Nếu nhìn những suất cơm được định sẵn trong những chiếc hộp nhựa, có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy yên tâm hơn là bước chân vào một quán ăn cơm bình dân ven đường. Chị Nguyễn Thanh Nga, nhân viên văn phòng tại khách sạn Melia (Lý Thường Kiệt) cho Kinh Tế Đô Thị biết: "Với nhân viên văn phòng chúng tôi, việc gọi cơm hộp là giải pháp tối ưu. Vì nghỉ trưa có 1 tiếng đồng hồ nên để tìm một quán cơm bình dân sẽ rất mất thời gian. Hơn nữa, các quán cơm bình dân ven đường thường không đảm bảo chất lượng vệ sinh". Giống với chị Nga, anh Trần Nam đang làm việc tại công ty máy tính trên phố Lý Nam Đế cũng đã chọn cơm hộp cho bữa trưa để tiết kiệm thời gian. Trước giờ nghỉ trưa, chỉ cần gọi điện thoại và chờ 15 phút là sẽ có người mang cơm nóng sốt đến tận nơi.
Sự tiện ích của cơm hộp đã khiến cho nhiều nhân viên văn phòng chọn cơm hộp cho bữa ăn trưa lý tưởng. Họ đâu biết được rằng, "chất lượng" cơm canh đựng trong đó cũng chẳng thua kém gì "chất lượng" thức ăn đường phố. Bởi trước sự biến động của nhiều mặt hàng trên thị trường, giá mỗi hộp cơm vẫn giữ được sự bình dân từ 5.000 đến 7.000 đồng. Còn các nhà kinh doanh muốn có lãi, chỉ còn cách là chọn những loại nguyên liệu "bớt ngon" và "bớt tươi" một chút cho rẻ tiền.
Thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo người tiêu dùng về loại thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc được bày bán tại chợ đêm Cầu Mới (Ngã Tư Sở - Thanh Xuân). Tại chợ này, giá một cân thịt chỉ bằng một nửa, thậm chí một phần ba so với giá bán trên thị trường. Ai dám đảm bảo rằng, liệu loại thực phẩm này không có trong thực đơn của những hộp cơm trên? Và chắc chắn một điều, không chỉ có chợ Cầu Mới mà còn nhiều điểm tiêu thụ những loại thịt không đảm bảo chất lượng vẫn trôi nổi trên thị trường. Nếu các nhà quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm không làm chặt, nhà phân phối sẽ chẳng ngần ngại đưa những loại thịt đáng nhẽ phải đem đi thiêu huỷ đem bán ra thị trường với giá bèo.
Chỉ có thực khách mới là người phải hứng chịu hậu quả. Bởi với những miếng thịt dù cho có kém ngon, kém tươi nhưng nhờ vào nghệ thuật nấu nướng, nhờ được tẩm ướp bằng những thứ gia vị , nhìn bằng mắt thường làm sao có thể nhận biết được chúng không hợp vệ sinh.
Bên cạnh đó, công đoạn làm sạch những hộp kia cũng bị bớt xén. Có chứng kiến "giờ cao điểm" của một nhà hàng cung cấp cơm hộp mới biết. Những hộp cơm sau khi đi chu du một vòng qua các thực khách lại quay về điểm xuất phát và được bày la liệt trên bàn, trên ghế, cạnh cống rãnh, xung quanh công trình vệ sinh. Tiếp sau đó, chúng được những vị chủ nhân nhúng qua vào một chậu nước để tái sử dụng. Thậm chí, có nhiều hôm trời nắng nóng, nguồn nước khan hiếm, những hộp cơm kia chẳng được nhúng qua nước mà chỉ được làm sạch nhờ một chiếc khăn mặt. Cứ thế chúng được chuyền hết qua tay người này đến người khác. Chính sự mất vệ sinh ấy đã dẫn đến những hậu quả khôn lường cho người tiêu dùng.
Theo thống kê, tại Hà Nội có gần 90% cơ sở dịch vụ thức ăn mua thực phẩm kém chất lượng để hưởng giá rẻ, 74% phụ gia, phẩm màu sử dụng nằm ngoài danh mục. Trên 60% dụng cụ, bề mặt chế biến ở chỗ bẩn, thậm chí gần nhà vệ sinh. Tỷ lệ bát đĩa bẩn là 88% ở ngoại thành, thị trấn và 56% ở nội thành. 67% người chế biến, bán hàng dùng tay bốc thức ăn và khoảng 50% số người bán hàng cả ngày không một lần rửa tay trong suốt quá trình phục vụ. Tính trung bình, mỗi ngày tại Hà Nội có 3 người phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm. |
Một cán bộ làm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ở quận Long Biên cho biết, chỉ khi nào có những đợt tuyên truyền cao điểm như Tháng hành động an toàn chất lượng vệ sinh thực phẩm, hay như đợt SEA Games thời gian qua, và giờ là hội nghị Á-Âu ASEM 5 sắp diễn ra tại Hà Nội, công tác kiểm tra, thanh tra những cơ sở dịch vụ ăn uống mới gắt gao. Còn bình thường, những cơ sở này vẫn bị buông lỏng quản lý... Chính vì vậy, tại Hà Nội, năm 2002 có 11.634 cơ sở bán thức ăn không đảm bảo vệ sinh và cho đến 6 tháng đầu năm nay, con số này đã lên hơn 13.000.
Con số những người bị ngộ độc do ăn phải thức ăn không đảm bảo vệ sinh chẳng biết đến bao giờ mới dừng lại. Chỉ biết rằng, người tiêu dùng vẫn phải tặc lưỡi và thôi thì..."khuất mắt trông coi" để tận hưởng những món ẩm thực kia. Bởi biết đến khi nào lương tâm của nhà sản xuất mới thức tỉnh và cũng biết đến khi nào các cơ quan chức năng mới có sự kiểm định thường xuyên những quán hàng kể trên.