Nằm trong top đề cử cầu thủ xuất sắc nhất châu Á 2008 thế mà Thành “Kếu” vẫn tỉnh rụi: “Chắc không đến lượt mình đâu”. Vũ Như Thành là thế, vẫn bền bỉ hiện thực hóa giấc mơ vô địch Đông Nam Á nhưng anh không mơ mộng hão huyền kiểu như một bước lên thiên đàng.
Cái gì với Thành cũng rất rõ ràng. Có điều là không phải sự nghiệp hay xung quanh cuộc sống của anh không có những lời đồn thổi, bắt đầu từ cái án treo giò oan nghiệt trước SEA Games 2003...
Nụ cười buồn sau tháng ngày khổ tâm
Một ngày cuối năm 2006, tình cờ gặp Thành nơi đóng quân của Bình Dương, cạnh phòng của “bố” Lê Thụy Hải. Còn một tuần nữa Thành mới được xóa án treo giò của VFF. Xin phép HLV Lê Thụy Hải làm một cuộc phỏng vấn Như Thành, ông gật đầu đồng ý nhưng vẫn dặn đi dặn lại: “Nó ít nói lắm và chỉ thích nói về chuyên môn thôi. Đừng nhắc nhiều đến chuyện cũ nữa làm nó buồn, tội nghiệp!”.
Vũ Như Thành tuổi 22 nằm thất vọng khi bị trảm trước SEA Games 22. Ảnh: Pháp luật TP HCM. |
Như Thành nằm vắt chân có cái băng gối trắng toát trên giường đọc báo. Trên bàn còn có cuốn sách nhỏ "Văn Quyến - Ngôi sao lầm lạc". Như Thành ngồi nhổm dậy, bắt đầu một cuộc trao đổi rất lễ phép, ngắn gọn, nhỏ nhẹ về chấn thương của anh sắp bình phục và một giấc mơ sân cỏ sau gần ba năm vắng bóng.
Khẽ chạm vào nỗi đau đầu đời hồi tập huấn chuẩn bị SEA Games 23, Như Thành giấu đi đôi mắt buồn rồi bất chợt thở hắt ra với một nụ cười thật buồn: “Thôi đừng nhắc lại nữa, anh ạ”.
Cho đến tận bây giờ, cái nghi án Như Thành bán linh hồn cho quỷ dữ ở trận thua Perak tại JVC Cup 2003 chưa ai nói có sức thuyết phục và chưa ai vén ra nổi bức màn bí mật ấy. Ngay cả VFF khi làm án treo giò Như Thành năm năm (sau giảm còn 2,5 năm) căn cứ vào phong độ của anh lúc ấy chứ không phải là những luận chứng tâm phục khẩu phục. Thành chỉ mở miệng thề độc với bố: “Con là một người lính, con không làm gì bậy nên không có gì xấu hổ với lương tâm”.
Chính bởi cái bản tính ít nói và cam chịu ấy của Như Thành khiến cho dư luận càng có cớ đoán già đoán non. Hồi ấy, người ta còn đồn thổi Như Thành có mâu thuẫn với Quốc Vượng chỉ vì một cô bạn gái nên bị chơi xấu, cả chuyện Như Thành vượt rào ở Nhổn về Hà Nội nhuộm tóc vàng và chơi bời thâu đêm nên tập không nổi. Mãi sau này, khi có ai hỏi, Thành gan góc cũng chỉ nở một nụ cười thật buồn.
Những câu chuyện về Như Thành khi ấy cứ thực thực hư hư như sự phập phù của đội tuyển dưới thời Riedl. Chỉ có một khoảnh khắc có thật mà chắc cả đời anh không thể quên nổi. Trước một buổi tập, ông Riedl tập hợp các học trò lại rồi tuyên bố đuổi Thành ra khỏi đội tuyển. Anh suýt bật khóc ngay trên sân vì tức tưởi nhưng vẫn cố gượng tiến về phía Riedl muốn bắt tay thầy lần cuối. Ông Riedl lạnh lùng quay lưng: “Tôi không có một đứa học trò như cậu”. Như Thành lủi thủi cúi đầu vác ba lô rời Nhổn với một cái án treo lơ lửng trên đầu và trở thành bia miệng khoái trá của người đời.
Những ngày sau sự cố bị thầy Riedl đuổi ngay trên sân tập, anh như rơi xuống địa ngục và sống khép mình trong nỗi dày vò đầy ám ảnh. Nỗi đau và nước mắt đã cướp đi niềm kiêu hãnh của một tài năng mới nở, không có cả một nụ cười héo hắt trên môi.
