Nội dung đơn tố cáo như sau: "Theo chỉ tiêu biên chế năm 2005 và 2006, chúng tôi được tuyển vào Trung tâm để làm hợp đồng. Khi nhận chúng tôi vào, ông Chánh văn phòng Nguyễn Văn Chức đòi chúng tôi nộp tiền lo thủ tục. Mỗi người được gọi lên bằng nhiều hình thức, ông không nói ra số tiền bằng miệng là bao nhiêu mà thường dùng ngón tay ra hiệu. Theo những gì ông nói, nếu chúng tôi không nộp thì không được xét tuyển. Vì cần có công việc làm ổn định, mỗi chúng tôi (có tên từng người nhưng yêu cầu không tiết lộ) đã lần lượt nộp: X. đưa 2,5 triệu; Y. đưa 20 triệu; Z. đưa 2 lần 25 triệu".
Theo X., ngoài 3 nhân viên trên còn có một nhân viên đã đưa ông Chức trên 17 triệu đồng nhưng do sợ mất việc nên không dám tố cáo. Còn X., Y. và Z. tuy cùng làm đơn nhưng do sợ bị trù dập nên đề nghị không nêu tên thật.
Theo Luật Lao động, với hợp đồng công việc từ 3 tháng, người lao động phải được cơ quan sử dụng lao động mua bảo hiểm xã hội nhưng đến nay X. vẫn chưa được mua, ngoại trừ Y. và Z. "nhờ đã nộp từ 20 triệu đồng". Tuy nhiên, gần đây, ông Chức lại nhiều lần kêu X. và Y. lên để đóng thêm tiền "vào biên chế".
Lấy gì làm bằng chứng? Một số cuộc mặc cả giữa hai bên đã được ghi âm được tại thành phố Pleiku. Dưới đây là một vài đoạn tóm lược:
Cuộc 1 có nội dung hẹn ngày Y. trao thêm tiền để làm hồ sơ, "có ít nhiều gì đó bỏ bì" gửi lên trên. Ông Chức hẹn "chiều mai" thứ sáu, Y. khất đến thứ bảy. Cuộc 2 diễn ra trong khoảng 10 phút cũng tại phòng làm việc của ông Chức. Dù tại những đoạn "nhạy cảm" ông nói rất nhỏ nhưng vẫn nghe rõ cốt chuyện giữa ông và Y..
Theo đó, sau khi có yêu cầu từ ông Chức, Y. đã điện về nhà nhưng ba của Y. trả lời không thể vay mượn thêm được nữa. Ông Chức phân tích, "công việc" của ông tới đây là xong rồi nhưng cũng cần có "ít nhiều chi đó, khoảng 5 nghìn đồng lớn, để trình hồ sơ lên Sở Nội vụ duyệt cho nhanh". Ông nhấn mạnh với Y.: "Vậy mới dễ dô xê, bứt qua một cái là vô biên chế. Hoàn cảnh cháu, chú biết rồi, không so sánh mấy đứa kia được. Tụi nó có điều kiện hơn, chú hô cái là rẹt rẹt".
Sau một hồi than vãn về đồng lương chỉ vài triệu của mình, ông Chức chuyển sang hỏi nhà cửa của ba mẹ Y.: "Nhà có trồng mía không?" (Ý có thu nhập cao không?). Y. than: "Chỉ có làm lúa làm mì. Ba đã già, anh chị em làm nông hết". Đột ngột, ông hỏi tiếp: "Có của hồi môn không?". Y. bật cười: "Dạ, hồi giờ ông bà già dành dụm được bao nhiêu dựng vợ gả chồng cho con cái hết". Cuối cuộc, ông Chức thở dài: "Khó khăn quá thì ít nhiều bao nhiêu cũng được. Nói ông già cho, để chú làm quà cho tụi nó. Tao thấy mầy cũng tội. Mấy đứa kia nó rẹt rẹt liền".
Trong cuộc tiếp xúc, X. xác nhận tiếng nói trong đĩa ghi âm là của ông Nguyễn Văn Chức và Y. Các cuộc ghi âm được thực hiện ngay trong phòng làm việc của ông Chức. Theo X., dù thường ra ký hiệu bằng tay nhưng có một chỗ ông Chức nói thành tiếng từ "5 tê" (tức 5 triệu đồng). Như vậy, sau khi đã nộp 20 triệu (như đã ghi trong thư tố cáo) Y. còn bị buộc phải nộp thêm 5 triệu để ông "lo cho vào biên chế". Còn X. do chỉ mới nộp 2,5 triệu đồng nên chắc còn rất lâu. Gần đây, X. và Y. lại bị ông kêu lên nhắc nhở.
Liệu có đúng ông Chức yêu cầu các nạn nhân nộp "ít nhiều" để ông "bỏ bì, gửi hồ sơ lên cấp trên" và "làm quà cho tụi nó" như ông nói? Nếu đúng vậy, "cấp trên, tụi nó" là những ai, ngoài Sở Nội vụ như ông đề cập với Y., hay chỉ để "bỏ bì, làm quà" cho riêng ông? Ông còn nhắc đi nhắc lại cụm từ "mấy đứa kia rẹt rẹt", vậy "mấy đứa kia" gồm những nạn nhân nào và họ "rẹt rẹt" cho ông những gì nếu không là tiền hối lộ.
Ông Chức thừa biết lương ông "vài triệu còn khó khăn" trong khi lương các nhân viên hợp đồng tại Phòng Đầu tư và Phòng Thương mại của Trung tâm chỉ có 800.000 đồng/tháng là khó khăn gấp bội, sao ông lại nỡ lòng đòi tiền cống nạp, thậm chí truy vấn đến khoản "hồi môn" của họ.
(Theo Thanh Niên)