Phạm Hiền
Không phải vô cớ mà nhạc Trịnh lại đi vào lòng người và chiếm một khoảng không gian rộng trong tâm hồn người nghe. Một buổi tối, bạn tôi có mời uống cafe tại một quán trong hẻm vắng, quán lạ và độc. Nét độc đáo nhất ở đây có lẽ là chỉ ba bốn người khách. Không phải hôm nay quán ế mà chỉ đơn giản lúc nào cũng ít khách. Bạn nói quán mở ra không phải để kinh doanh mà để tìm về quá khứ và yêu thương. Ánh nến được chèn vào ly có vài hạt cafe.
Bác Trịnh từng đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy "tuyệt vọng đẹp như những bông hoa bình minh rực sáng, đằm thắm, bình yên và êm dịu. Ta sống giữa mênh mông cuộc đời ngoài những thứ hư hảo thường nhật, ghen ghét, điêu ngoa, tị hiềm xảo trá, phía mặt sau của nó, ta còn lại những gì?"
Bạn tôi đột ngột hỏi hai chữ thân phận và số phận khác nhau như thế nào? Đột nhiên thốt lên hai chữ thân phận, sao não nề, nó là hình ảnh của những nỗi đau, nỗi khổ, những vất vưởng, những khuôn mặt méo mó, nhăn nheo hiểu theo nghĩa nào đó.
Còn số phận ư? Có thể xảy ra hai trường hợp, hoặc là hạnh phúc hoặc đau khổ? Dù sao ta cũng có quyền hy vọng. Nhạc Trịnh đã dùng thân phận chứ không phải là số phận.
Khi con người được sinh ra, đã nợ cuộc đời này. Vậy mà đôi lúc, chúng ta lại "xúc phạm" cuộc đời bằng những hành động hay ý nghĩ điên rồ. Còn những cụ già, những đứa trẻ co ro trong cái lạnh của hè phố, những cơn đau bệnh tật, họ có đi đến tận cùng của tuyệt vọng chưa?
Tôi biết họ đã sống dù chỉ là bụi gai, cỏ dại hoang tàn bên đường phố hay trong những bệnh viện. Họ sống và mang theo hy vọng dù là mong manh đi chăng nữa. Tôi tự hỏi: "chúng ta sẽ làm gì để nuôi dường tình yêu để nó có thể cứu thân phận trên cây thập giá đời?".