![]() |
Một cảnh trong phim Hồn Trương Ba, da hàng thịt. |
Ngày 29/10, phim trường rộng 10 ha có tên gọi Cánh đồng ước mơ do Công ty Cổ phần Truyền thông Trí Việt đầu tư, vừa được làm lễ khởi công xây dựng tại Bình Dương. Giới làm phim Việt Nam tỏ ra phấn khởi trước sự kiện này bởi nó hứa hẹn sẽ chấm dứt một thời kỳ loay hoay đi tìm trường quay và mở ra một tương lai mới cho nền điện ảnh - truyền hình VN.
Mỗi năm, hàng chục bộ phim ra đời nhưng đến nay, VN vẫn chưa có được một phim trường đúng nghĩa. Trước mỗi cảnh quay, các đoàn phim thường ở thế bị động bởi phải lệ thuộc vào bối cảnh. Thiếu phim trường, không chỉ kinh phí làm phim tăng lên nhiều lần mà còn hạn chế khả năng sáng tạo nghệ thuật của đội ngũ làm phim
Khi quay “cảnh nóng” giữa diễn viên Chi Bảo và 2 người đẹp Hà Kiều Anh, Kim Thư trong phim Đẻ mướn, để tránh bị làm phiền và có được một khung cảnh lãng mạn thích hợp cho cảnh quay nhạy cảm này, nhà sản xuất đã phải thuê 2 phòng ở khách sạn Novotel trong 2 ngày với tổng chi phí khoảng 1.500 USD. Cảnh cuộc gặp gỡ giữa Trâm Anh và người bạn trong một nhà hàng ở Hội An chỉ xuất hiện khoảng 2 phút nhưng đoàn phim 1.735 km phải quay ròng rã 2 đêm liền sau một khoảng thời gian dài thương thuyết với các chủ nhà hàng bởi với họ, cho đoàn phim thuê đồng nghĩa với việc tạm đóng cửa.
Để quay nội cảnh phim 39 độ yêu, Hãng phim Việt phải thuê nhà kho của một xí nghiệp trong suốt nửa năm, với mức giá hơn 30 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể khoản chi phí không nhỏ bỏ ra để cải tạo 800 m2 nhà kho này thành phim trường cho 22 bối cảnh, chiếm hơn 60% thời lượng phim.
Với dân trong nghề, khổ nhất chính là việc đi tìm bối cảnh cho các bộ phim lịch sử, bởi bối cảnh phim không chỉ đẹp mà còn phải đúng. Đạo diễn Tường Phương cho biết, việc tìm bối cảnh cho phim Người Bình Xuyên tiêu tốn không ít thời gian và tiền bạc. Bởi ở đâu cũng vướng đường dây điện, cột ăng-ten, các kiến trúc, các nội thất hiện đại. Muốn có bối cảnh phiên chợ biên giới, đoàn phim Đất lành của đạo diễn Võ Hữu Phước đã phải vượt hơn 200 km từ thị xã Cao Lãnh đến cửa khẩu huyện Hồng Ngự, Tân Hồng. Cũng vì lệ thuộc vào bối cảnh mà đoàn phim Gió thiên đường đã một phen... hú vía vì quán bar nơi đoàn thuê quay hôm sau bị đóng cửa do kinh doanh thuốc lắc. Khi quay nội cảnh, không hiếm trường hợp đoàn phim đang quay thì bị chủ nhà đuổi thẳng, bởi gia chủ không lường trước được những “phiền phức”, xáo trộn khi cho đoàn phim thuê nhà.
Khó khăn thường gặp khi quay ngoại cảnh ở các địa phương là giấy phép. Ông Lưu Phước Sang, Giám đốc Hãng phim Phước Sang, cho biết cũng chỉ vì giấy tờ, thủ tục rườm rà mà đoàn phim Áo lụa Hà Đông đã phải bỏ một số bối cảnh dự kiến quay ở miền Trung.
Không có phim trường, người vất vả nhất là họa sĩ thiết kế. Thế nhưng, theo xu hướng làm phim hiện nay, khi việc thu tiếng trực tiếp ngày càng trở nên phổ biến, việc không có phim trường còn làm khổ lây bộ phận âm thanh. Việc không có phim trường đã khiến bộ phim 1.735 km phải làm lại âm thanh ở một số đoạn vì độ cách âm của trường quay đi thuê quá kém. Đó là chưa kể đến những âm thanh ngoài ý muốn lọt vào.
Khi quay Lẵng hoa tình yêu trong một phim trường được cải tạo từ một nhà kho thuê ở Củ Chi, ê kíp thực hiện đã phải lắp thêm các tấm mút xốp quanh phim trường để cách âm vì nhà kho nằm kề một xưởng cưa đang hoạt động. Khi quay ngoại cảnh, tạp âm từ đường phố cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh. Bộ phim 39 độ yêu cũng gặp phải khó khăn tương tự và phải kéo dài gần 1 năm để hoàn tất phần lồng tiếng lại vì chất lượng âm thanh chưa đạt như mong muốn.
(Theo Người Lao Động)