Cách đây ít lâu, khi đứng sau vành móng ngựa nghe tòa tuyên án phạt vì tội Trộm cắp tài sản, bị cáo Hoàng Anh Hồng (sinh năm 1965, ngụ phường Đồng Nhân, Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn thản nhiên vì đã quen cảnh ra tù vào tội. Người vợ ngồi phía sau chỉ biết cúi gằm, khuôn mặt thẫn thờ nhớ lại suốt 10 năm làm vợ, đây đã là lần thứ 7 chị “tiễn” chồng vào trại.
Dù là vợ, chị cũng không thể nhớ hết được số lần chồng phạm tội, chỉ nhớ lần chồng ở nhà lâu nhất, không phải trả giá trong tù, cũng chỉ được khoảng một năm. Vốn là đạo chích chuyên nghiệp có thâm niên vào trại, chính bị cáo cũng không thể nhớ hết được số tiền án tiền sự mình từng có.
Lần này, VKSND quận Hoàng Mai truy tố bị cáo tội Trộm cắp tài sản. Cáo trạng truy tố có bốn trang giấy nhưng riêng phần liệt kê 6 tiền án, 4 tiền sự của bị cáo đã ngốn gần hết hai trang. Theo cáo trạng, ngày 6/6/2013, bị cáo mượn xe của vợ phóng đi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Gửi xe ở một quán nước, Hồng đi bộ vào khu chợ Cá (Yên Sở, Hà Nội) để “săn mồi”.
Khi thấy một xe máy dựng trước một xưởng cơ khí, Hồng lôi vam phá khóa để sẵn trong người ra bẻ khóa xe. Đang hành sự, hắn bị bảo vệ phát hiện, hô hoán. Dù ngón nghề đã quá tinh ranh, tính toán kỹ lưỡng nhưng Hồng không ngờ, cái bệnh “tuổi già” đau cột sống lại giở chứng đúng lúc. Người dân hô hoán đuổi bắt ngay sau lưng mà chân Hồng cứ ríu lại, không tài nào nhấc lên để tẩu thoát.
Lúc bị bắt, bị cáo chống chế: “Do hôm đó đau lưng quá, trời lại nóng không có khách đi xe ôm nên bị cáo tính đi ăn trộm lấy tiền khám bệnh”. Trong người Hồng lúc bị bắt chẳng có gì đáng giá, chỉ có chiếc dây chuyền “mỹ ký” và vam bẻ khóa xe máy.
Do trộm cắp liên miên, nhân thân xấu, TAND quận Hoàng Mai đã tuyên phạt bị cáo 38 tháng tù. Hồng làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại tòa phúc thẩm vừa diễn ra, bị cáo loanh quanh khi không thừa nhận hành vi trộm cắp, còn ngụy biện rằng hắn nhặt vam phá khóa trong lúc đi xe ôm chứ không phải chủ ý mua để đem đi gây án.
Ngồi lặng lẽ ở dưới, người vợ bị cáo luôn gục đầu buồn bã, dường như không mấy quan tâm đến diễn biến phiên tòa. Có lẽ chị đã quá quen với cảnh chồng mình đứng trước vành móng ngựa. Vài lần, chị ngập ngừng định lên gặp chồng rồi lại thôi, ngồi phịch xuống ghế.
Chị cho biết: “Trước ngày phiên xử phúc thẩm diễn ra, chồng tôi từ trong trại gọi điện về đe dọa, quát tháo vì sao không tiếp tế, bắt tôi bằng mọi giá phải ra tòa ngày hôm nay để gặp. Lúc trộm cắp sao không nghĩ khi phải trả giá, bắt vợ con khổ sở thế này!”.
Tâm sự về người chồng lầm lỗi, chị thành thật: “Thề có trời đất, con em một hộp sữa cũng không được, trộm bao nhiêu anh ấy ăn chơi hết. Em lấy anh ấy có phải do yêu đương, tìm hiểu gì đâu. Người chị họ anh ấy thấy em chưa chồng con nên mối lái. Trước khi cưới, anh ấy đã trộm cắp rồi, sau này về sống cùng em mới phát hiện ra, khuyên can nhiều vẫn không được”.
