1. Cưới ít khách mời, đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19

Hội trường tiệc có các vách ngăn để cô dâu chú rể đãi tiệc và hạn chế tiếp xúc gần giữa các nhóm khách. Ảnh: Mer Wedding Photography
Chị Như Trang, đại diện công ty tổ chức cưới hỏi Hands & Heart Wedding cho biết năm nay, các lễ cưới có xu hướng đơn giản, gọn nhẹ, quy mô nhỏ hơn vì ảnh hưởng của dịch. "Ngày trước, quy mô một đám cưới trung bình sẽ khoảng 500-600 khách, các lễ cưới lớn hơn có khoảng 1.000 khách. Nhưng hiện tại, các hôn lễ chỉ có sự góp mặt của dưới 150 khách và quy mô còn có thể nhỏ hơn tùy thuộc thời điểm tổ chức, quy định của địa phương nơi tổ chức cưới", chị chia sẻ.
Chị Như Trang phân tích, khi số lượng khách giảm đi, quy mô nhỏ hơn, tiêu chí chọn lọc khách mời trở nên khắt khe hơn trước. Khách mời đa phần là những người thực sự thân thiết, quan trọng trong cuộc sống của cô dâu, chú rể. Đồng thời, với các quy định siết chặt số lượng khách mời cưới từ các địa phương, cô dâu chú rể còn đặt ra tiêu chí về sức khỏe tới khách, ưu tiên các khách đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 và không có bệnh nền. Do vậy, người già là đối tượng ít tham gia lễ cưới hơn. Các cặp cũng lựa chọn phương án gộp ngày ăn hỏi, đón dâu làm một để giảm bớt áp lực, phù hợp với tình hình mới.
Đồng thời, để tạo điều kiện cho các lễ cưới quy mô nhỏ, nhiều địa điểm tổ chức cưới đã xây dựng các module, vách ngăn hoặc chia thành các phòng nhỏ để cô dâu chú rể hạn chế các tiếp xúc gần với các nhóm khách.
2. Cưới online

Êkíp dùng thiết bị điện tử truyền tải hình ảnh cô dâu chú rể trao nhẫn cho nhau tới người nhà qua điểm cầu. Ảnh: Mer Wedding Photography
Khi gia đình cô dâu, chú rể ở các địa phương khác nhau, khó gặp mặt để tổ chức nghi lễ truyền thống, hình thức cưới online, kết nối các điểm cầu qua phần mềm trực tuyến được lựa chọn. Cả cô dâu, chú rể cùng êkíp đều chuẩn bị kỹ thiết bị, kịch bản và vẫn trang trí tại nhà. Tuy nhiên, các khâu trang trí, nghi lễ được giản lược hơn nhiều.
"Cưới online có ưu điểm nhanh, gọn, nghi lễ chỉ diễn ra trong khoảng 15-20 phút, tiết kiệm chi phí và cô dâu, chú rể không cần lo lắng nhiều. Nhưng nhược điểm là hạn chế sự giao lưu giữa hai nhà, cô dâu, chú rể khó cảm nhận hết tình cảm của bố mẹ hai bên, khó trải qua đầy đủ các nghi lễ truyền thống như đám cưới ngày xưa", chị Như Trang cho hay.
3. Cưới quy mô nhỏ kết hợp du lịch

Đám cưới như một chuyến du lịch của cô dâu, chú rể với hội bạn thân ở homestay cách thành phố không xa. Ảnh: Mer Wedding Photography
Khi tình hình dịch bớt căng thẳng, nhiều cặp chọn làm lễ cưới quy mô nhỏ với người thân, bạn bè ở địa điểm du lịch, homestay gần địa phương mình sinh sống. Với đám cưới quy mô nhỏ, cô dâu chú rể có thể cảm nhận được đây là đám cưới của mình, không bị chi phối bởi yếu tố khách mời, các sở thích, mong muốn của bản thân được thể hiện rõ hơn.
4. Chụp ảnh cưới trong studio

