Duy và Hường học cùng cấp III tại trường chuyên của tỉnh Ninh Bình. Nhà Hường ở trung tâm tỉnh, còn nhà Duy ở huyện cách trường gần 70 km. Để thuận lợi cho việc học Duy tá túc trong khu nội trú. Biết hoàn cảnh gia đình và cảm phục ý chí học tập của Duy nên Hường rất quan tâm đến Duy. Anh cũng có tình cảm với Hường nhưng do mặc cảm về hoàn cảnh nên không dám bày tỏ, chỉ giữ lại cho riêng mình.
Khi cả hai cùng đỗ đại học thì Hường mạnh dạn bày tỏ tình cảm khiến Duy không khỏi ngỡ ngàng trong hạnh phúc. Tình yêu của họ khiến bạn bè ngưỡng mộ vì cả hai đến với nhau chân thành, luôn động viên nhau học tập với mong muốn sau khi ra trường sẽ tổ chức đám cưới.
Ảnh minh họa. |
Khi đã tốt nghiệp với tấm bằng khá, họ cùng nhau về quê hương lập nghiệp và thực hiện lời hẹn ước. Hường muốn sau khi cưới Duy và cô sẽ về sống cùng với gia đình mình vì bố Hường mất sớm, nhà chỉ có hai mẹ con, cô muốn ở cùng để chăm sóc mẹ. Thêm nữa, cô và Duy cùng làm ở tỉnh nên ở với mẹ sẽ tiện cho việc đi làm. Ban đầu Duy cũng rất băn khoăn nhưng khi nghe Hường phân tích anh đã đồng ý với suy nghĩ “chỉ là ở tạm, sau này có cơ hội sẽ mua nhà riêng”.
Cuộc sống của họ trong mấy tháng đầu khá vui vẻ và thoải mái. Nhưng đúng như câu “xa thương, gần thường”, sống gần nhau khó tránh khỏi va chạm. Người già thường hay xét nét và khó tính, đôi khi Duy thấy mẹ vợ hay để ý mình, khiến anh luôn mang cảm giác của “kẻ sống nhờ”.
Mẹ Hường rất sạch sẽ và ngăn nắp, bà thường xuyên nhắc nhở anh những chuyện “nho nhỏ” như: không chịu mở cửa sổ cho thoáng, giày dép đi về phải để gọn lên giá, hút thuốc xong phải đổ gạt tàn ngay...
Lúc đầu Duy răm rắp nghe theo vì biết mẹ vợ lo lắng cho con gái sẽ phải vất vả dọn dẹp nếu chàng rể quá bừa bộn. Nhưng có lẽ do chỉ có mỗi cô con gái nên sự quan tâm của bà đôi lúc hơi thái quá. Không vừa mắt là bà nói luôn ngay cả khi nhà đang có khách làm Duy thấy ngượng và sau đó là khó chịu.
Con rể có làm gì cũng sợ mẹ vợ không hài lòng. Đôi khi anh còn bị ám ảnh bởi cảm giác mẹ vợ đang quan sát từng cử động của mình. Muốn nói “ngọt” với vợ cũng ngại, muốn đưa vợ đi chơi để tận hưởng thời kỳ vợ chồng son cũng khó. Duy chỉ còn biết cách tránh không giáp mặt với mẹ vợ.
Đi làm thì thôi chứ cứ về đến nhà là Hường lại phải làm cầu nối giữa mẹ và chồng. Trong các bữa ăn ít khi có tiếng chuyện trò, cô thường phải gợi chuyện này chuyện nọ để nói với cả chồng và mẹ. Có nói chuyện cũng phải giữ thăng bằng, không được quá thiên về phía chồng vì mẹ sẽ nói: “Con cần chồng chứ đâu cần mẹ, chồng con quan trọng hơn mẹ”. Cũng không được thiên về mẹ vì chồng sẽ kêu ca: “Em và mẹ nói chuyện cứ như không có anh, anh chẳng là gì trong mắt mẹ và em”. Cứ ăn cơm xong là cả mẹ và chồng cô bỏ bát đứng dậy vào phòng riêng để cô lủi thủi thu dọn một mình.
Hường như cái đèn cù xoay tít giữa hai người, chẳng thể dừng lại được. Cô hiểu tâm trạng của chồng khi phải sống trong sự “đói” tự do, thiếu thoải mái nhưng cô cũng thương mẹ đã vì mình mà vất vả, nhọc nhằn. Nếu cô ở riêng mẹ sẽ cô đơn, ai sẽ chăm lo cho mẹ khi trái gió trở trời. Cô muốn cải thiện mối quan hệ giữa mẹ và chồng để được sống hạnh phúc nhưng nào có ai nhiệt tình đáp lại. Mọi điều cô làm chỉ như muối bỏ biển chẳng thấm vào đâu.
Nhiều khi Hường thấy mệt mỏi vì một bên là tình, một bên là hiếu, bên nào cũng nặng, cô biết gánh làm sao?
“Trên thực tế, ngay cả khi gia đình bên vợ có thoải mái, tế nhị đến đâu thì chàng rể vẫn luôn mang trong mình tâm trạng của người “ở nhờ”. Họ luôn thấy thiếu tự tin, mất tự chủ thậm chí có người còn nói rằng mình không phải là một thằng “đàn ông”. Chính vì vậy, các cặp vợ chồng trong tình trạng “ở rể” nên ra sống riêng là tốt nhất. Dù có vất vả vì phải đi thuê nhà nhưng cuộc sống sẽ thoải mái hơn khi người đàn ông được làm chồng, làm cha, làm trụ cột trong gia đình theo đúng nghĩa. Để có thể hoà hợp mối quan hệ trong gia đình “khi chàng ở rể” thì mỗi người cần có sự thông cảm và sẻ chia với mỗi thành viên trong gia đình để có thể hiểu rõ về nhau hơn. Có như vậy cuộc sống gia đình mới trở nên hài hoà, con cái được phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già”, chị Hoàng Hà, chuyên gia tư vấn tâm lý công ty tư vấn An Việt Sơn (1900 58 58 56) chia sẻ.
Ngọc Khanh