Bài viết nhận định, 2014 là năm có quá nhiều rắc rối gây ra bởi hành khách đi máy bay "nhưng các hãng hàng không còn tỏ ra bê bối hơn hành khách khi thể hiện sự yếu kém và thờ ơ. Tất nhiên một số việc không hoàn toàn xuất phát từ các hãng hàng, nhưng họ phải hứng chịu điều tiếng và khiến chúng ta lắc đầu ngán ngẩm khi nghĩ rằng những điều tương tự sẽ chẳng bao giờ xảy ra trên xe lửa".
Dưới đây là danh sách 10 scandal tai tiếng nhất ngành hàng không quốc tế năm 2014:
1. Rò ri nước thải vệ sinh trên chuyến bay của Virgin Australia
Chuyến bay mang số hiệu VA2 của Virgin Australia đang trên đường về Sydney phải quay lại điểm xuất phát là Los Angeles và hạ cánh khẩn cấp do “mùi xú uế khủng khiếp” trên khoang khách và những chất thải lênh láng khắp dãy ghế ngồi. Các hành khách khẳng định nhà vệ sinh bị tắc và nước tiểu, phân chảy trên hành lang khoang hành khách, nhưng Virgin Australia biện minh rằng chỉ có nước sạch từ vòi bị rò rỉ ra ngoài. “Mọi chất thải từ buồng toilet trên máy bay đều được làm khô và nếu có bất cứ vấn đề nào về việc rò rỉ, nó không thể là chất thải của người”, người phát ngôn của Virgin Australia cho biết.
2. Chuyến bay nôn ọe
Một chuyến bay của US Airways từ Israel với Philadelphia (Mỹ) phải hạ cánh khẩn cấp khi một đại dịch nôn ọe bùng nổ trong khoang hành khách. Một mùi kỳ lạ lan đi trên máy bay khiến hàng chục hành khách và nhân viên phi hành đoàn ói mửa. Điều tương tự cũng xảy ra trên chuyến bay vào những năm 1980.
3. Lời xin lỗi lấy lệ của United Airlines
Câu “Xin lỗi vì tôi xúc phạm anh/chị” thực tế chỉ là lời xin lỗi cho có. Nhưng hãng United Airlines còn đưa ra lời xin lỗi qua loa và tệ hơn tới một người sử dụng mạng xã hội Reddit có tên Lyndy sau khi người này gửi thư phàn nàn về dịch vụ của hãng. Bức thư xin lỗi có những câu như “Các bình luận của bà về tình huống đó sẽ được chúng tôi sử dụng để hướng dẫn và đào tạo nhân viên. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục được phục vụ bà”.
4. Hành động đáng xấu hổ của Malaysia Airlines
Không hãng hàng không nào trải qua một năm tồi tệ như Malaysia Airlines. Chuyến bay MH370 biến mất cùng 239 người trên máy bay hồi tháng 3/2014 cùng chuyến bay MH17 chở 298 người bị bắn rơi ở Ukraine. Và sau hai thảm họa đó, Malaysia Airlines đã gây hai scandal đáng xấu hổ. Thứ nhất là tổ chức cuộc thi đề nghị hành khách lên danh sách những nơi họ muốn đến trước khi chết. Thứ hai là gửi tin nhắn quảng cáo trên mạng xã hội Twitter rằng: “Bạn có muốn đến một nơi mà bạn không hề biết hay không?”.
5. Southwest Airlines không cho hành khách lên máy bay
Hãng hàng không Southwest Airlines của Mỹ bị chỉ trích dữ dội mùa hè vừa qua khi nhân viên của hãng ở Denver không cho một hành khách và các con của ông lên máy bay. Nguyên nhân bởi hành khách tên Duff Watson gửi tin nhắn trên mạng xã hội Twitter than phiền về hãng hàng không này. Và các nhân viên của Southwest Airlines ở cửa ra máy bay tại sân bay Denver đòi ông phải xóa tin nhắn trên thì mới cho lên máy bay. Sau đó Southwest Airlines đã phải xin lỗi ông Watson và tặng ông vé miễn phí nhưng uy tín của hãng đã bị ảnh hưởng đáng kể.
