Về huyện Chợ Mới (An Giang), đến cầu Trà Thôn hỏi nhà ông Tám Bé, vài người trong hàng quán chỉ tay: “Đó, thần đèn Tám Bé đang đổ hèm cho heo ăn”. Ông Tám cười sang sảng: “Đâu phải mình tui, ở hai xã Long Điền A, B này có đến trên 20 đội dời nhà mà người ta gọi là thần đèn!”. Hóa ra ở miệt vườn ĐBSCL đâu chỉ có mình thần đèn Nguyễn Cẩm Lũy (Hồng Ngự, Đồng Tháp) nổi danh thiên hạ!
Nghe tiếng điện thoại giục Tám Bé: “Alô, có phải đội dời nhà Tám Bé không?”. Cúp máy, Tám Bé chìa cho xem bản hợp đồng tay ghi rõ: khi nâng hoàn thành công trình, các nách đố nhà không được rạn nứt, nếu có vết nứt phải nhỏ hơn 1cm, trường hợp lớn hơn bên A không trả tiền công...
![]() |
Chùa Hộ Tông (Vàm Cống, Long Xuyên) nặng 200 tấn được nhóm thần đèn Tám Được nâng cao lên 1m trong 8 ngày. |
Hôm sau 14 nhân công cùng hàng tấn đồ nghề xuống ghe thẳng hướng Châu Đốc. Hợp đồng nâng căn nhà lầu ba lá ở đường Lê Lợi, thị xã Châu Đốc lên cao 1m, giá 35 triệu đồng, làm trong thời gian nửa tháng. Khi nâng căn nhà lên được 0,8m, thấy nhà chông chênh, cô chủ phát hoảng: “Sao, ông Tám làm được không? Đồ trong nhà còn nguyên đó nghe”. “Bà cứ yên tâm ngủ đi, sáng mai xong!”.
Đến khi toán thần đèn đều tay kích hai đường con đội, ngôi nhà từ từ được nâng lên rồi đưa về vị trí đã định. Bà chủ thở phào, cười nói: “Ông Tám hay thiệt!”.
Lần khác khách hàng ở Bình Dương nghe danh thần đèn Tám Bé đã “alô” mặc cả dời xưởng máy 23x40m và căn nhà liền vách nặng 400 tấn đi xa 30m. Hôm khởi công, cô con gái chủ nhà dẫn hai ông Tây xí xa xí xồ ngó nghía lắc đầu, trong khi đó hàng trăm công nhân cơ xưởng đến bàn ra: “Trời, làm được không ông, chủ nhà là trung tá công an đó nghe”. Sau công trình dời nhà xưởng, Tám Bé được giới thiệu thêm nhiều khách và mở rộng địa bàn làm ăn ở tận miền Đông.
Vừa bước chân vào nhà Tám Được, thì điện thoại lại reo: “Alô, đội dời nhà hả?”. Tám Được, Lê Văn Được, 48 tuổi, ở ấp Long Hòa 2, xã Long Điền A cũng vừa ký hợp đồng miệng với khách hàng dời căn nhà đúc chữ T, hai tầng lầu, nâng lên 1m cao hơn mặt lộ.
Khi đặt tiền cọc, mấy đứa con bà chủ bên Mỹ nghe tin đồn thần đèn làm phép thổi nhà đã điện hỏi: “Má kêu ông cố thần đèn nào vậy? Có giấy tờ hợp pháp công ty gì không?”. “ Đã gọi là thần mà còn hỏi giấy tờ”, bà chủ cúp máy. Sau 10 ngày đào cắt móng nâng nhà rồi đổ cột cuốn nền hoàn tất công việc, bà chủ hả hê chung cho Tám Được 50 triệu đồng.
Mấy đứa con về nước thấy nhà nguyên vẹn ở vị trí cao ráo, ngạc nhiên: “Trời, hồi nào giờ có thấy ai phù phép vậy đâu!”. Tám Được và 22 nhân công quẹt mồ hôi xin thêm 5 triệu đồng, nói thật: “Tại người ta gọi thần vậy thôi chứ tụi tui phải vã mồ hôi làm việc mới xong”.
Tiếng lành đồn xa, nhiều khách hàng lục tỉnh tìm đến xóm thần đèn Long Điền A, B để tìm đội dời nhà.
Đa số khách hàng biết thần đèn “Hai Lúa” không bằng cấp nên không đòi hỏi giấy tờ pháp lý, nhưng cũng có nơi địa phương làm gắt không thể khởi công công trình đồ sộ. Hôm thần đèn Bảy Liễm, Võ Văn Liễm, 58 tuổi cùng 40 nông dân xuống Giá Rai, Bạc Liêu nhận di dời công trình nhà thờ Tắc Sậy. Tưởng ngon ăn, nào ngờ thần đèn bị nhà chức trách hỏi giấy phép hành nghề.
![]() |
Thần đèn Bảy Liễm (chỉ tay) đang chỉ huy đội căn nhà ở TP Cần Thơ. |
Bảy Liễm chìa một xấp hình những công trình lớn nhỏ xương xẩu đã hoàn thành ra làm tin nhưng không ăn thua. Đường cùng Bảy Liễm phải dùng tới phép cò măng nhờ người giúp tiếng nói.
Hôm ông xách cặp táp đi chạy giấy tờ, vị chủ tịch tỉnh Bạc Liêu hay tin đã alô cho ngành xây dựng nói: “Thôi, người ta làm được thì để người ta làm”. Dù vậy hợp đồng xây dựng vẫn ràng buộc: khi thi công thần đèn phải đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, có áo mũ bảo hộ như qui định...
