Hiếu Hiền
Trong các loài bò sát máu lạnh, rắn được xem như là kẻ săn mồi nguy hiểm nhất. Nhìn sự uốn éo, bò trườn và chiếc lưỡi thò thụt cũng khiến chúng ta có cảm giác ớn lạnh. Ngoài ăn các động vật nhỏ, chúng không ngần ngại ăn thịt đồng loại của mình. Rắn là điển hình cho loài máu lạnh gây cảm giác sợ hãi và sởn gai óc cho con người. Tuy vậy, chúng cũng không đủ "độc", đủ "lạnh" và tàn nhẫn như con người. Vâng, chính chúng ta mới thật sự là loài máu lạnh.
Đó là khi những kẻ giết người không cảm xúc chỉ vì tiền để thỏa mãn cơn thèm thuốc nên không chần chừ xuống tay với đồng loại. Hoặc do nóng giận, do ít học, do nhiều yếu tố khách quan khiến họ sanh dã tâm, với vài trường hợp, chúng ta có thể thông cảm cho hoàn cảnh của họ. Tuy nhiên, với những người đạo mạo, có ăn học đàng hoàng, là người "cầm cân nảy mực" hay một nhà lãnh đạo thì thật đáng hổ thẹn nếu dòng máu nóng đã trở nên lạnh băng.
Những ca chẩn đoán sai lầm, mổ xẻ bừa bãi dẫn đến tử vong cho bệnh nhân nhưng sau đó chỉ với lời xin lỗi qua quýt, hay sự lấp liếm biện hộ, đùn đẩy trách nhiệm khiến người dân ngày càng mất lòng tin với các vị y bác sĩ. Ngày nay, nhiều bác sĩ và y tá chỉ ưu ái cho người có tiền. Làm cái gì hay chỉ dẫn cái gì cũng phải có phong bì thì bạn sẽ được đối xử như con ruột, còn không tiền thì bạn chỉ là "con ghẻ" trong mắt họ mà thôi.
Lương y ngày càng khan hiếm thì đừng trông mong kiếm tìm một vị "Bao Công". Tôi có người chị dở dang một lần trong hôn nhân, bước thêm bước nữa thì gặp phải chàng "đào mỏ". Chị bị phụ rẫy nhưng vẫn cố gắng bươn chải một mình nuôi con trong khi kẻ bạc tình bỏ đi biền biệt. Chị tôi đành làm đơn ly dị xử mất tích. Một người phụ nữ truân chuyên như thế vậy mà còn bị làm khó làm dễ. Tôi còn nhớ chị kể lại một mình lên tận Đồng Nai để làm mọi thủ tục ly dị. Vị chánh án đã yêu cầu nộp hồ sơ tại nhà và đóng một khoản lệ phí là hai triệu. Chị tôi lấy làm thắc mắc sao lại phải đến nhà riêng và chị cũng hỏi cho rõ là có hóa đơn chứng từ gì không thì vị thẩm phán quát nạt và bảo chị tôi về đi.
Sau đó là chuỗi ngày nhọc nhằn với một mớ thủ tục mà họ yêu cầu. Họ cứ bắt chị tôi phải chạy ngược chạy xuôi chầu chực, trong khi lại không hướng dẫn cụ thể những giấy tờ thủ tục ngay từ đầu. Gần mấy tháng trời, cuối cùng họ bảo mọi thứ hoàn tất. Chị tôi mừng gần như ứa nước mắt, để rồi sau đó chị thật sự rơi lệ khi thư ký của tòa án nói rằng: "Chưa xong chị ơi, chắc còn phải lên nhiều lần nữa. Mà chánh án có nói, thấy chị đi xa vất vả, muốn làm một lần cho xong. Nhưng sau chị không khéo, không ân nghĩa gì. Ít ra cũng nên có cái bao thư chứ". Thật lộ liễu quá đỗi, tàn nhẫn quá đỗi khi họ lại làm tiền trắng trợn như vậy.