6. Delta Airlines làm mất chó
Hành khách Frank Ramano chỉ trích Hãng Delta Airlines (Mỹ) đã làm mất chú chó yêu quý của ông. Chú chó 6 tuổi tên Ty đã cắn nát lồng và biến mất. Ông Ramano chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng xã hội và rất nhiều người yêu chó đã bày tỏ sự cảm thông với ông và tỏ thái độ bức xúc với Delta Airlines.
7. Cụ bà mất tích
Một cụ bà 85 tuổi mua vé bay của Southwest Airlines từ Newark tới Denver (Mỹ) nhưng lỡ chuyến bay. Người nhà tưởng cụ đã mất tích. Trên thực tế một nhân viên sân bay ở Newark đã đẩy xe lăn đưa cụ tới cửa ra máy bay nhưng không nói với các nhân viên Southwest Airlines rằng cụ phải lên chuyến bay đó. Đây không phải là lỗi của Southwest Airlines nhưng các bản tin trên báo chí sau đó vẫn có tựa đề “Southwest Airlines mất dấu cụ bà”.
8. Phi công hãng hàng không Đức Lufthansa đình công
Hãng hàng không Đức bắt tay vào thực hiện một loạt các chính sách về phúc lợi hưu trí cho thay đổi quy định cho phép các phi công nghỉ hưu sớm. Việc làm này đã dẫn đến những vụ đình công diễn ra hồi tháng 8 gây thiệt hại ước tính lên tới 250 triệu USD cho hãng. Ngoài ra các cuộc đình công còn khiến hơn 1.350 chuyến bay bị hoãn, hơn 150.000 hành khách bị ảnh hưởng.
9. Con gái chủ hãng Korean Air hống hách
Hôm 5/12, trên chuyến bay từ New York về Incheon, Hàn Quốc, cô con gái của chủ tịch hãng hàng không Korean Airlines, Heather Cho, đã bực tức với một tiếp viên chỉ vì cô phục vụ hạt mắc ca đựng trong túi thay vì đổ ra đĩa. Cho đã triệu tập tiếp viên trưởng để hỏi xem liệu tiếp viên trên có tuân thủ hướng dẫn dịch vụ trên chuyến bay hay không. Khi anh này tỏ ra lúng túng, Cho đã ra lệnh cho phi công quay ngược máy bay trở lại cổng và đuổi người này xuống khỏi phi cơ. Chuyến bay sau đó đã hạ cánh xuống Incheon muộn 11 phút so với dự kiến. Vụ việc khiến công chúng khắp Hàn Quốc bức xúc khi nền kinh tế nước này bị chi phối bởi các tập đoàn gia đình quyền lực. Sự phẫn nộ càng tăng lên sau khi Korean Airlines, hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc, đưa ra lời xin lỗi mà dư luận cho là nửa vời.
10. Bộ ảnh khêu gợi của Vietjet Air
Ở Việt Nam, “việc VietJet Air chụp bộ ảnh người mẫu giả tiếp viên hàng không mặc đồ lót đã là bê bối lắm rồi. Chúng ta cứ tưởng trò này đã chấm dứt cùng hãng Pan Am. Nhưng điều tồi tệ hơn là khi bị dư luận chỉ trích dữ dội, VietJet Air biện minh đó chỉ là bộ ảnh chụp thử cho chiến dịch quảng cáo. Một cuộc diễn tập cởi đồ chăng? Một cô người mẫu lỡ tay tung ảnh lên Facebook thôi mà. Có lẽ sau nhiều năm bối rối với lịch cất cánh và hạ cánh của VietJet Air, chúng tôi đã trở nên thận trọng hơn”, tác giả gay gắt.
Trần Quỳnh (theo Fox News)