Phan Hồ Điệp
Một trong những điều mình theo đuổi trong quá trình nuôi dạy Nam là mong con vui vẻ. Có lẽ vì thế nên từ nhỏ đến giờ, Nam lúc nào cũng lạc quan, dễ dàng vượt qua những áp lực trong học hành và cuộc sống. Mình chia sẻ một số công việc mình đã kiên trì làm với Nam nhé:
- Tạo ra những trò chơi vui vẻ, ồn ào, ví dụ lập ra ban nhạc và biểu diễn: Nam thường thay đổi liên tục tên ban nhạc. Thành viên cũng thay đổi luôn luôn, toàn là các đồ chơi của Nam. Ban nhạc sẽ biểu diễn và tất nhiên, bố mẹ hoặc là người tham gia ban nhạc hoặc là khán giả. Các buổi biểu diễn đều bán vé và đều có “lợi nhuận” cả. Các nhạc cụ để biểu diễn là... bất cứ vật gì phát ra âm thanh.
- Lên kế hoạch cho những chuyến đi chơi: Tất cả đều do con tự làm, từ việc mua gì, mang gì, sẽ chơi những trò chơi gì thậm chí mời ai đi cùng. Nam cực kỳ hưng phấn với những hoạt động như thế này. Địa điểm đi chơi không cần quá xa, có khi chỉ là công viên gần nhà, miễn là có những trò chơi được tổ chức trong quá trình đi chơi đó.
- Có một khoảng thời gian cố định trong tuần cùng nói với bố mẹ về những điều vui vẻ. Nhà mình thường chọn tối thứ bảy, bố mẹ kể cho con nghe niềm vui mà mình có được và Nam cũng thế. Thậm chí có thể kể những câu chuyện hài... Thực ra cái này có thể làm hàng ngày nhưng nếu mình để thành một khoảng thời gian cố định thì con sẽ rất thích và có ý thức “tích lũy niềm vui”, nhận ra niềm vui từ những điều nhỏ bé xung quanh.
- Đi dạo và nói chuyện về những vật xung quanh: Mình luôn duy trì thói quen này, cứ khi Nam học xong hai mẹ con thong thả đi bộ khoảng 10 phút.
- Đọc truyện cho con và nghe con đọc truyện. Tự tạo ra những quyển sách thú vị.
- Tự lập thời khóa biểu và tự lên kế hoạch về việc học: Điều này giúp Nam có ý thức trong việc học mà bố mẹ không phải căng thẳng, thúc ép, nhắc nhở.
- Nói về niềm vui khi nỗ lực tìm cách giải quyết một vấn đề nào đó.
Và với bản thân mình, mình cũng có những “nguyên tắc” riêng:
- Tìm ra những điểm tích cực của con và của bản thân để động viên, để khích lệ.
- Luôn có thời gian hai mẹ con bên nhau. Thậm chí cùng con nghĩ ra những thứ để sáng tạo, thực hành. Mình nhớ hồi Nam 5 tuổi, hai mẹ con mua muối về pha nước rồi đổ lên sân thượng. Sáng hôm sau, Nam viết lại những điều mình quan sát và lên mạng tìm hiểu công việc của diêm dân. Kiểu những ứng dụng khoa học như thế vừa giúp con yêu thích học tập lại vừa thấy vui. Dần dần khi con lớn, con sẽ tự tìm ra niềm vui trong học tập.
- Hiểu rằng, con mình không phải là cỗ máy. Con không thể đáp ứng mọi mong muốn của mẹ. Không bao giờ gắn mình vào với một định kiến nào đó. Không dán nhãn, quy chụp như “con kém ở việc này/môn này”, luôn nhớ: “chỉ có hàng hóa mới có nhãn, còn người thì không”.
- Hiểu con từ tuổi thơ của mình. Luôn nghĩ xem khi còn nhỏ mình mong mỏi gì ở bố mẹ. Và con mình cũng sẽ vậy thôi.
- Luôn nghĩ ra những trò chơi để hai mẹ con chơi được cùng nhau. Mình thường có những trò chơi “lợi” lắm. Ví dụ khi Nam mê truyện Harry Porter, mình rủ Nam chơi trò uống “chân dược” như trong truyện. Đó là trò chơi mà khi uống “chân dược” vào nếu có bí mật gì sẽ kể ra hết. Thế là Nam ngây thơ bị dẫn dụ vào trò chơi, mình biết hết “bí mật” để có kế hoạch “ứng phó”. Và tất nhiên, mình cũng phải nói những bí mật của mình cho Nam. Nam cũng hiểu mẹ hơn. Mọi việc được giải quyết nhẹ nhàng mà vui vẻ.
Còn một điều mà mình luôn thấy cực kỳ cần thiết, đó là vai trò của người bố trong việc đem lại niềm vui cho con. Bố có khả năng đặc biệt lắm. Các bạn cứ để ý xem nhé, nếu đi ở chỗ đông, em bé khóc mẹ dỗ thì bé chưa chắc nín nhưng bố lên tiếng vỗ về là em bé sẽ thấy yên ổn hơn.
Trong gia đình cũng thế, một ông bố vui vẻ, hài hước, biết chơi với con sẽ làm cho đứa trẻ thêm yêu đời. Các ông bố thường có nhiều tuyệt chiêu. Mẹ chẳng nghĩ ra được đâu. Như làm trò chơi này, công kênh con này, kể chuyện hài này, cùng nhau xem thể thao hoặc cùng nhau chơi trò nhảy ngựa, cùng chạy bộ, đạp xe, cùng đi dạo, hát cho con, xoa lưng cho nó, thơm lên mái tóc mềm như tơ... Tất cả những điều đó, mẹ cũng có thể làm nhưng “cá” là con sẽ thích bố hơn. Và nữa, một ông bố ngồi xuống lắng nghe những câu chuyện vui buồn của trẻ sẽ khiến chúng thấy được an ủi lắm.
Giữ nụ cười cho con cũng là giữ niềm vui cho bản thân, cho gia đình phải không bạn?