Minh Mẫn
Đừng gọi em vào thứ 7 - Trịnh Trần - là một tuyển tập truyện khó lòng có thể bỏ qua bởi những dư vị yêu đầy màu sắc mà cuốn sách mang đến.
“Yêu và được yêu đã là hạnh phúc giữa cuộc đời này…”
Ngay từ nhan đề đã gợi cho người đọc nhiều tò mò thú vị. Thứ 7 là ngày hẹn hò của tình nhân, vậy tại sao lại đừng gọi? Bạn sẽ giải đáp được câu hỏi này trong chính câu chuyện đầu tiên của tuyển tập, vừa đủ đắng cay, vừa đủ ngọt ngào.
Mỗi trang truyện là mỗi thế giới khác nhau lần lượt trải ra. Đó là thế giới với tiếng lòng khát khao tình yêu đến cháy bỏng của người phụ nữ. Thế giới đó có sự lãng mạn, tin tưởng của cô sinh viên đầy mộng mơ, có sự gai góc dằn vặt của người đàn bà đã trưởng thành, có sự tuyệt vọng của người vợ cô đơn, có cả những hồ nghi về cuộc sống của cô gái vừa chập chững bước vào đời. Nhưng tất cả họ đều có một mong mỏi về một tình yêu trọn vẹn, về một bến đỗ yêu thương chỉ dành cho mình.
Tuyển tập truyện như một bài ca ngân nga về niềm hy vọng, hạnh phúc. Câu từ kết thúc mà dư âm vẫn văng vẳng trong lòng người. Bài hát ấy có nốt trầm đục của sự tuyệt vọng đau khổ, có sự vút cao trong hạnh phúc rạng ngời. Chúng quyện vào nhau trong từng trang giấy đem người đọc đi từ cảm xúc hân hoan trong tình yêu mộng mơ, vòng qua những nỗi đau phản bội, khao khát đầy bản năng, chầm chậm trong niềm vui vỡ òa của hạnh phúc làm mẹ.
Đừng gọi em vào thứ 7 còn gợi cho người đọc những nỗi mơ hồ nuối tiếc. Bởi “Cuộc sống này có rất nhiều người đi lướt qua nhau. Có thể một giây trước họ còn ở rất gần, nhưng một giây sau, họ đã vĩnh viễn xa ta không bao giờ gặp lại”. Vì vậy hãy sống trân trọng yêu thương khi còn có thể bởi “Những mảnh ghép hạnh phúc mong manh như thủy tinh, trượt tay sẽ vụn vỡ và cứa sâu vào trong lòng mỗi người những vết thương không thể lành”.
Đừng gọi em vào thứ 7 có những kết thúc mở ra niềm hy vọng, cũng có những cái kết đem lại sự ám ảnh: “Em sẽ tìm nơi đâu hạnh phúc của cuộc đời mình?”. Và câu trả lời lại tùy vào từng người đọc, từng tâm trạng mà bạn đang mang.