Một Như Thành nóng và lạnh
Lứa đàn em ở hàng phòng ngự của thế hệ vàng mãi đến bây giờ mới có một Như Thành vừa tỉnh, vừa chắc, vừa khôn. Anh chơi bóng có dáng dấp mạnh mẽ của Hữu Thắng, sự tỉnh táo của Mạnh Cường và khôn ngoan lẫn ít mất sức như Đỗ Khải.
Tuổi 27 là tuổi độ chín của tài năng nhưng ở Thành an toàn, điềm đạm và chín chắn, ít khi thấy sự phô diễn, kiểu như tung người móc bóng giải vây để khán giả phải vỗ tay trầm trồ.
Anh luôn có mặt ở mọi điểm nóng trên phần sân nhà, giỏi cả trong bọc lót cho đồng đội lẫn truy cản một chọi một. Với phong độ ổn định ở Bình Dương vô địch liên tiếp hai mùa V-League, trung vệ Như Thành nghiễm nhiên có một suất trên đội tuyển quốc gia.
Thành “kếu” sau 2,5 năm kiên trì đã trở lại một cách thuyết phục và góp công lớn vào chiếc cúp vàng lịch sử. Ảnh: Pháp luật TP HCM. |
Như Thành có gương mặt rất lạnh. Anh ít nói nhưng rất nóng tính và sẵn sàng va chạm nguội ngay trên sân để bênh vực đồng đội. Như ở trận khai mạc AFF Cup gặp Thái Lan, sau một tình huống Teerathep vờ lăn đùng ra ngã và Thonglao sấn sổ đến gây hấn, Như Thành nhảy xổ vào giữa trả miếng oan ức đến nỗi bị một chiếc thẻ vàng.
Ngoài đời, Thành “Kếu” từng trải và rất điềm tĩnh. Ngay cả khi nghe tin đồn Euro 2008 Thành “kếu” thua cá độ đến cả trăm nghìn đôla, anh cũng chỉ cười ruồi cho qua. Cái tin ấy còn bắt nguồn sau bản hợp đồng năm năm với Bình Dương, anh bỏ túi bốn tỷ đồng và khi nhẵn túi. Anh buộc phải gắn trọn sự nghiêp với CLB để lấy thêm tám tỷ đồng trả nợ. Đã nghe quá nhiều chuyện gán ghép như thế và sau cú sốc trước thềm SEA Games 2003, Như Thành càng không lên tiếng với một vẻ mặt thật lạnh lùng.
Và đúng là nếu không có sự lạnh lùng ấy thì làm gì có người chỉ huy hàng phòng ngự giúp đội tuyển Việt Nam chơi an toàn ở tuyến dưới để tuyến trên an tâm tìm bàn thắng.
Gương mặt lầm lì trên đỉnh vinh quang Trước Cup TP HCM, Như Thành chấn thương khi va chạm với bạn tập Thạch Bảo Khanh. Nghe bác sĩ nói phải nghỉ tập ít nhất hai tháng, Thành ứa nước mắt bởi năm 2003, anh đã vuột cơ hội với SEA Games, giờ lại lỡ hẹn với AFF Cup thì kể như mất hết. Không có Thành, HLV Calisto khốn khổ với những bài toán tìm người đá thay. Cup TP HCM thua tan nát, ông hiểu một phần vì thiếu Thành. T&T Cup đá với Thái bị dẫn trước hai lần, ông vẫn nhìn thấy chỗ thủng hàng thủ khi vắng Thành. Mãi đến ngày 26/11/2008 đá trận lượt về giao hữu với Singapore, ông Calisto mới cho anh ra sân để lấy lại cảm giác thi đấu. Chỉ 90 phút làm quen, Thành bước vào AFF Cup và chơi đủ 630 phút. Có một điều thật lạ lùng là khi xung quanh các đồng đội sau một trận chơi tốt hay đùa với nhau và ríu rít mừng rỡ thì riêng Như Thành vẫn cứ lầm lầm lì lì. Rồi đến sau 90 phút đêm 28/12/2008 trên sân Mỹ Đình, cả nước ngập tràn trong lễ hội của chiến thắng, khi ai cũng chạy và hét như điên dại thì Thành vẫn lầm lì đúng nghĩa là một “chiến binh thầm lặng”. |
(Theo Pháp Luật TP HCM)