Mải miết ở trong rừng ven chiến khu D, làm lụng vất vả, cứ hai năm, cặp vợ chồng Lương Văn Sang (sinh năm 1969, quê An Giang) và chị Huỳnh Thị Thu Vân (sinh năm 1973, ở ấp 2, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) cứ 2 năm lại cho ra đời một đứa con.
Tổng cộng họ có tới 7 đứa, lớn nhất 12 tuổi, nhỏ nhất là 8 ngày tuổi. Đến đứa thứ 6, ông Sang cấm bà Vân sinh thêm, nếu không sẽ “đánh chết”. Vì thế khi đứa thứ 7 ra đời vào ngày 16/3, bà Vân lo sợ, mang đi vứt ngoài đường khi chưa kịp cắt dây rốn.
Người nhặt được cháu bé mới sinh của bà Vân là vợ chồng ông Vũ Ngọc Tuấn và bà Lê Thị Tâm (ở cùng ấp). Theo lời ông Tuấn: “Lúc đó khoảng 14h30, trên con đường đất đỏ vào nhà, tôi thấy có một bọc nilon màu đen nằm ở mé đường. Tôi nghĩ người nào đó mang chó mèo chết vứt lung tung nên dùng chân hất vào một bụi cây, đợi trời mát sẽ mang đi chôn. Tôi đi được một đoạn nhưng linh tính mách bảo nên nhìn lại thì thấy bọc nilon cựa quậy. Tôi nghĩ: “Không lẽ người ta lại vứt chó mèo còn sống hay là trẻ con mới đẻ”.
Ông Tuấn chạy về nhà cách đó khoảng 100 m, kêu vợ là bà Tâm lên xe để quay lại chỗ cũ. “Đến nơi, tôi vạch túi ni lông ra thì phát hoảng thấy đứa trẻ sơ sinh đỏ hỏn, còn nguyên dây rốn. Đứa bé khóc không thành tiếng và gần như đã kiệt sức. Tôi bế lên và hối chồng chở ngay đến ủy ban xã để trình báo”, bà Tâm kể.
Trong biên bản tiếp nhận thông tin, đứa trẻ là bé trai, nặng khoảng 3 kg. Bên trong bọc nilon có một cái khăn bông màu xanh và một áo khoác đỏ quấn quanh người. Sau khi tiếp nhận thông tin, cháu bé được đưa sang trạm y tế cắt dây rốn, chăm sóc.
Được cứu chữa kịp thời, sức khỏe cháu bé phục hồi nhanh chóng. Cùng ngày, Uỷ ban nhân dân xã Mã Đà tạm giao đứa bé cho ông Tuấn, bà Tâm chăm sóc trong vòng 30 ngày để thông báo tìm cha mẹ ruột.
“Lúc đầu, tôi nghĩ cha mẹ đứa trẻ là người trẻ tuổi, ở nơi xa, lầm lỡ chứ không nghĩ là của bà Vân, hàng xóm cách nhà tôi chỉ 500 m. Tôi rất vui mừng khi nhặt được cháu bé. Tôi đặt tên là Thiên Phú tức là “trời cho”. Biết đâu đó là cái lộc đối với gia đình tôi”, ông Tuấn nói.
Đứa trẻ được ông Tuấn - bà Tâm chăm sóc chu đáo, từ miếng ăn, đến việc tắm giặt. Bà Tâm nói: “Tôi thương đứa bé lắm, dù không ruột thịt nhưng mới sinh ra đã bị bỏ rơi, không được bố mẹ ngó ngàng đến. Chăm sóc được 5 ngày, ngoài xã thông báo đã tìm được cha mẹ cháu bé nên yêu cầu mang trả. Khi biết người nhận con là bà Vân, chúng tôi hết sức ngạc nhiên. Nhưng mà tìm được cha mẹ ruột của cháu, chúng tôi phải hợp tác, trả lại theo đúng quy định pháp luật”.
Bà Vân kể: “Cuộc sống khó khăn quá. Lúc sinh đứa thứ 6, chồng tôi bảo cấm sinh thêm. Nếu sinh nữa sẽ đánh chết. Mà có học hành, hiểu biết gì đâu về chuyện ngừa thai. Bởi thế, khi có bầu hơn 4 tháng, tôi đi khám, định phá nhưng thai nhi lớn quá. Từ đó, tôi có ý định sinh ra sẽ mang đi cho hoặc vứt đi”.
