Nếu có ai đó không nói bất cứ điều gì về nỗi mất mát của người thân đi trên chuyến bay MH370 mất tích hôm 8/3/2014 thì đó có thể là ông V.P.R. Nathan. Vợ ông, bà Anne Daisy, là hành khách đi trên phi cơ mất tích khi đang trên hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh.
Ông Nathan, 58 tuổi, buộc phải giữ im lặng bởi ông là phó giám đốc bộ phận quản lý không lưu của Cơ quan Hàng không dân dụng Malaysia (DCA). Do tính chất công việc, ông Nathan không thể đổ thêm dầu vào cơn giận dữ của gia đình 239 hành khách cùng phi hành đoàn đang phải chịu đựng nỗi đau mất người thân.
Ông Nathan làm việc ở DCA đã 30 năm qua và được điều sang làm việc tại Trung Quốc từ năm 2013. Người vợ 56 tuổi của ông đang trên đường sang thăm chồng đã biến mất cùng MH370. Đó là chuyến thăm chồng lần thứ ba của bà.
Ông Nathan có hai con gái là Grace Subathirai, 27 tuổi, và Azelia Shalini, 22 tuổi. Ông luôn tránh xa những cuộc tụ họp các thành viên gia đình có người thân trên chuyến bay xấu số, mà thay vào đó âm thầm hỗ trợ "Voice 370", nhóm đại diện gia đình thân nhân vụ MH370.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí tháng trước tại thành phố Petaling Jaya, Malaysia, Grace, bóng gió cho biết bố cô có thể sẽ lần đầu tiên mở lòng sau khi thôi việc. Grace hoạt động tích cực cùng nhóm 370 nhưng chưa bao giờ tiết lộ bố mình làm việc cho DCA.
"Bố tôi đang phải chịu đựng trong câm lặng và cần phải nói ra", Grace nói. "Đó quả là quãng thời gian mệt mỏi và đau đớn của chúng tôi, nhất là khi bố tôi không thể bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ vì công việc của ông ấy", Malay Mail dẫn lời luật sư này tâm sự.
Grace chia sẻ ông Nathan động viên các con và giúp họ mạnh mẽ. Grace và em gái được chuẩn bị tinh thần để chấp nhận bất cứ điều gì mà đấng tối cao định sẵn nhưng họ muốn một sự kết thúc.
"Chúng tôi sẽ không chấp nhận máy bay mất tích và không thể được tìm thấy", Grace nói.
Năm ngoái, Grace đang tham gia khóa đào tạo luật sư ở Anh khi cô nhận được cuộc gọi liên quan tới MH370.
"Tôi tuyệt vọng. Tôi nói chuyện với mẹ hàng ngày và trước khi lên máy bay, bà còn gọi điện cho tôi", Grace nhớ lại.
Grace rất buồn khi chính phủ Malaysia hồi tháng một chính thức tuyên bố sự biến mất của chiếc máy bay mang số hiệu MH370 là một tai nạn, và hành khách cùng phi hành đoàn trên đó đều đã thiệt mạng, đúng 327 ngày sau khi phi cơ biến mất. Tuyên bố đó được xem là để dọn đường cho hãng Malaysia Airlines trả tiền bồi thường cho các gia đình, nhưng ngược lại, nó gợi lên sự giận dữ trong các thân nhân.
Ông Datuk Azharuddin Abdul Rahman, người đứng đầu DCA, cho hay nỗ lực tìm kiếm được thực hiện đến cùng, tất cả các dữ liệu cũng được xem xét lại nhưng vẫn không thể xác định được vị trí chiếc Boeing 777-200. Ông Azharuddin khẳng định cuộc săn tìm xác máy bay sẽ vẫn tiếp tục.
Grace cho rằng các gia đình nhận tiền bồi thường nhưng điều họ lo sợ là cuộc tìm kiếm có thể phải dừng lại vì lý do thời tiết.
"Cuộc tìm kiếm này phải tiếp tục, thậm chí sau khi họ đã hoàn thành khu vực rộng 60.000 km2. Nếu dừng lại thì đây sẽ là một bí ẩn hàng không, trong khi điều đó không thể xảy ra. Một tiền lệ sẽ được đặt ra và trong tương lai khi có bất kỳ vụ tai nạn hàng không nào, các trường hợp cũng sẽ bị đóng lại mà không có câu trả lời", Grace phân tích.
Grace hiểu sự phức tạp của cuộc tìm kiếm, nhất là khi đến giờ vẫn chưa tìm thấy mảnh vỡ nào. Vụ MH370 không giống thảm kịch máy bay của hãng hàng không Air France lao xuống Đại Tây Dương hôm 31/5/2009 mang theo toàn bộ 288 người, và phải mất hai năm mới tìm thấy mảnh vỡ phi cơ cùng các thi thể.
Gia đình Grace đang lên kế hoạch tổ chức ngày tưởng nhớ nạn nhân vào hôm 8/3 tại một khu mua sắm. Họ cũng đang in những chiếc áo phông có dòng chữ "tiếp tục tìm kiếm" để mặc trong ngày hôm đó.
"Chúng tôi muốn mọi người biết rằng hôm nay chúng tôi là những người phải chịu đựng nỗi đau nhưng ngày mai sẽ có thể là bất cứ ai. Chúng tôi không muốn họ phải trải qua hoàn cảnh tương tự", Grace tâm sự.
Bình Minh (theo MalayMailOnline)