Ông Nguyễn Văn Minh cùng con gái xem đề thi. |
Tiếng chuông vừa dứt, hai cha con cùng cười khi con làm được bài, cơn đói, lo âu, mệt nhọc như tan biến mất. Cha, mẹ và con. Tất cả cùng một niềm hy vọng...
Con về ngay...
Vừa kết thúc buổi thi cuối cùng vào ĐH Nha Trang, Vương Văn Chuyên (người dân tộc Tày) đã vội ra ngay bến xe phía Nam (Nha Trang) để lo quay về Buôn Đôn, Đắc Lắc, vì ở lại thêm sẽ không còn đủ tiền để ăn cơm và thuê chỗ trọ... Chiếc áo thun viền xanh mà Vương Văn Chuyên mặc đến trường thi là loại áo dành mặc trong các giờ học thể dục, có mấy lỗ thủng ở ngay phía trước. Mặc dù Chuyên cho biết nhà mình ở thôn 8 xã Cuor-knia, nhưng thật ra đó lại là địa chỉ nhà của một người anh, mà người mẹ và Vương Văn Chuyên đang ở cùng.
Người anh họ của Chuyên kể: “Mẹ nó và nó không có nhà riêng để ở đâu, mà đang phải ở chung với một người anh của nó. Mẹ nó nghèo mà anh nó cũng nghèo. Mẹ nó già rồi và hay đau yếu lắm, cha nó đã bỏ đi. Còn anh của nó cũng phải đi làm thuê... Tiền ít, chỉ đủ để ăn trong mấy ngày thi thôi nên giờ phải lo về ngay...”.
Bạn Nguyễn Thị Thanh Dung một mình từ Duy Xuyên, Quảng Nam vào TP HCM thi ĐH Luật. Nhà em ở vùng sâu, cả xã chỉ có mấy đứa đi thi ĐH. Mẹ làm ruộng còn ba lên núi trông rừng thuê cho người ta nên không có ai đưa em đi được. Số tiền lo cho em thi cũng là nỗi lo lớn của ba mẹ. “Nhà em nuôi gần 300 con vịt, giờ không còn con nào vì mẹ đã bán hết lo chi phí đi thi. Trước khi đi, mẹ thức trắng đêm làm cho em một hộp thịt sấy để em vào trong này lỡ có hết tiền cũng có đồ để ăn. Cầm số tiền mồ hôi nước mắt của ba mẹ, em không dám tiêu nhiều. May có các anh chị SV tình nguyện lo chỗ ở miễn phí nên vẫn còn một ít mang về cho má gầy lại đàn vịt. Chắc giờ này ở nhà bố mẹ đang mong em lắm”, Dung nói như mếu rồi tất tả xách túi ra bến xe.
Niềm vui của cha
Nóng lòng chờ con thi, các bậc phụ huynh cũng hý hoáy với các bài giải trên báo. |
Anh Trần Văn Sang (Phước Long, Bình Phước) miệt mài ngồi trước cổng Trường THPT Thủ Đức (TP HCM), điểm thi của ĐH Nông lâm, suốt hơn hai giờ liên tục trong ba buổi thi liền để đợi con trai là Trần Minh Huy. Ở nhà, vợ chồng anh ở trên rẫy cả ngày chỉ mong kiếm tiền lo cho các con ăn học tới nơi tới chốn: “Chỉ mong sao đời nó sau này không phải cực khổ như mình nữa!”, anh nói. Khi tiếng trống báo hiệu hết giờ, cổng trường vừa mở là anh vội vàng vào thẳng trong trường để hỏi xem con mình làm bài thế nào. “Sáng nay xem đáp án trên báo nó nói đúng được hơn 80%, tui mừng lắm! Nó là con trai duy nhất trong nhà, lại học giỏi nên lúc đi thi ai cũng hy vọng nó sẽ đậu. Có lẽ đời nó sẽ không còn phải khổ như vợ chồng tui”, anh nói trong sự vui mừng.
