Người phụ nữ bạc mệnh này cũng như nhiều người gặp tai nạn bất thình lình ngoài đường, trong khi đang làm việc... đều được đưa xác vào trọ ở nhà vĩnh biệt.
Anh Trần Thanh Dũng, bảo vệ bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Những trường hợp chết mà chưa có thân nhân đến nhận, chết do tai nạn giao thông, tai nạn lao động có tính chất án và chết không rõ nguyên nhân sẽ được chuyển đến nhà vĩnh biệt để giữ xác và chờ giải quyết".
Nhà vĩnh biệt bệnh viện Chợ Rẫy nằm trên đường Thuận Kiều trụ trên khu đất rộng lớn, nhà xác chứa được từ 25 đến 30 xác. Một ca trực nhà xác gồm 3 người, 1 bảo vệ và 2 công nhân vệ sinh làm nhiệm vụ tiếp nhận, vệ sinh cho xác.
Ở khu chứa xác, tủ chứa xác ở đây không khác gì các tủ chứa người ta thường thấy trong phim hình sự các nơi như Hong Kong, Hàn Quốc... Đó là tủ cấp đông với 3 ngăn, khi cần lấy xác thì kéo hộc ra.
Hôm ấy là ca trực của anh Nguyễn Văn Tám, người có thâm niên trên 10 năm tại đây. Anh cho biết mình từ công an chuyển ngành qua, được phân làm công việc này.
Anh Tám nói: "Đây là công việc rất buồn. Tôi từng khóc khi thấy nhiều cảnh đời đau lòng, người vợ trẻ và những đứa con khóc người cha chết trên đường đi làm về. Anh ấy bị tai nạn giao thông bất ngờ khi tuổi đời chưa đến 30, lại là lao động chính nuôi gia đình. Sự ra đi của anh để lại quá nhiều mất mát cho gia đình".
Được người nhà đến đón, khóc lóc tiễn đưa về cõi vĩnh hằng đã buồn còn những người chết mà không ai đến nhận, chỉ trơ một mã số của bệnh viện càng cô quạnh, hẩm hiu hơn. Hiện vẫn còn 3 xác vô thừa nhận. Trong số đó có người phụ nữ bạc mệnh nhảy từ lầu 9, đầu chúi xuống trước khiến thân dạng chẳng còn nguyên trạng phần trên. Chị đã trọ tại đây hơn một tháng rồi...
Anh Thanh Dũng nói: "Những trường hợp vô thừa nhận, chúng tôi báo công an quận, huyện truy tìm; nếu quá thời gian 20 ngày thì báo công an, nếu được phép, chúng tôi sẽ lấy vân tay, chụp hình và đem hoả táng. Người nhà sẽ chỉ nhận được hũ tro chứ không có cơ hội nhìn thấy mặt người thân lần cuối. Đa số họ đều cư ngụ tại tỉnh xa".
Anh cho biết thêm: "Ngược với những trường hợp trên là chuyện đòi đem xác về của những băng nhóm đánh nhau bị chết hoặc nhậu, hút heroin đánh nhau đến chết. Họ gây huyên náo cả khu vực và có những lời lẽ hành động dữ dằn uy hiếp ca trực và cả bảo vệ. Những trường hợp này chúng tôi phải nhờ công an can thiệp mới yên".
Dù khu vực này luôn sáng đèn nhưng bên trong hành lang dường như lúc nào cũng tạo cảm giác u u minh minh và lạnh. Anh Dũng thừa nhận sự lạnh lẽo ấy: "Ca trực 3 người, nếu hai người đi lấy xác, còn lại một mình, tôi cảm thấy âm u hơn bình thường...".
Lúc nào cũng bầu bạn bên những người thiên cổ, chỉ ngoài cái lạnh như cõi âm, anh Dũng cho biết anh chưa gặp "hồn ma" của họ bao giờ.
Anh Tám trầm ngâm nói: "Nói theo tâm linh, tôi nghĩ mình không làm điều xấu, với các xác chết, chúng tôi tắm rửa, mặc quần áo, chỉnh sửa các vết thương lại... và coi họ như người thân trong gia đình, thì dù có gì đi chăng nữa, chúng tôi cũng không phải là đối tượng mà họ tìm đến".
Anh cho biết thêm, dù chết vì bất kỳ nguyên nhân nào thì sau khi làm vệ sinh, cũng như một người đang ngủ...
Không phải bệnh viện nào trong thành phố cũng có nhà vĩnh biệt nên chuyện ký gửi xác thường được thực hiện với các bệnh viện có nhà chứa xác đạt tiêu chuẩn. Chẳng hạn như nhà vĩnh biệt bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP HCM công suất 15-20 xác là nơi nhận xác từ các bệnh viện khác ký gửi như: bệnh viện Da liễu, Hồng Thái...
Bên cạnh nhà chứa xác là phòng mổ tử thi rộng lớn nhưng chỉ một bàn mổ với hai ngọn đèn pha cực mạnh. Có những xác được mổ ngay để tìm nguyên nhân nhưng cũng có những xác đã đưa vào phòng lạnh rồi mới được lệnh mổ khám nghiệm.
Anh Tám cho Sài Gòn Tiếp Thị biết, những xác này phải báo trước vài tiếng để chúng tôi cho ra ngoài rã đông, bằng không thì không thể mổ được. Khác bàn mổ ở bệnh nhân, phía trên bàn mổ xác có chỗ cắm nhang để người chết ấm áp hơn.
Với các bác sĩ pháp y thì xác chết là nơi cung cấp bằng chứng trung thực và chính xác nhất. Ai cũng nghĩ người chết không biết nói nhưng thật là sai lầm, họ nói rất nhiều.
Bác sĩ pháp y Nguyễn Thanh Tuyền kể: "Ở quận 6, có một phụ nữ bị chết, đến khi phát hiện thì xác đang phân huỷ. Ai cũng cho rằng cô này chết vì bị bệnh nhưng khi chúng tôi xét nghiệm tử thi thì nạn nhân chết vì bị siết cổ. Ngay ngày hôm sau, hung thủ cũng ra tìm đến công an nhận tội là đã siết cổ nạn nhân cho đến chết để lấy tiền".
Chết là hết nhưng chỉ hết với người vào cõi vĩnh hằng, còn thân nhân vừa phải đối mặt với mất mát đau lòng không gì bù đắp, vừa lo chuyện hậu sự và đây cũng là cơ hội để kiếm tiền của một số người.
Họ lợi dụng lúc gia đình bối rối để đưa ra các dịch vụ mai táng cao hơn thực giá nhiều. Gia đình nạn nhân chỉ nhận ra mình bị lừa khi đã an táng xong. Phòng bảo vệ bệnh viện Chợ Rẫy nhận được nhiều đơn thư loại này. Trong thư còn nêu rõ số điện thoại cầm tay, tên tuổi... Anh Thanh Dũng, bảo vệ bệnh viện cho biết: "Những việc này chúng tôi trình báo rõ với công an, để họ xử lý".