Công Phượng đang trong những ngày tháng khó khăn nhất của sự nghiệp. Cầu thủ người Nghệ An được xem như thần đồng của bóng đá Việt Nam. Nhưng nếu không thể vượt giai đoạn hiện nay, có thể Phượng chỉ mãi dừng lại ở dạng tiềm năng. Trước mặt chân sút sinh năm 1995 có rất nhiều tấm gương thần đồng lụi tàn, hoặc chỉ dừng ở mức "mầm non" chứ không thể trở thành cầu thủ lớn.
Những Anh Tú, Nguyễn Đỏ hay Thái Sung chỉ thể hiện mình là số một qua các chương trình tìm kiếm tài năng. Nhưng họ cũng là tấm gương tốt cho Công Phượng - tiền đạo mới tỏa sáng trong vài giải giao hữu ở lứa trẻ. Không ai phủ nhận khả năng của chân sút Nghệ An nhưng anh cần sự tỉnh táo để vượt qua áp lực, thích nghi với môi trường mới.
Nguyễn Anh Tú từng vượt qua hơn 3.000 thí sinh cả nước tham dự chương trình “Hoàng tử bóng đá” để có suất qua Anh du học bóng đá năm 2010. Tại Anh, Tú có cơ hội tập ở CLB Liverpool và Sheffield United. Một loạt mỹ từ được khoác lên Tú lúc bấy giờ, xem anh như một thần đồng mới của bóng đá. Nhưng rồi, giấc mơ gãy đổ. Anh về Việt Nam, trở lại CLB Đồng Tháp nhưng không thể nào thể hiện được khả năng của mình.
Tú không còn là “người bình thường” trong mắt đồng đội, HLV và người hâm mộ nơi đây nữa. Họ xem anh như một thần đồng, một niềm hy vọng lớn. Áp lực đè nặng lên cầu thủ này và anh không thể vượt qua. Không khẳng định được mình ở đội U21 Đồng Tháp, anh được tạo điều kiện để tìm CLB mới. Tú đến đội hạng Nhì Vĩnh Long thi đấu theo dạng “cần thì gọi”. Anh chia tay bóng đá đỉnh cao và hiện học tại trường Đại học TDTT TP HCM.
Khi bằng tuổi Công Phượng hiện nay, Nguyễn Đỏ cũng là niềm hy vọng lớn nhất của trung tâm bóng đá Scavi Rochetau (giải tán năm 2012, Scavi Rochetau thành lập năm 2007 cùng thời điểm học viện HAGL), từng hai lần qua Pháp để thử việc tại CLB Saint-Etienne. Nhưng viên ngọc sáng nhất lại không thể tiếp phát triển khả năng bản thân.
Đỏ dần trở thành cầu thủ bình thường sau thời gian được “bơm” lên tận mây xanh. Trung tâm giải tán, cơ hội qua Pháp khép lại, Đỏ tìm cơ hội ở các đội bóng tại Việt Nam nhưng cũng khó khăn do anh bị đánh giá “còn hạn chế nhiều mặt”. Rất vất vả, anh mới tìm được bến đỗ là đội hạng Nhất TP HCM. Nhưng ở đây, đóng góp của Đỏ cũng hạn chế và giờ anh đang tập cùng đội U21. Đỏ không còn muốn nhắc đến một thời anh được tung hô như thần đồng để rồi nay anh như sống trong cái bóng mờ của quá khứ.
Ở tuổi đôi mươi như Công Phượng, tài năng thậm chí còn bộc lộ và được ca tụng nhiều hơn nhưng nay Thái Sung vẫn lận đận, có lúc phải bơm bóng, xách nước. Năm 2010, "Messi Việt Nam" từng vượt qua 27.000 thí sinh trong nước và 40 thí sinh quốc tế để được suất học bóng đá tại Học viện Aspire Qatar trong ba năm. Các nhà tuyển trạch Sporting Lisbon từng ngỏ ý mời Thái Sung về thi đấu cho đội trẻ của họ nhưng bất thành.
Nhưng kể từ khi về nước năm 2012, “Messi Việt Nam” lại dần trở lại mặt đất cùng áp lực từ sự kỳ vọng. Vị trí của anh thường xuyên là trên băng ghế dự bị. Không thể khẳng định được ở CLB Đà Nẵng, anh buộc phiêu bạt về đội hạng Nhì Kon Tum. Cuối năm 2014, người ta thấy anh có tên trong sân chơi U21 quốc tế ở Cần Thơ. Tuy nhiên, “vị trí” của thần đồng một thời là “chạy vặt” cho đội bóng với công việc tiếp nước, ướp lạnh nước cho các đồng đội. Hiện tại, Sung đang tìm kiếm cho mình cơ hội ở đội bóng hạng Nhất.
Trong nhiều cầu thủ trẻ từng được tung hô thần đồng bóng đá, chỉ có cái tên Văn Quyến là có thời gian tỏa sáng từ tuyến U cho tới các tuyển quốc gia. Có lúc, giới chuyên môn tưởng chừng Quyến đã có thể bước chân từ vỏ bọc thần đồng tại giải U16 châu Á để tiến ra thành một tài năng thực thụ với bàn những bàn thắng vào lưới Hàn Quốc, Thái Lan… Nhưng vấn đề của Quyến lại xuất phát từ sinh hoạt nơi hậu trường của một cầu thủ sớm nổi tiếng, có rất nhiều tiền nhưng chưa biết cách tiêu.
Quyến chỉ có thời gian ngắn tỏa sáng, trước khi bị treo giò vì liên quan bán độ, rồi từ đó mờ nhạt sau khi trở lại sân cỏ cho đến ngày giã từ sự nghiệp cầu thủ cuối năm 2014. Sinh năm 1984, Quyến chỉ có khoảng 4-5 năm tỏa sáng, còn lại chỉ toàn sống mòn và “ăn” vào quá khứ.
Ngọc Hà