Nhưng không hiểu sao bà Vân che giấu được bụng bầu của mình ngay với người chồng của mình? Bà Vân kể: “Thường thì tôi mặc áo khoác, ráng hóp bụng để khỏi phải nhô lên cao. Một lần, chồng nghi ngờ hỏi: “Mày lại có bầu à”, tôi chối ngay. Chồng tôi còn đe dọa: “Mày mà có bầu, tao đánh chết”. Vì thế, tôi rất lo sợ”.
Người đàn bà 7 lần sinh nở kể lại chuyện mình tự sinh, đơn giản và bình thường đến mức khó tin: “Rạng sáng ngày 16/3, đang hái xoài, tôi nghe đau bụng, chuyển dạ. Biết mình sắp sinh, tôi trốn chồng vào một ngôi nhà bỏ hoang để tự “vượt cạn”. Sinh con ra, tôi lấy áo cũ quấn lại, bỏ vào bọc ni lông mang ra đường vứt bỏ cho ai đó nhặt về nuôi”.
Bà Vân cho rằng vứt con xong, bà núp ở bụi cây, chờ xem có ai nhặt được hay không. Nhưng đợi một lát lâu không thấy người, bà Vân chạy về nhà lo cơm nước cho chồng và mấy người hái xoài về ăn. Chồng ăn xong tiếp tục đi hái xoài, bà Vân mới có cơ hội quay lại cho con bú rồi tiếp tục theo dõi.
“Mới đầu, tôi quyết tâm lắm nhưng nghe con khóc, lại thấy không có người nào đi qua đi lại nên tôi đâm ra lo sợ. Mang con về nhà thì bị chồng đánh chết mà để đây thì có thể con sẽ chết. Đợi mãi đến quá trưa, tôi ra về và chiều hôm đó ra kiểm tra thì đã có người nhặt được rồi”, bà Vân kể.
Sau đó, hay tin người hàng xóm nhặt được con, chính quyền xã điều tra biết được bà Vân là mẹ ruột nên vận động nhận lại con. Bà Vân nói: “Nghe tin có người nhặt được con, tôi vui lắm nhưng lại buồn... Con mình sinh ra lại không được bồng bế, chăm sóc. Tôi định im lặng nhưng khi chính quyền vào nhà làm việc, mọi chuyện bại lộ, tôi mới phải thừa nhận và xin nhận lại con”.
Về hoàn cảnh gia đình, bà Vân chia sẻ: “Hai vợ chồng tay trắng, từ miền Tây lên vùng ven chiến khu D lập nghiệp, không một miếng đất cắm dùi nên đành thuê đất trồng xoài. Năm nào được mùa thì có ăn, năm nào mất mùa thì nai lưng ra làm thuê mà trả nợ. Căn nhà đang ở cũng là mượn của người ta. Thuận hòa thì ở còn xích mích là họ đuổi đi ngay. Bởi khổ quá nên chồng tôi mới sinh ra tật đánh vợ, mắng con. Mấy đứa con, bị bỏ lăn lóc, chúng được trời nuôi nấng nên tự lớn, tự ăn, tự chơi, ít bệnh tật lắm”.
Hỏi tại sao không dùng biện pháp tránh thai, bà Vân bảo do ít học, thiếu hiểu biết. Còn ông Sang thừa nhận: “Sinh nhiều, nuôi không thấu, lúc khổ quá, tôi có mắng vợ như thế nhưng mà con mình sinh ra, không nuôi sao được. Khổ lắm, thiếu người hái xoài, tôi phải dắt theo hai đứa con 8, 9 tuổi bắt nó làm việc. Xót lắm nhưng đành chịu”.
Người đàn ông nói tiếp: “Ngoài 7 đứa con, tôi còn phải nuôi cha mẹ già hơn 80 tuổi. Tôi đi làm quanh năm suốt tháng, hết việc nhà đến làm thuê kiếm tiền. Chưa bao giờ tôi được nghỉ trưa. Ăn cơm vào là đi ngay cho kịp công việc. Năm ngoái, làm nhiều quá, tôi xỉu ngay tại chỗ”.
Ông Sang nói: “Nhiều lúc khổ quá nói như thế chứ không lẽ tôi đánh chết vợ mình. Nhưng mà bà ấy qua mặt, che giấu cái bầu, không nói cho tôi biết. Tôi thật sự là không biết vợ mình có thai. Cả xóm này đều không biết. Bây giờ mọi chuyện đã xong, chúng tôi sẽ nuôi con”.
Theo Pháp Luật Việt Nam