Giống như anh Sang, ông Nguyễn Văn Minh, một thương binh hạng 1/4 mất cánh tay trái đến vai, quê ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang). Trong suốt thời gian buổi sáng thi môn toán, ông luôn đứng riêng một mình, ánh mắt đăm chiêu lo âu nhìn vào trường thi ĐH Công nghiệp TP HCM. Balô ông đeo trên vai có ổ bánh mì ăn dở và chai nước suối. “Đây là lần đầu tiên tôi đưa con lên TP HCM thi ĐH nên hồi hộp lắm”. Khi tiếng kẻng báo hiệu hết giờ vang lên, ông tất tả băng qua đường vào trường tìm con gái, tay áo nơi cánh tay bị mất cứ phất phơ.
Buổi trưa, gặp lại ông Minh bên vệ đường Nguyễn Văn Bảo, vẻ mặt không còn đăm chiêu lo lắng nữa mà thay vào đó là nụ cười tươi rói trên gương mặt của ông và cô con gái Nguyễn Thị Thùy Dung. Ông Minh tươi cười: “Con gái nói làm bài tốt nên giờ tôi bớt lo rồi”. Còn Thùy Dung khoe: “Em làm hết tất cả các câu trong đề thi. Khả năng đúng trên 80%”.
Hy vọng của mẹ
Bà Đỗ Thị Kiều (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) thấp thỏm bên ngoài chờ con gái là Phạm Thị Ngọc Thuận đang thi trong Trường ĐH dân lập Kỹ thuật công nghiệpTP HCM. Đây là lần thứ hai bà đưa con vàoTP HCM dự thi. Thuận là niềm hi vọng lớn của bà vì hai người chị trước của Thuận đã không đỗ ĐH. Nhà có mấy chục thước đất, nay đã bán hết 2/3 mà chỉ dồn vào việc học hành của các con. Ở quê bà làm ăn khó khăn nên phần lớn cha mẹ đều cho con cái nghỉ học ở lớp 6 - 7. Riêng với bà Kiều thì quan niệm khác: “Dù cực khổ đến đâu cũng quyết tâm cho con ăn học để nó có cái nghề với người ta”.
Cũng tại cổng ĐH Bách khoa, chúng tôi nghe được câu chuyện về cô Hai. Cô quê tận Quảng Nam bôn ba vào Long Khánh (Đồng Nai) kiếm sống. “Chồng cô khi thì ở Dầu Giây, lúc thì ở Long Khánh làm năm sào chôm chôm, nuôi bốn con dê và làm mướn nuôi ba đứa con ăn học. Đứa lớn đang học năm 3 Trường ĐH Bách khoa (ĐHQGTP HCM) đã biết tự lo cho mình, đứa út đang học lớp 11, đứa giữa học giỏi và rất ngoan hiền thì nay thi vào ĐH Bách khoa theo chị nó. Cô cảm thấy chưa ai khổ hơn mình vì bây giờ giá dê đang rớt trầm trọng, nhưng con cái chịu học nên làm thuê, làm mướn vất vả mình vẫn vui”. Khi chào chia tay với mọi người để đưa con về, cô cười tươi: “Giờ tôi sẽ về làm thuê vài ngày để kiếm thêm tiền cho con thi đợt 2. Rồi tôi sẽ đưa hai con lên TP trọ học với chị nó, hai vợ chồng sẽ cố gắng làm lụng lo cho các con”.
Nụ cười lạc quan của cô Hai cũng lây sang nhiều người đang đón đưa con của mình.
Ngồi cùng những bà mẹ trước cổng ĐH Bách KhoaTP HCM, nổi bật là một người mẹ đi cà nhắc với cây gậy trong tay. Người mẹ ấy tên là Nguyễn Thị Hạnh mà mọi người vẫn quen gọi là bà Bảy “dẹo”, đang dẫn con đi thi. Chồng bà đã bỏ nhà ra đi, để bà ở lại với sáu đứa con và một khoản nợ lớn, sinh ra từ sau khi bà vay tiền chữa trị uốn ván cho chồng. Mình bà lo cho các con yên bề gia thất. Còn đứa gái út chăm học, học giỏi nên bà quyết dành trọn phần đời còn lại cho đứa út. “Dì chỉ chạy đủ tiền chi phí cho con thi đợt đầu thôi. Nó muốn thi thêm khối B vào ĐH Khoa học tự nhiên nữa, nhưng dì không thể lo nổi”, bà lau nước mắt... |
(Theo Tuổi Trẻ)