Chẳng hạn một bạn đang say xỉn mà muốn chở ta về trong đêm, biết nói không lúc đó chẳng những cứu được mình mà còn cứu được cả bạn. Chẳng hạn, bạn muốn ta hít thử chút heroine, nói không lúc đó là cần thiết vì một lần thử thôi là đã "dính"!
Có nhiều hình huống buộc ta phải nói không. Nhưng nói không quả là “hổng” dễ chút nào! Cho nên cách tốt nhất là tiên liệu những tình huống không hay có thể xảy ra để tránh trước thì tốt hơn. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Vấn đề là bản lĩnh.
Nhưng chính nhiều “teen” tưởng mình bản lĩnh lắm, quá tự tin, đành ôm hận suốt đời. Ông bà ta chẳng nói “khôn ba năm dại một giờ” đó sao.
Nói không “hổng” dễ vì sợ mất bạn bè. Sợ bạn bè cho ta ra rìa. Sợ bạn bè cười chê ta là đồ con nít, do vậy mà dù không muốn, ta cũng ráng tợp một ngụm, rồi được vỗ tay, ta ráng nốc cạn 100%, rồi ly thứ hai và sau đó là những chuyện tiếp theo không cần nói, bởi “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”.
Một nghiên cứu mới đây về chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân không an toàn dẫn đến phá thai phạm pháp ở tuổi vị thành niên cho thấy, đa số đều do… rượu, bia. Say xỉn thì sẽ không sáng suốt.
Và, hối hận thì đã muộn. Nhiều trường hợp trả giá bằng HIV. Cả nam lẫn nữ. Không phải chỉ có nữ! Có điều, nữ thì có thể bị mang bầu, còn nam thì không. Cái sự không bị mang bầu này là một “thế mạnh” của nam giới. Những kẻ vô trách nhiệm sẽ khai thác nó bởi không phải sợ dư luận, lại dễ cao chạy xa bay.
Trời sinh nam giới với đặc điểm sinh học của mình, kích thích tố của mình, dễ bị kích động, nhanh chóng bùng phát, không kiềm chế được. Nữ thì âm ỉ hơn, đắn đo hơn, ít bị kích thích hơn.
Cái đó là điểm sinh học của giới tính, “trời sinh” như vậy. Do vậy, trong nhiều trường hợp, chính nữ sẽ là người quyết định. Nam giới có bản lĩnh, có trách nhiệm cũng sẽ hành động đúng đắn để bảo vệ mình và người khác.
Nói không không khó như ta tưởng, bởi khi nói không, ta đã chứng tỏ mình đã là một người lớn, đã trưởng thành, đã có sức mạnh nội tâm, đã có ý thức trách nhiệm. Bạn bè lúc đó sẽ không giận ta mà còn khâm phục ta có cá tính, độc lập, bản lĩnh. Dĩ nhiên, nói sao cho hiệu quả, vừa cương quyết, dứt khoát mà không nhẹ nhàng, không để người kia bị “quê” là điều cần suy nghĩ.
Nên nhớ, một người bạn tốt sẽ không bao giờ o ép người khác phải chiều theo ý mình, mà luôn tôn trọng ý kiến riêng và khác biệt của người khác, như vậy mới đáng mặt là bạn thân, là “đại ca”, là “đại tỷ”. Còn áp chế, ức hiếp, bắt buộc người khác phải theo ý mình thì đó không phải là bạn tốt, không phải đàn anh, đàn chị xứng đáng. Mất đi một người bạn như vậy càng hay chứ sao!
Khi cần nói không, hãy nói một cách đơn giản: “Không, cảm ơn”. Càng ngắn gọn, đơn giản càng tốt. Đừng biện bạch, đừng ra vẻ quan trọng, khẩn trương, giải thích này nọ, vì càng giải thích, càng tỏ ra bối rối, bức xúc, càng bị ép, càng bị thuyết phục.
(Theo Phụ Nữ TP HCM)