![]() |
Lao động nữ gánh thuê ở chợ Long Biên (Hà Nội). |
Sáng 7/3, trời Hà Nội lất phất mưa, se lạnh, có mặt tại chợ đầu mối Long Biên, nơi tập trung nhiều nhất số lao động nữ. Họ "dạt" về đây từ nhiều miền quê khác nhau. Họ kiếm sống và trở thành trụ cột kinh tế gia đình.
Chị Trần Thị Vui, quê ở đội 6, xã Xuân Ngọc (Xuân Trường, Nam Định), cho biết, từ sáng sớm, chị đã kịp gánh 6 chuyến hàng hoa quả từ xe tải đến các sạp hàng. Ngày nào cũng vậy, các chị phải dậy từ 3 giờ sáng để đón hàng từ miền Nam ra. Giá của mỗi gánh hàng tuỳ thuộc vào độ dài của quãng đường, nhưng mỗi ngày chị cũng kiếm được trên 100.000 đồng.
Theo Ban quản lý chợ Long Biên thì bình quân tại khu vực chợ có khoảng gần 500 chị em thuộc "đội quân" gánh thuê, số nam giới ít hơn vì các chủ sạp hàng thấy "gánh" lợi hơn "vác". Hơn nữa, chị em làm việc chăm chỉ, thật thà và ít vay nợ chủ sạp như các lao động nam.
Chị Yến, quê ở xã Xuân Vinh (Xuân Trường), tỏ ra ngạc nhiên khi hỏi về ngày 8/3: "Chưa bao giờ tôi nhận được hoa 8/3. Ngày ấy là của các chị là cán bộ, chứ chúng tôi làm gì có. Nhìn họ mua hoa, tặng hoa cũng thấy thích, nhưng ai tặng mình bây giờ".
Phần đông các chị ở khu "đồng nát" ở ngay sau chợ Thái Hà đến từ huyện Xuân Trường (Nam Định). Các chị ở đây cũng tỏ ra ngỡ ngàng khi hỏi về ngày Quốc tế Phụ nữ. Chị Luồng thật thà: "Một bông hoa hồng đẹp tới 4 đến 5 nghìn, bằng nửa ngày lao động của chúng tôi đấy. Họ cứ mua tặng nhau cả bó, để vài hôm là héo, phí cả tiền"
Ghé thăm chị em công nhân ở Khu chế xuất Linh Trung (TP HCM). Chị Phương Nguyên tâm sự: "Tan ca về đến phòng là đặt lưng ngủ vì vào ca từ sáng sớm, tan ca lúc đã lên đèn. Với chúng tôi, lễ hội là chuyện xa xỉ". Hỏi về ngày 8/3, các chị đều trả lời rằng đó là ngày Quốc tế Phụ nữ, nhưng họ bảo chuyện được nhận quà tặng vào ngày này... hiếm lắm!
Hôm qua 7/3, chị Lê Thị L. đã phải đến "nhà tạm lánh" để tránh những trận đòn của chồng. Hơn 4 năm qua, nhà tạm lánh đặt tại Bệnh viện Đức Giang (quận Long Biên) đã trở thành nơi nương tựa cho nhiều chị em, khi nạn bạo hành gia đình đang có dấu hiệu bùng phát.
Trong ngày 8/3, những ai chứng kiến các hoàn cảnh ở "nhà tạm lánh" không khỏi ái ngại cho thân phận của nhiều người thuộc phái đẹp. Chị Thuý H. kể trong nước mắt: "Tôi chỉ có ước mơ là chồng có đánh thì đánh nhẹ thôi, chứ đánh đến thân tàn ma dại thế này, ai nuôi con cho tôi".
Không đẻ được con trai cũng đánh, nấu cơm muộn cũng đánh, không đưa tiền cho chồng uống rượu cũng đánh... Không phải chỉ những người phụ nữ sống phụ thuộc chồng mới bị hành hạ, ngược đãi. Rất nhiều trường hợp, nạn nhân của nạn bạo hành gia đình là những phụ nữ kiếm ra tiền. Họ vẫn bị hành hạ cả về thể xác lẫn tâm hồn.
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, những người phụ nữ đang tràn ngập trong niềm vui được quan tâm nâng niu, vẫn không nguôi ao ước làm sao để tất cả phái đẹp trên hành tinh này đều được yêu thương, hạnh phúc.
(Theo Lao Động)