![]() |
Phạm Anh Dũng |
Công việc đầu tiên của Dũng khi về làm ở SCB là nhân sự. Ngân hàng có 87 người, có người mới học hết lớp ba, anh loại ra 80 người. Dũng nghĩ ngày đêm để làm sao những người “ra đi”, vốn nhiều tuổi hơn anh, không cảm thấy... buồn lòng. Anh xin ý kiến hội đồng quản trị, cho kiểm tra chuyên môn toàn bộ nhân viên. Ngân hàng thuê thầy về dạy cho nhân viên yếu kém, học xong lại kiểm tra, ai rớt, tự xin nghỉ việc.
Với bảy người còn lại, ngân hàng không thể hoạt động, nên SCB kết hợp với đại học ngân hàng, tuyển sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp. Khi trường mở lớp chuyên viên tài chính - ngân hàng giỏi, SCB nhận về 25 người, cho họ hưởng ngay lương bậc hai, phần mềm nhân hệ số bốn. SCB còn tiếp xúc với những sinh viên đang làm luận án tốt nghiệp, tài trợ cho họ nếu đề tài luận án phù hợp với công việc ngân hàng, thậm chí hướng nghiệp cho họ quen dần với quy trình, nghiệp vụ.
Có nhân viên, nhưng chưa đủ bộ khung nòng cốt của ngân hàng. Suốt mấy tháng ròng tuyển mãi không được kế toán trưởng, Dũng tự viết quy trình kế toán. Sau này, khi đã tuyển được người, Dũng vẫn viết thêm quy trình tín dụng. Khó nhất là tìm người xử lý nợ. Thư ký Tòa Kinh tế TP HCM được ngân hàng mời về làm Trưởng phòng Pháp chế. Nợ được bóc dần từng vụ, nhưng cũng phải ba năm mới hết. Những năm ấy, SCB bị cơ quan thuế “liên tục hỏi thăm” vì đang lỗ, mà sao trả lương cho nhân viên cao vậy?
Ngân hàng bán thẻ cào
Tháng 2/2003 SCB đang bị Ngân hàng Nhà nước đặt trong tình trạng kiểm soát: lỗ lũy kế 23 tỷ đồng, nợ quá hạn khó đòi 45 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 70 tỷ đồng của ngân hàng coi như hết.
Dịch vụ là con số không, lối thoát duy nhất lúc đó là tín dụng, huy động được để cho vay được. Nhưng đang bị kiểm soát thì không được phép huy động tiền từ dân cư. Nếu tài trợ, cũng không được cho vay tín chấp. SCB ra thị trường liên ngân hàng, tuy nhiên hy vọng tìm được vốn ở đây mau chóng tắt ngấm vì chẳng tổ chức tín dụng nào dám cho vay.
Trong lúc nguy nan, SCB ký được hợp đồng với bưu điện để... bán thẻ cào. Thay vì giao thẻ cào cho các đại lý bán, bưu điện giao cho ngân hàng. Bưu điện khuyến mãi đại lý 6%, SCB khuyến mãi thêm 2,4% nữa để đại lý bán nhanh, giao tiền cho ngân hàng.
Bằng cách ấy, SCB có được 88 tỷ đồng trong 6 tháng với lãi suất đầu vào 0,6%/tháng. Tính ra vẫn còn hơi... rẻ, vì khi đó lãi suất tiết kiệm kỳ hạn một tháng là 0,5%/tháng. Tưởng rằng nhờ “phi vụ” thẻ cào, SCB qua lúc khó khăn, ai ngờ Ngân hàng Nhà nước thanh tra ba lần, vì từ trước đến nay không tổ chức tín dụng nào làm vậy, dù khi nhận thẻ cào, đại lý bán phải thế chấp tài sản cho ngân hàng.
Chuyện thẻ cào vừa khép lại, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu SCB thu hồi ngay khoản tài trợ chợ An Đông II, dù đây là khoản vay 100% có tài sản đảm bảo. Sau này, khi hiệu quả của dự án An Đông đã rõ, Ngân hàng Nhà nước mới thôi thanh tra.
Tháng 5/2003 là một cột mốc đáng nhớ của SCB: ngân hàng dừng lỗ và tháng đầu tiên có lãi. Số lãi nhỏ nhoi chẳng thấm vào đâu so với nợ quá hạn. Thời gian kế tiếp, bao nhiêu lãi đều trích dự phòng rủi ro. Cả năm 2003, SCB lãi 58 triệu đồng. Ngân hàng bắt đầu có những khách hàng doanh nghiệp lớn.
Còn khách hàng cá nhân, gần một nửa là người cao tuổi. Nguyên do là vì SCB áp dụng lãi suất cộng thêm 0,6% tất cả các kỳ hạn cho khách hàng gửi tiết kiệm từ 50 tuổi trở lên. Nhiều người đùa vui: “Chắc lãnh đạo SCB toàn người già mới có chiêu ấy”. Dũng chỉ cười.
Năm 2004, SCB đột phá, lãi hơn 40 tỷ đồng, nhờ đòi được những khoản nợ khó đòi và kinh doanh có hiệu quả. (Năm trước lãi bao nhiêu phải trích hết cho dự phòng rủi ro). Đến năm này, trích hết dự phòng rủi ro, bù lỗ, vẫn còn lợi nhuận chia cổ tức 6% cho cổ đông. Đó là lần đầu tiên ngân hàng chia cổ tức kể từ ngày thành lập.
Bây giờ SCB đang tính làm ăn lớn: xây trụ sở và cao ốc văn phòng ở góc phố Cống Quỳnh, quận 1. Năm 2005 ngân hàng lãi trước thuế gần 50 tỷ đồng.
(Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)