![]() |
Chọc hút trứng ở bệnh viện. |
Trong quá trình thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm trên thế giới và tại Việt Nam, các bác sĩ đều có chung nhận xét: Đối với phụ nữ trên 40 tuổi, có dấu hiệu suy yếu buồng trứng, phụ nữ quanh tuổi mãn kinh, buồng trứng hầu như “trơ” với thuốc kích thích, thất bại nhiều lần trong các chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm, phụ nữ bị một số vấn đề về buồng trứng… thì việc sử dụng trứng của chính mình để điều trị hiếm muộn sẽ vô vọng. Cụ thể, họ phải tốn nhiều tiền cho việc kích thích buồng trứng, khả năng thành công lại thấp, tỷ lệ bất thường thai kỳ và bất thường ở em bé cao.
Theo xu hướng chung hiện nay, sau khi xem xét các vấn đề về tuổi người mẹ, khả năng thành công, chi phí điều trị, sức khoẻ em bé, việc xin trứng và thụ tinh trong ống nghiệm là giải pháp kinh tế, hiệu quả, an toàn nhất cho các phụ nữ trên 40 tuổi suy giảm chức năng buồng trứng.
Gian nan chuyện xin trứng
Thống kê Bệnh viện Từ Dũ, số người xin - cho trứng tăng dần qua từng năm: năm 2000 thực hiện ca đầu tiên; năm 2001 thực hiện 40 ca; năm 2002 ngưng không làm để chờ luật. Năm 2003, luật cho phép tự nguyện cho trứng, người cho trứng phải trong độ tuổi từ 18 đến dưới hoặc 35 tuổi. Sau đó để thêm phần chặt chẽ, bệnh viện có thêm một số điều kiện: có gia đình, có con để tránh tranh chấp và những vấn đề bất thường xảy ra vì lấy trứng qua ngả âm đạo. Năm đó, bệnh viện thực hiện 133 ca; năm 2004 làm 248 ca. Riêng năm 2005, Từ Dũ thực hiện 349 ca, gần bằng 1/3 tổng số ca đến điều trị về hiếm muộn.
“Xin trứng nghe thật đơn giản nhưng khó vô cùng”, người phụ nữ có đôi mắt đỏ hoe nói. Thiên nhiên rất hào phóng cho hai buồng trứng người phụ nữ vài triệu trứng. Thế nhưng, từ độ tuổi dậy thì đến tuổi mãn kinh chỉ có khoảng 300 trứng trưởng thành và rụng. Và trong số này có vài trứng được thụ tinh và phát triển thành thai. Số còn lại đi đâu? Đó là quá trình tự nhiên chúng thoái hoá và tự tiêu mất. Còn nữa, mặc dù kinh nguyệt thực sự chấm dứt vào độ tuổi 45-50 nhưng khả năng sinh sản của phụ nữ giảm rõ rệt khi qua tuổi 35. Đây cũng là những chọn lọc tự nhiên giúp phụ nữ thực hiện tốt thiên chức của mình. Theo thống kê tại khoa Hiếm muộn Bệnh viện phụ sản Từ Dũ thì tỷ lệ có thai giảm từ 50% ở phụ nữ dưới 30 tuổi xuống còn 10% ở phụ nữ trên 40 và 1% ở phụ nữ trên 45 (tính theo tất cả các nguyên nhân gây vô sinh).
Sự phát triển của trứng và trưởng thành của noãn là một quá trình phức tạp, đòi hỏi hoạt động của hai nội tiết tố FSH và LH. Do đó muốn lấy trứng người không dễ, các bác sĩ khoa hiếm muộn phải chích thuốc kích thích buồng trứng để nang noãn phát triển đồng bộ, thu được nhiều trứng. Chính khâu này đã khiến cho việc xin trứng và trữ trứng trở thành chuyện “mò kim đáy biển”. Theo ước tính của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Sương, Bệnh viện Hùng Vương, thuốc kích thích buồng trứng có giá tiền quá lớn so với thu nhập hiện nay. Tuỳ theo tuổi, tuỳ theo đáp ứng với thuốc mà lượng thuốc dùng nhiều hay ít, trung bình là 25 đến 50 triệu đồng. Tiền thuốc tỷ lệ thuận với tuổi tác, càng cao tuổi tiền càng cao.
