Hạnh 27 tuổi và Dương 33 tuổi yêu nhau từ hồi phổ thông, đi học, đi làm họ vẫn dành tình cảm cho nhau. Đi làm được hai năm Dương lên chức phó giám đốc một doanh nghiệp trẻ làm ăn khá thuận lợi còn Hạnh cũng đã là một nhân viên ngân hàng có tiếng tại Hà Nội. Ấy thế mà khi bạn bè lần lượt đã "yên bề gia thất" thì chuyện của họ vẫn cứ giậm chân tại chỗ.
Dương cũng từng nghĩ đến đám cưới nhưng khi hào hứng mua một bó hoa to, chuẩn bị một bàn tiệc xinh xắn để bày tỏ lòng chân thành muốn cưới nàng, thì điều anh nhận được chỉ là sự trầm tư và im lặng đến khó hiểu của cô.
Những lần trước, khi anh đưa ra ý kiến tổ chức đám cưới Hạnh đều nói: “Để công việc anh ổn định, thu nhập đảm bảo cho gia đình thì mới có thể hạnh phúc”. Anh đồng ý vì Hạnh nói có lý và cố gắng kiếm thật nhiều tiền để lo cho cuộc sống thật sung túc.
Bây giờ khi đã đủ điều kiện thì cô lại băn khoăn. “Em rất sợ cuộc sống gia đình, em chưa sẵn sàng, anh cho em thêm thời gian”, Dương hiểu câu nói của Hạnh. Cô sợ anh sẽ như người cha của cô: đánh đập vợ và thiếu chung thủy. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi lớn nhất trong lòng Hạnh lại chính là cảm giác bị bỏ rơi. Nó ám ảnh cô. Dù rất yêu Dương nhưng cảm giác đó làm cô không thể quyết định dứt khoát dù nhiều lần anh đã giải thích và chứng minh.
Về phần Dương anh nghĩ, tình yêu và những gì anh làm không đủ giành được lòng tin của Hạnh. Dù yêu cô nhưng anh cũng cần một gia đình, tuổi anh cũng đã lớn, không thể mãi chấp nhận những lý do mà cô đưa ra để hoãn cưới.
Anh cho Hạnh một tháng để quyết định, nhưng Hạnh chỉ nói để năm sau cưới. Dương chán nản khi nghe Hạnh lặp lại điệp khúc đã nói bao nhiêu năm qua. Liệu sang năm Hạnh có sẵn sàng, đó là câu hỏi mà anh vẫn chưa tìm ra lời giải đáp.
Không lo lắng chuyện kiếm tiền để đảm bảo cuộc sống, nhưng mối tình của Hùng, 35 tuổi và Phương 29 tuổi lại vẫn “lửng lơ con cá vàng”.
Yêu nhau đã lâu, dẫu không gặp trở ngại gì, song bản thân họ lại dùng dằng, không thể quyết định "cưới hay không cưới". Họ quen và yêu nhau đã gần 8 năm. Bạn bè hai bên đều biết rõ về mối quan hệ đó. Một năm, hai năm, rồi đến năm thứ bảy, thứ tám, họ vẫn "bình chân như vại". Hỏi nàng, nàng cười mỉm. Hỏi chàng, chàng mập mờ “còn đang phấn đấu”.
Có thu nhập đáng kể, có nhà và xe hơi riêng và mở công ty riêng tại Sài Gòn nhưng tình duyên của họ dẫu đã "chung" nhiều thứ: ăn chung, ở chung, một số tài sản cũng chung nốt nhưng vẫn chưa “chốt hạ”. Mỗi lần gia đình hai bên giục cưới. Hùng và Phương đều nói “Để bọn con tính”.
Hùng tuyên bố: “Như thế này là sướng nhất. Tự do không ai quản thúc và làm được những gì mình muốn”. Còn Phương vẫn muốn sau giờ tan tầm được shopping, "hội tụ" với bạn bè những ngày nghỉ. Tóm lại, là không phụ thuộc và vướng bận gì.
Chẳng ai trong hai người muốn từ bỏ thú vui riêng của mình và yêu cầu người kia phải chấp nhận. Cuối cùng là không bàn tới nữa, bởi mỗi lần bàn là một lần giận hờn chẳng ai chịu khuất phục ai.
Yêu bao lâu thì nên tính đến chuyện hôn nhân? Khó có thể đưa ra được câu trả lời chính xác bởi mỗi người mỗi cảnh ngộ khác nhau và quan niệm sống của mỗi người cũng mỗi khác.
Nguyên nhân đưa ra để trì hoãn có rất nhiều có lý do từ phía nam hoặc phía nữ hay từ phía gia đình. Những lý do đưa ra tưởng rằng rất hợp lý nhưng đó không chỉ là bề ngoài. Nguyên nhân sâu xa vẫn là sự e ngại về trách nhiệm của một người cha một người chồng hay trách nhiệm của một người vợ và người mẹ trong gia đình.
Bên cạnh đó khi có gia đình mọi thứ với họ sẽ thay đổi: Tự do, những cuộc nhậu bạn bè, sự nghiệp và những mối quan hệ khác. Họ sẽ phải thay đổi, dù ít dù nhiều.
Cuộc sống trước đây với họ là tự do và chỉ lo cho riêng mình. Nhưng khi có gia đình họ phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn và sự tồn tại của những con người khác.
Ngoài ra, độ tuổi cũng là nguyên nhân, khiến cho nhiều đôi yêu nhau khá lâu nhưng mãi mà đám cưới vẫn chỉ là trong mơ với họ.
Đối với nam có thể 30 tuổi họ vẫn cho là chuyện bình thường. Nhưng với nữ thì cái tuổi 29 là đã phải suy nghĩ lắm rồi. Những cô gái khi đã sắp bước sang đầu 3 đều không muốn mình là người cứ chủ động phải hỏi câu: “Anh định thế nào và khi nào cưới?”. Họ sợ cảm giác van xin, họ vẫn còn có lòng tự trọng của mình.
“Hạnh phúc, nên có sự hy sinh và chấp nhận, thẳng thắn trao đổi để cùng vượt qua những trở ngại từ hai phía. Nếu chúng ta né tránh nó càng né tránh chúng ta càng khó đối mặt và vượt qua nó. Thẳng thắn đối diện là cách duy nhất để giải quyết vấn đề. Con người trở nên cô đơn và mắc trở ngại nhiều hơn khi con người ta quá cầu toàn. Một lúc nào đó họ sẽ cảm thấy vô vị bởi họ không quan trọng với ai, họ chẳng cần cho ai cả. Vậy là họ thấy chán nản và cuộc sống không có ý nghĩa”, chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Yến Nhi đường dây tư vấn 1900 58 58 86 của công ty Tư vấn Tâm lý An Việt Sơn đưa ra nhận định.
Ngọc Minh