Paris Hilton - nữ tỷ phú đầy tai tiếng. |
Có thể là sợ bị người tư vấn tài chính lừa dối, sợ là nạn nhân của một số trò gian lận, sợ bị mất cắp thông tin cá nhân, sợ bị xử phạt không công bằng hoặc sợ những hành động bạo lực nhằm vào bản thân hoặc gia đình mình...
Trong 19 cuộc khảo sát tiến hành từ năm 2005, Russ Alan Prince, một nhà nghiên cứu về người giàu hơn hai thập niên qua, đã phỏng vấn khoảng 2.500 người giàu có về những vấn đề mà họ lo ngại nhất. Đối tượng của các cuộc khảo sát này là những người tự mình làm ra tài sản với trị giá tối thiểu 500.000 USD, trong đó có nhiều người là triệu phú.
Prince nhận định: “Người giàu nào cũng có tất cả những vấn đề về an ninh, bởi vì họ có nhiều thứ bị đe dọa hơn”. Theo số liệu của Prince, an ninh là mối lo ngại tỷ lệ thuận với quy mô của sự giàu có. Chỉ 45% số người có tài sản từ 500.000 USD đến 1 triệu USD cho biết sợ bị mất cắp thông tin cá nhân, nhưng với những người có tài sản trên 20 triệu USD thì con số này là 74%.
Người giàu nghĩa là không phải lo nghĩ về vấn đề tiền nong? Bạn đã lầm. Họ rất quan tâm đến vấn đề này nhưng trên những phương diện khác. Phải quản lý số tài sản lớn bao gồm cả động sản và bất động sản ở nhiều khu vực địa lý khác nhau có thể là một nhiệm vụ tốn thời gian, bên cạnh việc điều hành công việc kinh doanh của công ty đã giúp tạo ra số của cải đó.
Nổi bật nhất, điều mà những người giàu lo nghĩ nhiều nhất là làm sao để duy trì và làm tăng thêm sự giàu có của mình. Prince mô tả kiểu tư duy này là: “nếu tôi có được 5 triệu USD thì tiếp theo tôi muốn có được 10 triệu USD”. Ông cho rằng điều này không phải là tham lam, mà chỉ đơn giản là sự phản ánh mong muốn của tất cả mọi người thuộc mọi tầng lớp thu nhập: kiếm nhiều hơn nữa. "Dùng từ tham lam là không đúng. Đây chẳng phải là điều xấu xa. Phải có ham muốn tiến lên phía trước, nâng cao cuộc sống thì mới có thể có được một môi trường doanh nghiệp phát triển” - Prince nhận xét.
Nhưng người giàu cũng rất quan tâm việc cân bằng được lợi ích giữa gia đình và công việc kinh doanh, và làm sao để dạy con cái có được lòng bác ái cũng như quản lý tiền bạc một cách hợp lý. Những người trẻ trong các gia đình giàu có thường “có khuynh hướng không phân biệt được giá trị bản thân và giá trị tiền bạc”. Các bậc cha mẹ giàu có thường không muốn con cái của mình lớn lên với suy nghĩ rằng thực chất mối quan hệ bạn bè giữa chúng với người khác chỉ là những nhãn mác áo quần mà chúng mặc hoặc những chiếc xe mà chúng đi.
(Theo Tuổi Trẻ)