Một “chấm” đã được chinh phục ở tọa độ 11 độ Bắc, 107 độ kinh Đông. |
Khi màn hình của những chiếc máy định vị hiện lên dãy số 0 đằng sau dấu chấm, tất cả như vỡ òa. Họ đã đến nơi giao nhau giữa kinh tuyến và vĩ tuyến...
Thú vị là không ai có thể biết trước điểm cần đến nằm chính xác ở chỗ nào và có thể đến được đó hay không, ngoại trừ những thông tin có được từ chiếc bản đồ và từ những bức không ảnh. Theo lời của “hailua”, người được anh em GPS phong là “trưởng bản” của GPS club, hầu hết những “chấm” (nơi giao nhau giữa kinh tuyến và vĩ tuyến chẵn) thường là những nơi có địa hình đồi núi hiểm trở. Chính điều này càng khiến cho khát khao chinh phục của những tay chơi GPS lên cao.
Chinh phục những con số 0
“Máy bộ đàm liên tục reo vang: Toán ở lại tình hình thế nào, có ai bị gì không, các bác đến đâu rồi, còn cách “chấm” bao xa? Cố gắng lên nhé! Các bạn có thiếu nước không?- Còn 350 m... 300 m... 150 m... 50 m... và Ơ-RÊ-Kaaaaaaaa”. Đó là phút giây hạnh phúc được ghi lại trong nhật ký hành trình khi chinh phục “thung lũng tử thần Ô Kha”.
“Chấm” 12N 109E (12 độ vĩ Bắc, 109 độ kinh Đông) được xác định nằm gần thung lũng Ô Kha, địa danh từng được biết đến bởi vụ rơi máy bay thảm khốc cách đây chừng 15 năm. Đoạn đường đèo hiểm trở của vùng đồi núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa ít nhiều cũng khiến những cư dân GPS “chờn chần”, nhưng cũng chính điều này làm cho sự khát khao chinh phục tăng lên. Trên bản đồ, có thể vạch ra đường đi thẳng tắp từ chỗ đang đứng đến cái “chấm”, cũng có thể dựa trên bản đồ, vạch ra con đường bằng phẳng nhất. Nhưng trong thực tế, những dự tính đó đều có thể không thực hiện được vì con đường bằng phẳng lại chui ngay vào một rừng gai rậm chi chít. Ở Ô Kha, nhóm không may vì xuất phát từ dưới một thung lũng, tầm nhìn bị hạn chế, không thể bao quát địa hình, hoàn toàn không biết bên kia quả đồi hay sườn núi trước mặt là cái gì...
Đường đi băng qua một đồi cỏ tranh bạt ngàn. Cảm giác đơn độc lẻ loi, lạc lõng giữa bốn bề hiểm nguy rình rập. Một thành viên sơ ý để lá cỏ tranh cứa vào tay, một vệt máu đỏ chảy dài. Lần mò rẽ cỏ mà đi, cắt rừng mà đến, dùng la bàn định hướng để vượt hết trảng cỏ sắc như dao ấy. Chưa kịp mừng thì phải đối mặt với sườn núi dốc ngược, lau sậy, cây bụi um tùm. Cố vượt lên chừng mười thước cả nhóm đã nghe mệt lả, đành dừng lại nghỉ chờ nhau, một số thành viên kiệt sức, đoàn người phải phân thành hai toán. Toán đầu đã tập hợp trên sườn núi, toán sau vẫn còn nghỉ bên suối. Lệnh trưởng đoàn qua bộ đàm yêu cầu toán sau xuất phát. Một lúc, toán sau liên tục hỏi hướng đi, dường như họ đã lạc đường. Hai toán chỉ dẫn qua lại các dấu hiệu định hướng, “lán xẻ gỗ”, “bên trái”, “vệt đường mòn mới tạo ra”, “cây cọc cắm làm mốc”, “hú lên đi”, “không nghe gì cả”...
Dường như tiếng hú của toán sau mỗi lúc một xa. Lạc đường! Tiếng “hailua” thét vào bộ đàm bảo nhóm sau: “Dừng lại, không đi nữa, chờ toán đầu quay lại tiếp ứng”. Mọi người nhìn nhau lo lắng. Tất cả đều kiệt sức... Nắng gay gắt, mặt đất hầm hập bốc hơi, nước còn quá ít, không ai dám uống. Gai mây móc vào áo rách toạc, chảy máu, trượt chân bên sườn dốc ngã uỵch, lại đứng lên đi tiếp, mọi người vẫn một quyết tâm “đến chấm”... và rồi tiếng tiếng “hailua” đếm ngược qua bộ đàm cho cả những người đang đi và cả nhóm người phải dừng lại... 150 m... 100 m... 90 m... 30 m...
Họ đã chinh phục chấm thung lũng tử thần Ô Kha như thế. Hơn 20/33 “chấm” trên đất nước hình chữ S đã được những người đam mê GPS chinh phục. Họ hạnh phúc vì được đặt chân đến mũi Cà Mau để thắp những nén nhang vào khoảnh khắc giao thừa và nhìn bốn bề Cà Mau từ một “chấm”. Họ vỡ òa khi tự mình nhận ra cực Đông của Việt Nam phải nằm ở Mũi Đôi - Hòn Gốm... Mỗi “chấm” là một câu chuyện, mỗi “chấm” là một niềm vui, niềm hạnh phúc. Không nơi nào giống nơi nào và cứ thế cuộc chơi kéo dài đầy thú vị.