Có thể nhiều bạn sẽ nói sao không tố cáo, không viết báo đài. Nhưng nói thật có mấy vụ sẽ được giải quyết? Mọi thứ rồi cũng được bưng bít, chỉ cần có cái bao thư. Tôi còn nhớ ngày xưa ở Singapore, một người bạn dặn tôi: "Nếu đi taxi đừng có nói mình là người Việt Nam nhé!". Tôi không hiểu vì sao lại như vậy thì bạn tôi liền minh chứng liền. Ngồi trên taxi, người tài xế hỏi chúng tôi đến từ đâu, tôi vẫn nói tôi là người Việt Nam, lập tức ông ta tỏ thái độ khinh khỉnh. Ông ấy bảo tôi biết khu đèn đỏ Gaylang không, nơi mà nhiều gái Việt đứng đường. Ông ta bảo nhiều vụ móc túi, cướp giật cũng do người Việt gây nên... Tôi nghe lùng bùng lỗ tai nhưng luôn nghĩ đất nước nào cũng có tệ nạn và tin rằng Việt Nam sẽ thoát khỏi những vấn nạn đó sớm thôi.
Thiết nghĩ không riêng gì tôi, mà rất nhiều bạn sinh viên, học sinh, những công dân Việt đều rất yêu nước và đặt niềm tin rất nhiều vào các vị lãnh đạo. Nhưng có lẽ niềm tin này ngày một yếu đi khi báo chí liên tiếp đưa tin về những thua lỗ, những vụ nứt đập, sập tháp truyền hình nhưng trách nhiệm không biết quy về ai. Hứa hẹn chung chung, xử lý vòng vèo, nghị định bộ luật sửa đổi xoành xoạch nhưng giải pháp thì bế tắc, bỏ ngõ.
Lại nói việc hàng kém chất lượng không rõ xuất xứ tràn lan từ ngoài chợ vô tận siêu thị. Người dân không biết phân biệt đâu là hàng nội, đâu là hàng ngoại khi mọi thứ nhập nhằng, lẫn lộn. Do đâu mà ra? Chẳng phải do khâu quản lý thả nổi lỏng lẻo mà ra để những cái phong bì làm nhòe mắt rồi người dân cứ thế mà chịu khổ.
Nhớ lúc nhỏ, mỗi lần có lỗi cô giáo hay phạt đám học sinh chúng tôi về làm bản tự kiểm. Y như rằng đứa nào cũng một câu: "Em xin hứa, em xin rút kinh nghiệm". Bây giờ bản tự kiểm đó vẫn được các cấp lãnh đạo sử dụng thường xuyên: Tôi xin nhận khuyết điểm, tôi xin hứa" rồi mọi thứ vẫn như cũ. Trong khi đối với nước ngoài nếu làm ăn tắc trách thì họ sẽ tự động xin từ chức hoặc luật pháp thẳng tay trừng trị chứ không phải chỉ bằng một câu "rút kinh nghiệm" nhàm chám như vậy.
Thêm vào đó, mỗi lần giá gas, điện, nước tăng thì tăng ngất ngưởng không kiểm soát. Khi mọi người lên tiếng, báo đài phàn nàn thì giá được giảm nhỏ giọt theo kiểu "ban ơn, bố thí". Cứ hai ba hôm thì ra một nghị định mới, hai ba hôm lại sửa lại luật lệ này... khiến người dân không biết nên dựa vào điều khoản nghị định nào.
Chúng ta luôn có hoài bão, có hy vọng và niềm tin nhưng không thể chỉ sống bằng niềm tin mà đôi khi niềm tin cũng cần phải đặt đúng chỗ. Một khi niềm tin của chúng ta toàn được nuôi dưỡng bằng những thứ "bánh vẽ" phù phiếm, một khi lời hứa vẫn mãi là lời hứa thì đừng hỏi vì sao người dân dần dần quay lưng, ngoảnh mặt.
Vài nét về blogger:
Bài đã đăng: Vì đó là bản năng; Cạn; Nếu bếp lửa không còn hơi ấm; Lưới tình; Tiền và một sinh mạng; Chúng ta không bao giờ cô đơn; Bạn, tôi và những thứ hơn lòng tự ái; Đi qua thời gian; Tôi có tội, Mùa đông không lạnh,Tung hứng những quả bóng, Khoảnh khắc ta nhận ra, Đừng sống mãi trong hối tiếc, Đi cùng mẹ một chặng đường, Cái tát,Đếm, Sinh nhật hồng,Rơi tự do,Con rối, Cái miệng,Người tốt,Hãy để mọi thứ lên bàn cân,Chết thử, Tình yêu của người đồng tính.