Caramel là một trong những thành phần quen thuộc đối với dân mê làm bánh, kẹo. Nó còn có tên gọi: nước đường thắng hoặc nước hàng, được làm từ đường và nước lọc. Tùy vào tỉ lệ nguyên liệu sẽ cho caramel dạng lỏng hoặc đông cứng (sau khi nguội). Ngoài sử dụng ăn kèm các món bánh ngọt, cà phê..., caramel đặc biệt được yêu thích khi dùng trang trí món tráng miệng. Và để thu được caramel dạng cứng, bạn đun chảy nửa cốc đường trắng với 1,5 muỗng canh nước lọc (tự điều chỉnh khối lượng nguyên liệu dựa vào nhu cầu thực tế) tới khi đường chuyển sang màu cánh gián, sau đó tạo hình yêu thích như các kiểu sau:
Sugar spirals (xoắn ốc)
Đây là kiểu trang trí thường được áp dụng với các món bánh ngọt. Bạn dùng muỗng sạch, khô múc caramel rồi cho chảy thành sợi dài quấn quanh thanh gỗ hoặc inox tròn. Xoay liên tục, đều tay và dứt khoát sẽ cho ra hình xoắn ốc chuẩn. Ngưng khi đạt độ dài mong muốn, đợi khoảng 30 giây cho nguội rồi nhẹ nhàng gỡ xoắn ốc ra.
Spun sugar (kéo sợi đường)
Bạn dùng một chiếc vá (muôi) có lỗ, nhúng vào nồi caramel lỏng sau đó múc lên, rưới trên máy đánh trứng đang bật ở tốc độ cao. Đường nhanh chóng bung thành những sợi tơ mảnh như bông. Chỉ vài giây sau chúng sẽ cứng lại, đem trang trí bánh.
Caramel cage (kiểu lồng úp)
Caramel cage có nhiều hình dạng dựa trên sự sáng tạo của người làm. Phết dầu lên mặt ngoài chiếc cốc sứ, muôi, chén... tùy vào kích thước lồng úp bạn muốn. Dùng muỗng lấy phần caramel rồi cho chảy sợi, di chuyển qua lại, đan chéo khắp mặt ngoài của cốc, chén, bát... Cắt bỏ phần caramel thừa trước khi nguội hẳn và đông cứng lại. Nhẹ nhàng lấy phần lồng úp ra và mang đi trang trí hoặc đựng kem, bánh...
Sugar lace decorations (tạo hình hoa văn)
Đối với kiểu tạo hình này, bạn có thể dùng bất kì thứ gì có hoa văn nổi như khuôn silicon, ly tách... Sau đó đổ lượng mỏng caramel còn nóng lên khuôn, lấp đầy mọi chỗ trống. Để khoảng 10 phút cho caramel nguội và đông cứng hoàn toàn mới lấy chúng ta khỏi khuôn. Dùng nguyên miếng hoặc bẻ thành nhiều phần tùy thích.
Diệp Tử