Và những ước mơ đẹp
Trò chuyện với “hailua”, gã “đầu têu” của nhóm GPS Sài Gòn mới thấy xung quanh chuyện “chấm chấm” còn đầy những điều thú vị và những ước mơ đẹp. Cũng đã từng có những thành viên của nhóm thắc mắc: “Tại sao các bác GPS lại mê mẩn, miệt mài “chấm” đến thế”. Và rồi mỗi thành viên từ cậu bé 8 tuổi đến những người tuổi ngoài ngũ tuần đều hứng thú với khát khao chinh phục. Họ tìm thấy những điều thú vị khác nhau, từ những góc cảm nhận khác nhau và họ gắn kết với nhau bằng tinh thần đồng đội, bằng những sẻ chia đam mê.
Chỉ cần nhìn “hailua” nói về công nghệ GPS đã thấy cái đam mê cuồng nhiệt. Anh vẽ cho chúng tôi xem phương thức thu nhận tín hiệu từ vệ tinh của Global Positioning System (viết tắt là GPS). Đó là một hệ thống gồm 27 vệ tinh chuyển động trên các quỹ đạo chung quanh trái đất. Quân đội Mỹ phát triển hệ thống này với mục đích quân sự nhưng nay nó đã được mở rộng cho các mục đích dân sự.
Mỗi vệ tinh nặng khoảng 2 tấn, sử dụng năng lượng mặt trời, chuyển động cách mặt đất khoảng 19.300 km. Quỹ đạo của các vệ tinh được tính toán sao cho ở bất kỳ nơi nào trên trái đất, vào bất kỳ thời điểm nào, cũng có thể “nhìn thấy” tối thiểu 4 vệ tinh. Công việc của một máy thu GPS là xác định vị trí của 4 vệ tinh hay nhiều hơn nữa, tính toán khoảng cách từ các vệ tinh và sử dụng các thông tin đó để xác định vị trí của chính nó, cho ra các thông số cụ thể gồm vĩ độ, kinh độ và cao độ...
Một trong những cái thú của người chơi GPS là làm chủ công nghệ. Người chơi GPS trước hết phải có kiến thức về công nghệ thông tin, có kỹ năng đọc bản đồ, xem không ảnh... Trong điều kiện hạn chế về phương tiện như hiện nay, người chơi GPS còn phải tự làm lấy bản đồ bằng cách scan bản đồ giấy rồi dùng các phần mềm chuyên dụng như OZI để xác định và “số hóa” các tọa độ trên bản đồ giấy nhằm phục vụ cho việc đi “chấm”. Mọi người cùng chung tay làm và chia sẻ cho nhau nguồn bản đồ làm được không cần một điều kiện nào.
Sau mỗi lần đi “chấm” thành công, cái dư vị ấy còn lâng lâng nhiều ngày sau đó. Đôi khi trở về trong nỗi buồn vì chưa chinh phục được một điểm, những khát khao lại được thổi bùng trong họ. Và không chỉ là 33 “chấm” trên bản đồ Việt Nam, những thành viên đang ước mơ sẽ chinh phục những “chấm” ở những quốc gia khác. Họ muốn ghi lại những dấu ấn, nhưng không phải bằng những cột mốc, không phải bằng những những vết dao khắc vào thân cây rừng mà là những dấu ấn của sự vượt lên chính bản thân, dấu ấn vượt qua những gian nan trong những cuộc hành trình...
Hạt mầm được gieoMột thành viên mê “chấm” tại hiện trường.
Trong những hành trình chinh phục những “chấm”, cũng đã có những hạt mầm được gieo xuống với những ước mơ lãng mạn như những dòng nhật ký mà Ducko ghi lại: “Trong lúc mọi người mải mê ăn mừng quanh cái chấm, không ai thấy Ducko đang lụi hụi dùng cành cây đào một cái hốc men sườn núi. Hắn trút vào đấy gói hạt cây hoa “bò cạp nước” lấy giống từ vườn nhà. Đó là giống cây thân thụ, ở nhà hắn. Đầu mùa mưa cây nở hoa vàng rực, từng chùm rủ xuống, chuỗi nụ hoa buông dài như những giọt mưa hắt ánh nắng vàng quái chiều hôm. Nếu những hạt này may mắn nảy mầm, nếu chúng đủ sức chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, đủ sức cạnh tranh với đám cây dại chung quanh thì mười năm, hai mươi năm sau ... Hai mươi năm sau, hắn đang mơ, có dịp bay ngang thung lũng Ô Kha, nhìn xuống triền núi phía dưới có một chấm vàng tươi, hắn sẽ mỉm cười và nói với người ngồi cạnh: “Anh biết không, chúng ta vừa bay qua tọa độ 12 độ vĩ Bắc, 109 độ kinh Đông”, rồi mặc cho người kia tròn xoe mắt nhìn, hắn lại trầm ngâm: “Hai mươi năm trước, chúng tôi...”.
(Theo Người Lao Động)