Dù đã làm mẹ, bạn đừng quên vai trò người vợ của mình. |
“Bây giờ mình trở thành một người cha rồi đấy!’
Cũng nồng nàn, cũng sâu thẳm trong tình cảm như bạn, anh ấy rất yêu đứa trẻ - giọt máu của cả hai - vừa mới ra đời. Đồng thời, cũng có nhiều cảm xúc giống như bạn, chẳng hạn như niềm hạnh phúc dâng trào khi lần đầu tiên nhìn thấy đứa trẻ nhúc nhích những ngón chân bé xíu.
Nhưng anh ấy lại không thể dành nhiều thời gian cho chúng như bạn, không phải vì không thích gần gũi chúng mà vì anh ấy cảm thấy mình không có đủ khả năng để bày tỏ tình yêu thương như một người mẹ. Việc cảm thấy lúng túng và bối rối trở thành điều bất tiện đối với anh ấy và nhiều khi phải nhờ bạn giúp đỡ.
Bạn có để ý thấy đôi lúc anh ấy hỏi bạn rằng anh nên làm gì bây giờ đây, hay nhờ bạn cho anh ấy một lời khuyên không? Anh ấy bắt đầu tập làm quen với cách cư xử của bạn đối với anh ấy, muốn chứng tỏ vai trò làm cha của mình dù bạn có than phiền rằng anh ta làm không tốt tí nào cả.
“Thật cảm động khi được làm cha”
Từ khi có cảm giác được làm cha, anh ấy bắt đầu có xu hướng muốn bày tỏ tình yêu của mình với bạn và bọn trẻ. Và như thế, anh ấy sẵn sàng bỏ ra hàng giờ liền để chăm sóc chúng và trông coi nhà cửa mỗi khi bạn nhờ vả. Tuy nhiên, vì là đàn ông nên anh ấy không thể làm tốt và đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của gia đình. Từ đó, việc cảm thấy bực bội và khó chịu là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, là một người vợ - người mẹ, bạn hãy thông cảm và biết ơn với những việc anh ấy đã làm cho gia đình và tạo cho người bạn đời cảm giác dễ chịu hơn. Anh ấy sẽ cảm thấy những đóng góp của mình chiếm vai trò quan trọng không kém so với những việc làm của bạn.
“Mình đang cưới một “người mẹ” hay sao?”
Anh ấy cảm thấy lo sợ khi bạn quan tâm đứa trẻ nhiều hơn. Tuy nhiên, anh ấy cũng lo lắng cho bạn bởi những mệt mỏi, chán nản hay những vấn đề về sức khỏe khác bạn gặp phải khi lên chức. Nhưng khi anh ấy đưa ra những đề nghị mang ý nghĩa tốt, chẳng hạn như bạn hãy tập thể dục nhiều hơn, không thì sẽ mập phì ra đấy, bạn lại tỏ ra bực dọc và cho rằng ý kiến của anh ấy là thiếu thực tế, cảm thấy anh ấy đang cố gắng giành mất thời gian của bạn dành cho con cái. Sau nhiều lần như vậy, có thể anh ấy không muốn giúp bạn nữa.
“Vợ tôi đi đâu rồi?”
Anh ấy yêu đứa trẻ, dĩ nhiên, nhưng mối quan hệ của bạn và anh ấy vẫn là điều ưu tiên số một. Thực sự, anh ấy cảm thấy ghen tị và thấm thía với sự mất mát của tình yêu thương, quan tâm, chú ý khi bạn chuyển hết tình yêu ấy sang đứa trẻ. Anh ấy nhận ra “Mình không còn được nàng “cưng chiều” nữa rồi!”.
Một người chồng tâm sự: “Tôi đi làm hết ngày để mang về cho gia đình bữa ăn ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng. Thế mà khi vừa bước vào nhà, vợ tôi chỉ nói “cám ơn anh” một cách hờ hững rồi lại quay sang đứa con gái. Tôi cảm thấy dường như mình không có mặt trong căn nhà của hai vợ chồng nữa”.
Bạn có nghe câu nói đàn ông thực chất chỉ là một đứa trẻ to xác? Do đó, đừng quá chú ý tới con cái đến mức quên hay lơ là nhiệm vụ của một người vợ nhé.
“Vợ tôi có hiểu tôi không?”
Có thể bạn không thể làm chồng bạn hiểu bạn, nhưng bạn có thể cố gắng hiểu anh ấy. Điều đó tùy thuộc vào khả năng của bạn. Bạn có thể hỏi anh ấy về hình tượng một người chồng - người cha theo suy nghĩ của anh ấy, hoặc đơn giản hơn là chăm chú ngắm anh ấy một lúc rồi tự hỏi anh ấy đang trầm ngâm suy nghĩ điều gì.
Từ khi bạn mất nhiều thời gian để tìm hiểu con cái và ở bên chúng suốt cả ngày, bạn nên có đủ tỉnh táo để hiểu chồng bạn hơn. Anh ấy sẽ chú ý tới những quan tâm của bạn và đánh giá cao, đồng thời thông cảm cho bạn hơn nữa. Khi cả hai có những ý kiến, quan điểm và mong muốn chung, cùng nhau giải quyết những vấn đề thì hạnh phúc sẽ luôn tràn ngập gia đình bạn.
(Theo Tuổi Trẻ)