Người mẹ đang bối rối trước câu hỏi của con vì lúc ấy nhà có đông khách thì con bé nói tiếp “Con thấy các bạn nam đi tiểu đứng còn bạn nữ như con đi tiểu ngồi. Con còn thấy bạn Huy tiểu ra từ cái vòi chứ không phải như con”, vừa nói, con bé vừa nằng nặc đòi mẹ giải thích.
Bí thế, nhà lại đang có mấy người bạn của chồng đến chơi, chị Thủy nói nhanh “Đúng rồi con ạ, con gái với con trai khác nhau nên đi tiểu cũng khác nhau”. Vừa nghe mẹ nói đến đó, con bé vội tiếp “Vậy bố cũng có cái vòi như bạn Huy hả mẹ. sao con và mẹ không có vòi”. Dùng tay bụm miệng con, người mẹ trẻ trừng mắt bảo con ra sân chơi và hứa sẽ giải thích sau, song cô bé cứ nằng nặc đòi giải thích.
Chị Thủy cho biết, đây không phải là lần đầu bé Thảo (6 tuổi) hỏi những câu hỏi khó và lần nào con cũng khiến người mẹ trẻ bối rối vì bất ngờ trước thắc mắc của con trẻ.
Cùng bị con trẻ đưa vào tính huống “khó đỡ”, chị Hà nhà ở quận 11 (TP HCM) kể với các chuyên gia tâm lý. Một lần chị đang thay quần áo thì bé trai con chị chạy đến hỏi “mẹ ơi sao vú mẹ to thế mà vú của bố lại nhỏ. Có phải tại bố hôn nên vú mẹ to không”.
“Do lúc đó nhà có nhiều người nên tôi vừa ngượng vừa không biết phải nói sao cho con rõ nên cứ nói bừa do mẹ phải cho con bú sữa nên ngực mẹ phải to hơn bố. Tưởng đã thoát nhưng vừa nghe xong, cu cậu tiếp ‘thế bố người lớn cũng cần sữa hả mẹ’, lần này không còn cách nào khác, tôi đành quát thằng bé một câu và bảo nó đi hỏi bố”, chị Hà kể.
Cùng lâm vào cảnh nhiều lần không biết phải giải thích thế nào từ những câu hỏi về giới tính của con trẻ, anh Sơn nhà ở quận Phú Nhuận, cho các chuyên gia tâm lý biết anh thậm chí không dám để con xuất hiện khi gia đình có khách, bởi dù đã được cặn dặn “không hỏi linh tinh lúc nhà có khách” nhưng bé vẫn quên.
Minh chứng việc bị con làm khó, anh Sơn kể một lần trong bàn tiệc, bé Hậu bỗng quay sang cô bạn học của bố rồi hỏi “Cô ơi, ở nhà tối ngủ cô có không mặc đồ như mẹ của con không”. “Một lần khác đang đứng trong thang máy đông người, cu cậu quay sang tôi và hỏi ‘bố ơi thế ngày còn nhỏ bố cũng được sinh ra từ đít phải không bố. Nó vừa hỏi xong thì cả thang máy cười ầm còn tôi ngượng tía mặt”
Tư vấn về vấn đề này, hầu hết các chuyên gia tâm lý đều cho rằng, trước những câu hỏi của con, cha mẹ nên chọn cách trả lời chứ không nên tránh né bởi sự lập lờ, cố tình giải thích khác đi càng khiến trẻ thắc mắc thêm hoặc hiểu sai sự thật. Việc trả lời sự thật ở mức độ nào tùy theo độ tuổi và nhu cầu cần biết thông tin của trẻ. Riêng những tình huống trẻ đặt câu hỏi nhạy cảm ở chốn công cộng, thay vì quát mắng, bố mẹ nên hết sức bình tĩnh nói khẽ vào tai trẻ rằng “vấn đề này sẽ được trả lời sau”.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, cố vấn cao cấp Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt (TP HCM), cho rằng, những câu hỏi khó của trẻ là nhu cầu tất yếu của trẻ để tìm hiểu những gì diễn ra xung quanh. Với mọi câu hỏi, nhất là vấn đề giới tính, phụ huynh nên trả lời thẳng thắn vì điều này sẽ giúp trẻ có tránh những ngộ nhận về bản thân và tránh có những hành vi sai lệch về sau.
Cũng theo ông Sơn, ở một số quốc gia, việc giáo dục giới tính được gia đình và nhà trường dạy trẻ từ rất sớm, trong khi đó tại VN, phụ huynh vẫn thường hay ngại trả lời. Tất nhiên cũng theo thầy Sơn, muốn trả lời đúng và hợp lý những câu hỏi của trẻ, cha mẹ cần phải có vốn kiến thức nhất định và phải tìm hiểu được kiến thức mà con cần đòi hỏi mức độ nào.
Thiên Chương