Nhắc đến đồ ăn, thức uống Nhật Bản thì không thể nào bỏ qua rượu sake trứ danh. Thứ đồ uống cay nồng đặc trưng này thích hợp khi ăn kèm đồ sống như sushi, sashimi... Sake có hàng trăm thương hiệu mà nếu không biết, khi lựa chọn bạn sẽ bối rối. Vì thế, vài tiêu chí sau đây sẽ giúp bạn dễ dàng chọn được loại ưng ý hơn.
Rượu sake ở khu vực Tohoku thuộc tỉnh Fukushima thường được đánh giá khá cao trong các cuộc thi về rượu sake tổ chức thường niên tại Nhật Bản. Tính đến năm 2018, các cơ sở sản xuất rượu ở đây đã mang về 69 trong tổng số 232 huy chương vàng, cạnh tranh với 37 tỉnh thành khác trên toàn quốc. Theo nhà báo Melinda Joe, giám khảo đồng thời là thành viên hội đồng tại cuộc thi rượu quốc tế thì rượu sake tại Tohoku mang nét đặc trưng riêng, nhẹ nhàng, sạch sẽ và thanh lịch. Bên cạnh đó, nó còn chứa chút gì đó rất quyến rũ, khó cưỡng.
Lý giải cho điều này, các chuyên gia cho rằng nhiệt độ lạnh tại Tohoku ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và hương vị của rượu. Việc lên men, sản xuất và bảo quản rượu sake ở nhiệt độ thấp khiến nó có hương vị nhẹ nhàng và tinh tế hơn so với những nơi khác. Kenichi Ohashi, một chuyên gia hàng đầu thế giới về rượu sake, cho rằng một trong những điều khiến rượu sake ở Tohoku được chú ý nằm ở hương thơm.
Ohashi cũng đánh giá cao rượu của Hachinohe Shuzo ở vùng Aomori, loại từng đoạt giải nhất tại cuộc thi rượu quốc tế năm 2016. Hương vị cùng mùi thơm của nó lưu lại trong miệng người uống khá lâu, kết hợp với nhãn rượu thiết kế bắt mắt hình con tàu câu mực và cảnh đêm, thể hiện rõ đặc trưng của vùng biển Hachinohe, thích hợp để mua làm quà.
Bên cạnh đó, rượu Yamawa cũng được ông đặc biệt ưu ái bởi sự thanh khiết như nước - điều mà người Nhật phải bỏ rất nhiều tiền để nghiên cứu, kiếm tìm như họ từng làm với món cá nóc. Kết cấu của rượu sake Yamawa nguyên sơ đến nỗi khi thưởng thức, thực khách như đang nếm một loại nước chất lượng cao.
Cơ sở sản xuất rượu Daishichi thành lập năm 1752 tại Fukishima là một trong những điểm đến khá thú vị dành cho người yêu rượu sake. Nơi này vẫn tuân thủ phương pháp sản xuất kimoto. Đây là phương pháp ủ rượu truyền thống, được làm thủ công và tốn khá nhiều công sức. Sau này, khi công nghệ tiên tiến thì còn rất ít nơi áp dụng kiểu nấu rượu kimoto để tiết kiệm nhân lực. Sở dĩ, Daishichi vẫn giữ phương pháp này vì nó có thể cho ra một loại rượu đặc trưng, vị nồng hơn so với bình thường.
Ngoài ra, những cơ sở sản xuất rượu gia đình như Senkin Shuzo ở Iwate ra đời từ năm 1854 hay Ryusen Yaezakura với loại rượu sake chế biến từ nấm matsutake đặc trưng tại vùng Iwaizumi. Đi xa hơn về phía Bắc, du khách có thể thăm cơ sở Takashimizu ở Akita, nơi tạo ra loại rượu sake mà theo những người ở đây, nó có thể kết hợp với bất kỳ món ăn nào.
Tiến Quang