Ngày 23/12, Tòa án Nhân dân TP HCM đã mở phiên xét xử Phạm Văn Đầy (sinh năm 1992) về tội Giết người và Cướp tài sản. Hung thủ bị kết án chung thân cho cả 2 tội danh.
Phạm Văn Đầy sinh ra và lớn lên tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tốt nghiệp phổ thông, không đỗ đại học, gã đi làm thuê để mưu sinh. Có chút tiền dành dụm, gã chuyển sang mua đu đủ tại vườn bỏ mối cho các sạp bán trái cây.
Cuối năm 2013, Đầy quen biết với anh Nguyễn Ngọc Sơn (sinh năm 1968, ngụ tỉnh Đồng Nai) là chủ một sạp bán trái cây. Mặc dù đã có vợ con nhưng gặp Đầy, anh Sơn lại nảy sinh tình cảm đồng tính. Đầy cảm nhận được điều này nhưng không thể hiện thái độ gì. Sau vài tháng, Đầy phát hiện anh Sơn thường đeo hai chiếc nhẫn vàng ở tay nên nảy sinh ý định sát hại để cướp tài sản, lấy tiền tiêu xài.
Chiều 18/1, Đầy từ nhà lên quận Thủ Đức để giúp anh Sơn nhập đu đủ. Tuy nhiên, do hàng chưa kịp về, đêm đó, anh Sơn rủ gã ở lại đến sáng mai hẳn trở về và được chấp nhận. Đêm đó, hai người cùng vào thuê một phòng khách sạn tại quận Thủ Đức để nghỉ.
Anh Sơn đi tắm rồi đòi quan hệ đồng tính. Đầy tỏ ra khó chịu nhưng vẫn để cho bạn tình kích dục. Lợi dụng lúc anh Sơn không để ý, gã lấy một con dao trong ba lô đã chuẩn bị sẵn đâm một nhát vào cổ. Nạn nhân đau đớn, chống cự, giằng co. Hơn một tiếng chống cự, mất nhiều máu, anh kiệt sức, ngất xỉu. Đầy kéo nạn nhân vào phòng vệ sinh dội nước rửa sạch máu trên cả hai người. Gã tháo hai chiếc nhẫn vàng trên người nạn nhân.
Lúc này, tiếp tân khách sạn nghe tiếng kêu la phát ra từ phòng Đầy thuê nên gọi điện cho công an báo. Một lúc sau, tiếp tân gọi điện yêu cầu Đầy xuống để kiểm tra giấy tờ. Đầy nghe điện thoại xong liền khóa cửa đi xuống với ý định tìm cách bỏ trốn. Thấy trên người gã có nhiều vết máu, nhân viên khách sạn cùng người dân bắt giữ, giao cho công an.
Tại phiên xử, ngồi ngay hàng ghế đầu tiên của khán phòng, vợ anh Vân nước mắt ngắn dài chia sẻ: “Trước đây, tôi có nghe mọi người nói chồng bị đồng tính. Tôi cũng ngồi trò chuyện, tâm sự khuyên nhủ anh ấy. Nói thật, từ trước đến nay, trong mắt tôi, anh ấy là người chồng, người cha tốt. Anh là người quán xuyến mọi việc trong gia đình. Vừa bán trái cây, anh kiếm thêm tiền để nuôi vợ con bằng cách bỏ mối thêm vé số. Mỗi khi có tiền, anh lại đưa cho vợ. Tình cảm vợ chồng, cha con vẫn rất hạnh phúc".
Hôm xảy ra vụ án, trong lòng chị cảm thấy lo lắng, bồn chồn. Khuya, thấy chồng chưa về, chị gọi điện liên tục nhưng điện thoại của anh không liên lạc được. Lát sau, chị té xỉu khi nghe công an thông báo: “Anh Sơn bị sát hại tại khách sạn”.
Sau vụ án, chị cùng người thân của anh Sơn lo lắng làm tang ma. Từ đó đến nay, gia đình Đầy chưa một lần đến hỏi thăm, xin lỗi. Tuy nhiên, gia đình chị không hề nói một lời nặng nề khi nhắc đến họ. Bởi chị cho rằng, mọi việc xảy ra là do Đầy gây ra chứ người thân gã chẳng liên hệ gì. Anh Sơn qua đời, gia đình chị đau lòng và gia đình bên ấy cũng chẳng thể nào vui vẻ.
Khi được hỏi về mức án chung thân của Đầy, chị rơm rơm nước mắt: “Chồng tôi qua đời rồi, dù làm gì đi nữa thì cũng không thể sống lại. Đầy thì còn trẻ, sự sống vẫn còn rất dài. Tôi không hề muốn Đầy phải chôn chặt cuộc đời trong tù. Nếu phía gia đình Đầy sang ngỏ ý thì tôi sẽ viết đơn xin giảm án cho bị cáo”.
Tại phiên xử, HĐXX nhận định, hành vi của Đầy là đặc biệt nghiêm trọng. Sau khi phạm tội Giết người, gã lại tiếp tục thực hiện hành vi cướp của. Từ đó, Tòa tuyên phạt gã chung thân về tội Giết người, 3 năm về tội Cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là chung thân.
Chiếc xe đưa Đầy về trại giam lăn bánh. Người thân của anh Sơn rơi nước mắt, lặng lẽ ra về. Trong khi đó, người thân của Đầy cũng khóc ròng nhìn theo.
Theo Khám Phá
* Tên nạn nhân đã được thay đổi