền lửa cho thế hệ nối tiếp.
Trưởng ban tang lễ, NSND Trung Hiếu, điểm lại những đóng góp to lớn của NSND Hoàng Dũng với Nhà hát Kịch Hà Nội nói chung và nghệ thuật nước nhà. Trong hơn 40 năm cống hiến, ông đưa tên tuổi của nhà hát lên tầm cao mới với vai chính trong các vở Hà Nội đêm trở gió, Ăn mày làng thôi, Tiếng đàn vùng Mê Thảo, Tôi và chúng ta, Cát bụi... Bên cạnh làm diễn viên, ông còn dàn dựng nhiều vở kịch nổi tiếng. Sau khi về hưu năm 2016, ông tiếp tục cống hiến cho khán giả bằng những vai diễn tạo tiếng vang lớn trên truyền hình như Phan Quân của Người phán xử, Chủ tịch tỉnh Trần Nghĩa của Sinh tử, ông Luật của Về nhà đi con, ông Phương trong Trở về giữa yêu thương... Trung Hiếu khẳng định cố nghệ sĩ đã, đang và và sẽ mãi sống trong yêu thương của tất cả mọi người.

Cháu nội đưa linh cữu NSND Hoàng Dũng rời khỏi nhà tang lễ Bộ Quốc phòng sáng 20/2.
Vợ, hai con trai cùng các thành viên trong gia đình NSND Hoàng Dũng tỏ ra bình tĩnh suốt tang lễ. Không khí trầm lắng nhưng không bi luỵ. Chỉ đến khi anh trai của cố nghệ sĩ, ông Hoàng Thế Hiển, đọc lời cảm ơn và gọi "Dũng ơi!", sự thổn thức của người nhà mới phát ra thành tiếng. Ông Hiển đại diện gia đình cảm ơn cảm ơn các tổ chức, bạn bè, đồng nghiệp, khán giả đã dành cho em trai mình tình cảm đặc biệt. "Dũng ơi, người ta nói nghệ thuật chọn em nhưng em cũng đã dâng hiến cả đời mình cho nghệ thuật. Con đường này đưa em đến nhiều tầng cao, gặt hái nhiều hoa thơm trái ngọt nhưng trên tất cả là tình yêu thương, ngưỡng mộ của khán cùng sự kính trọng, thương nhớ của học trò dành cho em. Cả họ tộc thương quý em - con người nhân hậu, chân chính và tài năng. Em nhẹ nhàng thanh thoát đến với thế giới khác, mong em về nơi Tây Phương cực lạc", anh trai vừa khóc vừa nói với cố nghệ sĩ trong giây phút tiễn biệt.
Linh cữu NSND Hoàng Dũng được đưa qua Nhà hát Kịch và nhà ở phố Hàng Đường (Hà Nội)
Linh cữu NSND Hoàng Dũng rời nhà tang lễ trong tiếng nhạc Kiếp tằm, ca khúc chủ đề của vở kịch Tiếng đàn vùng Mê Thảo và sau đó được lần lượt đưa qua Nhà hát Kịch Hà Nội, nhà của đại gia đình ở phố Hàng Đường và nhà riêng ở phố Kim Mã trước khi về quê nhà Hưng Yên. Trước khi qua đời, ông bày tỏ mong muốn được chôn cất tại quê nhà nên gia đình, đồng nghiệp và các học trò đều cố gắng thực hiện bằng được di nguyện này.
NSND Hoàng Dũng qua đời vào lúc 14h15 phút ngày 14/2 (tức mùng Ba Tết) tại Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương sau thời gian chiến đấu với bệnh tật, hưởng thọ 65 tuổi. Từ tháng 12/2020, nghệ sĩ bị đau từ vai xuống thắt lưng, rất khó di chuyển. Ban đầu, ông nghĩ là bệnh cột sống nên chủ quan, đến khi mổ thì phát hiện khối u ác tính. Nghệ sĩ giấu kín bệnh tình với người hâm mộ từ đó, chỉ một số đồng nghiệp thân thiết được biết. Ông không muốn ai nhìn thấy hình ảnh tiều tuỵ của mình trên giường bệnh.
NSND Hoàng Dũng tên đầy đủ là Hoàng Tiến Dũng, sinh năm 1956 tại Hà Nội. Năm 2007, cố nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND). NSND Hoàng Dũng từng giữ vai trò Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội từ năm 2007 - 2016. Ngoài ra, NSND Hoàng Dũng còn là Uỷ viên Ban chấp hành, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Hà Nội.
Ảnh: Phạm Chiểu
Video: Chi Anh