Đoạn trường cho trứng
Việc chích thuốc kích thích buồng trứng phải thực hiện mỗi ngày. “Thuốc này khó chịu lắm, người luôn thấy mệt mỏi”, chị Tịnh, cư ngụ ở một tỉnh miền Trung, đang mang thai từ trứng của mình cho biết. Thuốc chích trong 2 tuần. Cứ cách hai ngày, bác sĩ siêu âm, xét nghiệm máu kiểm tra xem nội tiết có cân đối với lượng trứng hay không. Nếu tình hình vẫn “án binh bất động”, bác sĩ sẽ chích thuốc tiếp tục và tăng liều. Sau khi siêu âm thấy trứng chín, bác sĩ sẽ tiến hành chọc hút trứng. Nếu bác sĩ ít kinh nghiệm, phải chọc hút nhiều lần mới lấy được trứng thì người cho sẽ đau nhiều.
Việc lấy trứng của người cho còn phải “canh” sao cho chu kỳ kinh của bên cho - nhận song song nhau. Do đó, bác sĩ phải “kéo” cho khớp về thời gian, nên 2 bên phải đến bệnh viện thường xuyên trong khoảng trên một tháng. Nếu “kéo” không trùng thì mọi nỗ lực sẽ là “xôi hỏng bỏng không”. Phôi vừa chuyển “trôi" ra theo chu kỳ hàng tháng.
Dịch vụ bán trứng phát triển
Nhu cầu xin trứng ngày càng nhiều đánh thức lực lượng cung ứng. Tại Bệnh viện Hùng Vương, những người có trứng nhưng không chịu thông qua cò đã tìm đến khu điều trị hiếm muộn ở lầu 4. Họ đòi tiền ngay khi chưa làm hồ sơ.
Bác sĩ Vương Ngọc Lan, khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ cho biết: "Họ đến bệnh viện, chúng tôi trả lời ngay là bệnh viện không đứng ra thu nhận trứng hay giới thiệu, mà bệnh nhân tự tìm người cho và dẫn đến".
Tại Từ Dũ, chuyện xin cho được kiểm tra rất chặt chẽ, người cho chỉ được cho một người. Hồ sơ bệnh án làm rất kỹ, thông tin chỉ cung cấp cho hai vợ chồng mà thôi. Nhưng đã có người vừa cho trứng ở Từ Dũ xong đã sang Hùng Vương "cho" tiếp. Bác sĩ Ngọc Sương nói: "Chúng tôi có thể phân biệt người phụ nữ sinh rồi và chưa sinh nhưng không thể biết họ đã chọc hút hay chưa. Trường hợp vừa cho rồi đã cho nữa thì khi chích thuốc sẽ không ra trứng. Việc cho liên tục cũng rất hại sức khỏe, gây kiệt sức, vô sinh".
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ phó Pháp chế Bộ Y tế, cho biết, luật pháp cho phép cho - nhận trứng và tinh trùng để hỗ trợ sinh sản với điều kiện phải thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện và bí mật. Việc người vô sinh tự tìm nguồn cung cấp là vi phạm nguyên tắc bí mật, vì đáng lẽ hai bên không được phép biết nhau, mỗi bên chỉ ký cam kết với bệnh viện. Theo ông Quang, quy định trên nhằm tránh tranh chấp quyền nuôi con và thừa kế, điều đã xảy ra trên thế giới. Nhằm tránh tình trạng này, luật pháp Việt Nam quy định: Người mang nặng đẻ đau sẽ là mẹ; đứa trẻ sinh ra không có quyền đòi thừa kế đối với người cho trứng hay tinh trùng.
Tuy nhiên, hiện nay, các bệnh viện đều không đứng ra làm trung gian mà chỉ nhận điều trị cho những người tự xin được trứng. Vì vậy, việc cho nhận nhiều khi là thuận mua vừa bán và hoàn toàn không bí mật nữa.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)