Nghệ sĩ cho biết những năm qua ít ra nước ngoài thăm con vì bận rộn với nghệ thuật. Bà thấy được an ủi khi con trai hiểu nguyện ước của mẹ, không buồn lòng vì xa cách và cũng rất yêu cải lương.
"Ngày xưa, má bảy Phùng Há nói: 'Khi con trở thành đào hát nổi tiếng, được khán giả thương thì con không còn là của gia đình mà dành cho nhiều người'. Lúc ấy, tôi nghe vậy không tin chứ bây giờ thì thấm thía. Đôi khi tôi phải hy sinh cái riêng để cái chung được trọn vẹn", bà nói.
Nghệ sĩ kể rằng bà mất mẹ lúc 8 tuổi nên thấu hiểu nỗi đau khi một mình bơ vơ trên cuộc đời. Bà dặn con: "Không biết ông trời cho tôi sống được bao lâu, nên bạn phải chuẩn bị để đứng trên đôi chân của bạn, suy nghĩ bằng cái đầu của bạn". Cũng vì thiếu mẹ, Bạch Tuyết luôn thấy trống trải, muốn có tri kỷ nên khi vừa sinh con, bà đã gọi con là "bạn". Sau này, bà nói với con về tình yêu thuật, thuyết phục con: "Bạn cùng với tôi hy sinh cho cải lương đi nha".
Con trai nghệ sĩ không muốn mẹ khó xử nên bảo bà "bạn cứ lo công chuyện của bạn đi". Ở Mỹ, anh sống bình yên bên tổ ấm nhỏ với ba con. Thỉnh thoảng, anh hát vọng cổ, chơi đàn bầu để vơi nỗi nhớ quê hương.
Theo NSND Bạch Tuyết, bà và con trai sống xa cách nhưng kết nối chặt chẽ. Khi anh Quốc du học Singapore năm 14 tuổi, anh thường gọi điện nhờ mẹ tư vấn chuyện tình cảm. Cuộc hội thoại giữa hai mẹ con thường bắt đầu bằng thân mật như: "Bạn, để tui nói bạn nghe". "Cải lương chi bảo" có thể ngồi hàng giờ chia sẻ tâm tư với con, thấy hạnh phúc vì được con cởi mở bày tỏ.
Ở tuổi 78, nghệ sĩ Bạch Tuyết thổ lộ bà không phải làm dâu, cũng không làm mẹ chồng. "Khi cưới anh Tâm Lang, tôi thú nhận không biết làm gì ngoài hát. Anh bảo rằng mẹ rất thương nàng dâu là cô đào nên sẽ không khó khăn. Sau này, người đàn ông ấy cũng giữ đúng lời hứa", bà kể. Nghệ sĩ sống xa con nên cũng không mấy khi làm... mẹ chồng. Bà để các con, các cháu thoải mái với cuộc đời riêng.
Một mình, nữ nghệ sĩ không thấy đơn độc mà biết ơn cuộc sống. Bà duy trì thói quen ngồi thiền hơn 40 năm để cân bằng cảm xúc. "Tôi lớn tuổi nên không ăn nhiều, chủ yếu ăn rau củ nên cơ thể nhẹ nhõm. Hôm nào làm việc ít, tôi chỉ ăn hai bữa", bà cho biết.
Bạch Tuyết sinh năm 1945, tại Châu Đốc, An Giang. Bà lên sân khấu lần đầu tiên năm 1962 với vai cô lái đò vở Lá thắm chỉ hồng của soạn giả Điêu Huyền. Năm 1963, Bạch Tuyết được trao huy chương vàng giải triển vọng Thanh Tâm qua vai người vợ bé trong kịch bản Tàn một kiếp hoa của tác giả Trọng Nguyên.
Năm 1965, trong vai Lê Thị Trường An vở Tuyệt tình ca của soạn giả Hoa Phượng - Ngọc Điệp, Bạch Tuyết tiếp tục nhận huy chương vàng giải Thanh Tâm dành cho diễn viên xuất sắc. Bà được giới báo chí lúc bấy giờ phong tặng danh hiệu "Cải lương chi bảo".
Nguyên Thảo