Bác sĩ chữa vô sinh đang kiếm ra tiền ở Ấn Độ. |
Người mẹ Ấn mang thai hộ sẽ được trả tiền cho "cuộc vượt cạn" nói trên. Dave không tiết lộ cô sẽ nhận được bao nhiêu, nhưng khẳng định đó là số tiền cô rất cần để nuôi sống gia đình đang túng bấn của mình. "Chồng tôi bị mất cả chân lẫn tay khi làm việc tại nhà máy", Dave nói, "Chúng tôi không thể xoay xở được bữa ăn hằng ngày, thế nên tôi đành cho thuê tử cung của mình".
Mang thai hộ là "mặt hàng xuất khẩu" mới nhất của Ấn Độ, nơi các dịch vụ "cho thuê dạ con" rẻ hơn rất nhiều so với ở phương Tây. Gautam Allahbadia, chuyên gia chữa vô sinh từng giúp một cặp vợ chồng người Singapore có con nhờ tử cung của phụ nữ Ấn Độ hồi năm ngoái, cho biết: "Ở Mỹ, một cặp vợ chồng vô sinh phải chi đến 50.000 USD. Nhưng tại Ấn Độ, họ chỉ cần từ 10.000 đến 12.000 USD".
Người phụ nữ Ấn Độ mang thai hộ được trả khoảng 3.000-6.000 USD - bằng cả một gia tài ở đất nước có thu nhập bình quân đầu người khoảng 500 USD mỗi năm này. Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ ước tính, mang thai hộ có thể trở thành ngành dịch vụ đem lại cho nước này 6 tỷ USD/năm.
Một số người coi sự bùng nổ dịch vụ mang thai hộ ở Ấn Độ là kết quả tự nhiên của quá trình tăng trưởng và tự do hóa kinh tế nhanh chóng trong 15 năm qua, một sự gặp nhau hoàn hảo giữa cung và cầu ở thị trường toàn cầu hóa. Những người chỉ trích thì gọi đó là "sự thương mại hóa quyền làm mẹ" và là hành động bóc lột người nghèo. Với người mang thai hộ, thường là những bà nội trợ có thu nhập trung bình thấp, tiền là động cơ chính. Còn đối với "thân chủ", vô sinh là lý do chủ yếu, hay thậm chí cũng có những phụ nữ học vấn cao không muốn việc mang thai ảnh hưởng đến sự nghiệp nên đi thuê dạ con.
Theo Reuters, không có số liệu chính thức về các trường hợp mang thai hộ nhưng người ta ước tính mỗi năm, khoảng 100-150 trẻ em ra đời từ các "dạ con cho thuê" ở Ấn Độ; số ca mang thai hộ không thành công có thể lớn hơn nhiều. Trong khi đó, theo Yashodhara Mhatre, chuyên gia tư vấn vô sinh thuộc Trung tâm Sinh sản Mumbai, mỗi năm trên thế giới có khoảng 500 đến 600 trẻ do các bà mẹ mang thai hộ sinh ra. Bệnh viện Hiranandani, nơi chuyên gia Allahbadia làm việc, đang xử lý 14 trường hợp mang thai hộ cho các cặp vợ chồng đến từ Anh, Mỹ, Singapore, Pháp, Bồ Đào Nha...
Ấn Độ không có luật chế tài dịch vụ mang thai hộ, chỉ có những hướng dẫn không mang tính ràng buộc do Hội đồng nghiên cứu y khoa đưa ra. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết họ đã đặt ra các tiêu chuẩn riêng, chẳng hạn như dịch vụ này chỉ dành cho những cặp vợ chồng không thể có con, và chỉ những phụ nữ trẻ, khỏe, có gia đình và con cái mới được phép mang thai hộ.
Ở Ấn Độ, trứng được sử dụng không phải là của người mang thai hộ mà là của người dự định làm mẹ hoặc một người hiến vô danh. Hai bên ký hợp đồng, cặp vợ chồng trả tiền dịch vụ và chăm sóc y tế cho "người mẹ hờ" và người mẹ này đồng ý từ bỏ quyền nuôi giữ đứa trẻ. Các bác sĩ cho phép cấy 5 phôi vào người mang thai hộ, trong khi nhiều nước chỉ cho phép cấy từ 1 đến 2 phôi.
Việc báo chí đưa tin rùm beng về một "bà ngoại" Ấn Độ 47 tuổi sinh đôi hộ cho đứa con gái quốc tịch Anh hồi năm 2004 ở thành phố Anand, bang Gujarat, đã khiến người Ấn lần đầu tiên biết về vấn đề mang thai hộ. Kể từ đó, Anand trở thành trung tâm của ngành dịch vụ này với khoảng 20 phụ nữ đăng ký làm "mẹ hờ" cho các vợ chồng nước ngoài. Hiện có nhiều lời kêu gọi ban hành luật để bảo vệ quyền lợi cho cả hai phía.
(Theo Thanh Niên)