Ngày khởi công, mấy tay kỹ sư đến giám sát thấy 40 “ông thần” quần cụt, đẫm mồ hôi, trùng trục tối sáng đào đội, lắc đầu: “Hợp đồng có lệ chứ thần đèn Hai Lúa có áo mũ gì đâu”.
Sau 40 ngày khổ công kéo dời nhà thờ 12x40m, đi xa 100m, đội lên 0,5m đã thành công. Năm nay, chính quyền địa phương lại cho mời đội của Bảy Liễm về dời hai dãy tám phòng học cao tầng, lần này thì nhà chức trách không ai còn vặn vẹo giấy tờ hành nghề của thần đèn “Hai Lúa”.
Anh em Văn Điềm - Văn Nghĩa là những thần đèn từng làm công nay hùn vốn lập đội dời nhà riêng. Lựa cơm gắp mắm, nhóm tiểu thần đèn này dời từ nhà sàn, gỗ lên nhà tường 2-3 lá được khách hàng tín nhiệm. “Được bao nhiêu tiền đổ vào trang thiết bị đồ nghề, rồi nuôi bò lấy ngắn nuôi dài lo cho nghề thời cạnh tranh”, Văn Điềm cho biết.
Do cạnh tranh mà giá dời nhà đã giảm khoảng 50% so với bốn năm năm trước, thậm chí nhiều thần đèn hám lợi đã giành mối hạ giá hại nhau, như vừa qua Tám Bé đến Nhơn Mỹ, Chợ Mới nhận lãnh dời căn nhà tường 7x12m, đội cao 1,5m, chủ nhà chịu giá 28 triệu đồng.
Chưa kịp làm thì thần đèn khác cũng ở Long Điền A xuống hạ giá còn 18 triệu đồng. Chưa hết, có lần nhóm thần đèn Tám Bé - Tám Được đi Cần Thơ nhận dời bốn căn nhà tường mỗi căn vài chục triệu, tưởng đi xa không ai hay biết, nào ngờ trong đội có một thần đèn Lý Thông điện về cho đội dời nhà khác bắt mối ăn tiền cò 15%/căn.
Để tránh cạnh tranh, nhiều thần đèn có danh tiếng đã tạo cho mình một lãnh địa riêng. Như thần đèn Năm Dời chuyên dời nhà tận miệt Mỹ Tho, Bến Tre; Tám Bé - Tám Được “làm phép” ở An Giang, Bình Dương; thần đèn Bảy Liễm một cõi Bạc Liêu, Kiên Giang...
Riêng thần đèn Văn Nghĩa (ở Long Điền A) còn mong muốn Nhà nước xem xét tạo điều kiện mở thị trường cho thần đèn Chợ Mới được đi Thái Lan, Campuchia để dời nhà, vì theo Văn Nghĩa ở ĐBSCL “tụi tui làm giáp trấu rồi”. Mấy thần đèn ngồi nghe đắc ý cười ha hả!...
Ông Dương Văn Ba, phó Phòng Xây dựng và phát triển nông thôn huyện Chợ Mới, cho Tuổi Trẻ biết 10 năm qua trong huyện có trên 23 đội dời nhà, với trên 200 lao động, tham gia di dời hàng trăm căn nhà mỗi năm. Còn ông Nguyễn Văn Chứ, bí thư Đảng ủy xã Long Điền A, thừa nhận các đội dời nhà chưa được tổ chức vào các hội ngành nghề, chưa có qui định bảo hộ lao động. Sắp tới xã đề nghị ngành chức năng tạo điều kiện cho các đội dời nhà tham gia bảo hiểm, được tham gia hội ngành nghề và giới thiệu quảng bá cho khách hàng gần xa.
Chuyện mưu sinh của các thần đèn cũng lắm đắng cay. Ghé thăm thần đèn Phạm Văn Vạn, ở ấp Long Hòa 2 mới biết: Tai họa xảy ra vào đúng ngày giỗ tổ 13/6/1997, khi toàn bộ căn nhà gỗ đã xề móng, con lăn xiêu vẹo vậy mà 13 nhân công trong đội dời nhà của Lý A không ai hay biết, không ai kiểm tra, cứ ghì kéo và... sập. Lúc đó tui đang ở dưới sàn móng nhà nhảy ra không kịp, bị mố đà chấn ngang lưng, gãy xương sống, hai chân bại liệt đến nay.
Chia tay thần đèn liệt chân, đến cuối ấp Long Hòa 2 hóng chuyện rủi ro tử nạn. Nhiều người trong cuộc cho biết cứ 5-7 tháng trong xã lại có một thần đèn bị tổ trác. Mới đây thần đèn Thanh Phong,19 tuổi, làm công cho đội dời nhà của ông Năm, chết không kịp trăng trối. Người con trai thứ năm tên Cường của ông Năm nói: “Chuyện rủi ro đâu ai muốn! Tới đây tụi tui sẽ củng cố để làm tiếp...”.
Cũng trong tháng 7, tại Tam Nông, Đồng Tháp, nhóm dời nhà của ông Tư ở Long Điền A làm giàn trụ đỡ bồn nước nhà tắm bằng tre mục, khi nâng bồn nước lên cao, giàn trụ bị gãy sập đè chết một thần đèn 21 tuổi.