Lần theo con đường mòn tìm xuống dưới khu bãi giữa sông Hồng, nhiều người sẽ bắt gặp nhân vật danh bất hư truyền dám "thách thức" cả Hà Bá để cứu người. Ông là Nguyễn Văn Thành (80 tuổi), sống cùng người “vợ nhặt” Nguyễn Thị Thủy suốt 47 năm, hai nhân vật trong câu chuyện tình già khiến bao người khâm phục thời gian gần dây.
Người dân sống ở bãi giữa sông Hồng từ lâu đã quen gọi ông với cái tên "người cướp miếng ăn của Hà Bá dưới chân cầu Long Biên”. Dù trời nắng hay mưa chỉ cần biết thông tin có người nhảy cầu tự tử, ông đều bất chấp mọi nguy hiểm lao xuống để cứu những mạng người đang trôi nổi trên sông.
Thoạt nhìn, không ai nghĩ ông Thành đã 80 tuổi, bởi vì nhìn ông giống như một vận động viên bơi lội chuyên nghiệp. Ông kể, từ khi xuống bãi nổi sông Hồng sinh sống, ông không nhớ nổi mình đã vớt được bao nhiêu xác chết.
Không chỉ có vậy, người đàn ông này còn nhiều lần cứu sống những thanh niên nghĩ quẩn lao mình xuống dòng sông dữ.
“Gọi là nghề chứ thực ra có lẽ đó là cái số của tôi rồi, tôi làm chỉ vì cái tâm. Theo như đạo đức người Việt thấy chết mà không cứu là có tội. Biết bao người lấy lại được mạng sống, hay những cái xác chết trôi được đưa lên bờ an táng, mỗi lần như thế tôi cảm thấy nhẹ lòng hơn”, ông Thành chia sẻ.
Hành nghề vớt xác bao nhiêu năm nay nhưng ông chưa lấy của ai một hào nào. Ông bảo, ông làm vậy là để làm phúc cho đời. Trong những lần vớt xác, chưa bao giờ ông cảm thấy sợ hãi bất kỳ điều gì dù cho tiếp xúc trực tiếp với hàng chục xác chết bằng hai bàn tay không.
Ông không có bất kỳ thiết bị bảo hộ, thậm chí là khẩu trang khi thực hiện công việc "rùng rợn” mà không phải ai cũng đủ dũng cảm để làm.
“Lần vớt xác người đầu tiên cũng là lần tôi không thể nào quên được, nạn nhân mà tôi vớt lên là một phụ nữ. Khi đưa nạn nhân vào bờ, lúc đó tôi rất sợ hãi và sốc nặng khi thấy toàn bộ cơ thể cô gái đang trong tình trạng phân hủy, bụng trương phình, mắt trợn ngược. Chưa bao giờ tôi tận mắt thấy cái xác chết thật kinh khủng đến như vậy", ông Thành kể lại.
Nhấp vội ngụm trà, ông kể, cuộc đời làm nghề vớt xác của mình, ông đã gặp biết bao trường hợp từ những cái xác chết còn "tươi" cho đến những cái xác đã phân hủy, bắt đầu thối rữa. Nhiều xác không rõ danh tính ông thường gọi cơ quan chức năng đến xử lý, cũng có một số trường hợp ông tự chôn cất cho họ.
Trong những lần cứu người từ "miệng Hà Bá" sông Hồng, cũng đã nhiều lần ông lực bất tòng tâm nhìn nạn nhân bị cuốn theo dòng nước lớn.
Những ám ảnh của mỗi lần vớt xác vẫn lưu giữ trong đầu ông như những ký ức khó phai về cuộc sống. Cũng chính vì làm cái nghề này mà bà Thủy, vợ ông Thành, không biết bao nhiêu lần mất ăn mất ngủ lo cho ông.
“Ông ấy già rồi, con cháu không có, tôi cũng chỉ còn ông ấy là người thân duy nhất. Mỗi lần ông ấy nhảy xuống sông cứu người tôi lo lắm, sợ có chuyện gì xảy ra không biết tôi phải sống sao. Nhiều lần muốn can ngăn ông ấy nhưng ông ấy cứ nói là làm phúc cho người ta nên tôi lại không cản nữa.
Suốt bao nhiêu năm làm nghề ấy, ông ấy chưa từng lấy của ai một đồng nào, thậm chí nhiều người đến nhà đưa tiền đến để cảm ơn nhưng nhất quyết ông ấy không nhận. Không những thế, ông ấy còn chôn cất một số nạn nhân vô danh không ai đến nhận”, bà Thủy tâm sự.
Giờ đây tuổi đã cao, sức khỏe có phần giảm sút, thế nhưng ông Thành vẫn chưa từ bỏ cái nghề “làm phúc” này, bởi theo ông, nó đã ngấm vào máu của mình.
Theo VTC News