Sống với nhau được 10 năm, đây đã là lần thứ 7 chị chứng kiến chồng hầu tòa, vướng vòng tù tội. Buồn nhất là hai đứa con, đều lớn lên mà không hề có bàn tay chăm sóc của bố. Khi đứa con đầu lòng mới 11 tháng tuổi, còn lẫm chẫm tập đi, bố nó đã nhập trại. Rồi đến khi chị sinh đứa thứ hai mới được 3 tháng, cũng là lúc người chồng bị bắt.
Cả hai lần, chị đều nuốt nước mắt nói dối với con rằng: “Bố đi làm ăn xa” để các con đỡ tủi hổ với hàng xóm, láng giềng. Nhưng cái kim trong bọc chẳng giấu được lâu, bọn trẻ giờ đều đã biết bố chúng là đạo chích chuyên nghiệp. Bị cáo cứ mặc nhiên coi trộm cắp là một cái nghề, chỉ ra trại được một thời gian lại "ngựa quen đường cũ".
Vợ bị cáo cho biết chị xấu hổ, mặc cảm đến mức không dám về thăm bố mẹ đẻ. Chị tâm sự, họ hàng nội ngoại đều bỏ mặc, không quan tâm vì quá chán cảnh trộm cắp của chồng chị. Cô độc giữa họ hàng, làng xóm nhưng người phụ nữ này vẫn phải cố bươn chải chạy từng bữa nuôi con, gửi đồ theo đòi hỏi của chồng.
Khốn khổ hơn, chị còn phải đèo bòng thêm con riêng của chồng. Trước khi lấy chị, chồng chị đã ăn ở như vợ chồng với một phụ nữ có chồng đi tù. Sau này, “vợ hờ” của chồng quay lại với chồng cũ, bỏ con lại cho chồng chị nuôi.
Chị tâm sự, mỗi lần mở miệng khuyên nhủ chồng hoàn lương đều bị thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Suốt quãng thời gian chung sống, bị chồng đánh nhiều đến mức dạn đòn, có khi chị ngồi im, cắn răng không kêu nửa câu, để mặc chồng đánh chán thì thôi. Những ngày chồng ở trong trại, thân thể bớt bị đánh đập, trông chị có chút thần sắc nhưng tâm trí lúc nào cũng căng như dây đàn vì phải lo tiền nong tiếp tế cho chồng.
Chị kể, người chồng sợ đói nên lúc nào cũng hối thúc vợ phải tiếp tế. Nếu không nghe lời, gã dọa “ra tù sẽ biết tay”. Thời gian chờ nghị án, bị cáo quay xuống nói với vợ: “Sắp hết đồ ăn rồi. Mua thêm cái gối to gửi vào để kê lưng”.
Chị buột miệng: “Vâng” như quán tính, khuôn mặt hốc hác chẳng biểu lộ cảm xúc. Người phụ nữ này đã quá quen với việc chồng mình đứng sau vành móng ngựa, quen việc chồng chỉ biết ra lệnh mang cho cái này, mua cho cái kia để tiếp tế những ngày trong trại mà không một lời hỏi thăm cửa nhà ra sao, con cái thế nào.
Chị bật khóc khi nói về người chồng đạo chích: “Đi tiếp tế cũng phải mất tiền triệu vì mua đồ ăn, lương thực gửi vào, mỗi lần như thế, tài sản còn gì nữa. Nuôi chồng ở tù, ở nhà còn hai con ăn học nữa. Mấy hôm nay, cô giáo giục nộp học phí cho đứa lớn, dù đã được nhà trường giảm một nửa vì gia cảnh khó khăn nhưng tôi chẳng biết tìm đâu ra để nộp cho cháu. Cả nhà trông vào hàng nước đầu ngõ mà mưa gió thế này, đâu có ai uống. Đã thế, mới rồi đi khám bệnh, bác sĩ nói tôi có khối u trong người. Tiền đâu mà tiếp tế, mổ u, rồi học phí của con bây giờ?”.
Khi phiên tòa kết thúc, người chồng giơ ngón tay ra hiệu được giảm 6 tháng tù nhưng người vợ cũng chẳng biểu lộ cảm xúc vui mừng. Chị cho biết, chẳng biết nên vui hay buồn. Chồng ra tù sớm mà lại bập vào con đường trộm cắp như những lần trước thì càng khốn khổ thêm. Chị tần ngần đứng từ xa, chờ chồng lên hẳn xe thùng dẫn về trại mới quay đầu đi, như sợ không làm vậy thì chồng thù, ra trại lại hành hạ chị.
Theo Pháp Luật Việt Nam