Ảnh: Aube Studio
Theo nhiếp ảnh gia Ju Link (Hà Nội) - đại diện Aube Studio, từ đầu năm, nhiều cặp chủ yếu chọn lựa chụp hình tại studio, phim trường thay vì bối cảnh đường phố, các điểm du lịch. "Tựu chung, chụp trong studio vẫn là xu thế của năm nay vì đảm bảo an toàn. Đồng thời, phương án này đáp ứng tiêu chí nhanh, gọn và bộ ảnh vẫn đẹp, sang trọng".
Và từ tháng 10 tới nay, khi tình hình dịch tạm thời được kiểm soát, một số cặp chọn chụp hình ngoài phố ở địa phương đang sinh sống. "Tại Hà Nội, concept chụp ảnh tại một số địa điểm quen thuộc như Nhà Hát Lớn, phố Tràng Tiền, Hồ Tây đang hot trở lại vì mọi người đã bị kìm kẹp trong nhà quá lâu. Nhưng chụp hình ngoài phố chỉ chiếm một phần nhỏ của bộ ảnh chứ chưa phải là địa điểm chụp hình chính cho các cặp như những năm trước đây", anh chia sẻ. Nhiếp ảnh gia cũng lưu ý dù chọn địa điểm nào để chụp hình, các cặp cũng cần đảm bảo yếu tố 5K để giữ an toàn.
5. Váy cưới đơn giản, gọn nhẹ

Trang phục: Hacchic Couture, ảnh: Huk Studio
Chị Nguyễn Trà Linh - đại diện thương hiệu váy cưới Hacchic Couture cho biết xu hướng váy cưới phổ biến của năm nay gồm: Váy cưới ngắn, váy cưới ruffles, váy cưới nhiều màu sắc (colorful), váy tay bồng. Các mẫu đầm này chủ yếu mang phom dáng đơn giản, gọn nhẹ để phù hợp với đám cưới thân mật.
Các cô dâu năm nay có xu hướng chi tiêu ít hơn cho trang phục ngày cưới so với trước, bởi tình hình dịch diễn ra trong thời gian dài và vì đám cưới ít khách mời hơn. Các váy cưới ở phân khúc 20-30 triệu đồng là lựa chọn phổ biến. Ngoài ra, các dòng sản phẩm may sẵn để đi bàn với giá 3-7 triệu đồng, theo các size phổ thông bao gồm váy cưới ngắn, jumpsuit, váy đơn giản cũng được lựa chọn nhiều. Bởi vì các sản phẩm này giúp cô dâu tiết kiệm ngân sách, có thể tái sử dụng sau ngày cưới.
Ngoài tổng kết về xu hướng, chị Trà Linh cũng đưa ra gợi ý lúc ký hợp đồng thuê, may váy với đơn vị cung cấp, cô dâu nên chú ý về thời hạn thực hiện hợp đồng, các điều khoản bảo lưu khi tình hình dịch phức tạp.
6. Thiệp cưới cá nhân hóa, bỏ trống ngày, giờ
Theo chị Ngân - co-founder của thiệp cưới Flowee, năm 2021, thiệp cưới mang đậm dấu ấn cá nhân của cô dâu, chú rể được ưa chuộng. "Vì Covid-19, đám cưới nhỏ trở nên phổ biến. Và các cặp có xu hướng đầu tư vào những thiệp cầu kỳ hơn, làm phong phú trải nghiệm của khách. Ngân sách vốn để phân bổ cho 500 khách giờ được rút gọn, dành cho 50 -100 khách thân thiết. Sự gia tăng của các chi tiết hoàn thiện bằng tay, tinh xảo khiến thiệp cưới trở thành vật kỷ niệm cho bạn bè thân thiết và gia đình, và là thứ mà họ có thể trân trọng trong nhiều năm tới", chị Ngân nói.

Thiệp cưới được bỏ trống ngày, giờ. Ảnh: Thiệp cưới Flowee cung cấp
Đồng thời, một điểm đáng lưu ý về thiệp cưới 2021 là nhiều cô dâu, chú rể chọn phương án an toàn, để trống ngày giờ mời cưới và chỉ điền khi đã có thời gian chắc chắn, tránh lãng phí hoặc phải in thiệp nhiều lần. Các cặp có thể lên thiết kế, in mẫu thử trước khi đem in hàng loạt.
Trong trường hợp khó tổ chức cưới trong mùa dịch, nhiều cặp chuyển sang phương án dùng thiệp báo hỷ để chia sẻ tin mừng về đám cưới tới những người thân thiết.
Hằng Trần