Cầu Cổng Vàng ở San Francisco. |
Thứ tư ngày 19/3/2003, khoảng 10h 30', Paul Alarab hành nghề mua bán nhà cửa bắt đầu đi lên cầu theo lối dành cho người đi bộ. Đến giữa cầu, anh leo qua lan can cao 1,2 m rồi ngồi trên cây cột trụ để ra xa nhất. Paul là một người Mỹ gốc Iraq, 44 tuổi. Hôm trước, anh có tâm sự với một đồng nghiệp rằng nhìn thấy người dân Iraq chết trên quê hương mình anh chịu không nổi. Và anh đã chọn ngày Tổng thống Bush ra lệnh tấn công Iraq để tìm đến cái chết nhằm phản đối cuộc chiến.
Nhận được cú điện thoại gọi vào số 1031 - mã số báo có người nhảy cầu - 4 cảnh sát giao thông bang California chạy tới. Ba anh công nhân đang tu bổ cầu cũng chạy tới. Paul nói với họ rằng anh cần nói chuyện với đài CNN: “Khi phóng viên CNN đến tôi sẽ leo trở lại”. Một cảnh sát nhận ra Paul: “Ê, chúng ta từng gặp nhau rồi phải không?”. Paul nhìn anh ta trả lời: “Dĩ nhiên rồi”.
Đúng vậy hồi năm 1988, họ đã từng gặp nhau cũng trên cây cầu này trong một tình huống tương tự. Lúc đó, Paul ngồi trong một cái thùng đựng rác bằng nhựa lớn rồi treo mình lơ lửng giữa không trung với một sợi dây dài 18 m. Do quá nặng, thùng nhựa tuột khỏi dây rớt xuống biển cùng với anh bên trong. Anh thoát chết nhưng gãy 2 mắt cá, 3 xương sườn và chấn thương phổi. Anh là một trong 26 người may mắn còn sống sau khi nhảy cầu Cổng Vàng. Cảm giác của anh lúc đó là “thời gian kéo dài gần như vô tận”. Còn nguyên nhân khiến anh muốn nhảy cầu là gây sự chú ý của dư luận về nỗi thống khổ của những người tàn tật và người già cô đơn. Lần đó, anh nghĩ: “Tôi sẽ không bao giờ hủy hoại đời tôi”. Tuy nhiên, vào ngày 19/3 nói trên, anh lại có ý định nhảy cầu. Đợi 4 phút không thấy phóng viên đài CNN tới, anh buông mình xuống biển trước những cặp mắt kinh hoàng của cảnh sát và công nhân định cứu lấy anh.
Mấy năm gần đây, Hiệp hội Những nhà tự tử học Mỹ đã yêu cầu báo chí không viết bài về những vụ tự tử trên cầu Cổng Vàng vì sợ thu hút nhiều người tự tử chỉ để nổi tiếng nhờ báo chí!
Trung bình, nửa tháng có một người nhảy cầu Cổng Vàng. Đó là nơi có nhiều người quyên sinh nhất thế giới. Kể từ ngày khánh thành (1937) có ít nhất 1.200 người nhảy cầu có người nhìn thấy hoặc tìm được xác. Con số thực tế cao hơn nhiều vì rất nhiều trường hợp xác trôi ra vịnh San Francisco rồi mất luôn hoặc người chán đời đợi trời tối, lúc đóng cửa lối đi dành cho người đi bộ mới thực hiện ý đồ chán sống của mình.
Có khá nhiều vụ nhảy cầu nổi tiếng, được người đời nhắc mãi. Đó là trường hợp của Roy Raymond, nhà sáng lập chuỗi cửa hàng chuyên bán đồ lót phụ nữ Secret’s Victoria, nhảy cầu năm 1993 hay Duanne Garrett, bạn của cựu phó tổng thống Al Gore, chuyên gia quyên tiền cho quỹ của Đảng Dân chủ, năm 1995. Có một điều khá lạ lùng là những vụ tự tử nói trên không những không làm du khách địa phương và bốn phương e sợ mà hình như còn làm tăng tính hấp dẫn của cây cầu lừng danh khắp thế giới này.
Các số liệu thống kê chứng minh điều này: Mỗi năm cầu Cổng Vàng đón tiếp không dưới 10 triệu người đến tham quan! Bà Gladys Hansen, nữ sử gia Mỹ, nhận định: “Chính vì những vụ tự tử mà nó trở nên nổi tiếng: Nó chính là... một tượng đài của Thần chết”. Có phải vì vậy mà cho dù đã có hàng ngàn người chết vì nó, người ta thấy không cần xây hàng rào ngăn chặn những kẻ chán đời.
Tuy nhiên, cũng có không ít người bức xúc như ông Roger Grimes. Bà Renee Milligan đã từng đâm đơn kiện chính quyền và ban quản lý cầu về tội thiếu trách nhiệm không xây hàng rào an toàn khiến con bà chết oan. Vụ án này xảy ra vào ngày 17/12/2001. Marissa Inrie, nữ sinh 14 tuổi, từng mơ ước trở thành bác sĩ tâm thần, bỏ lớp học, đi taxi đến cầu Cổng Vàng rồi buông mình xuống cầu.
Bà Renee xem chiếc máy tính của con và phát hiện Marissa từng vào trang web của một tổ chức giúp đỡ những người muốn tự tử. Tổ chức này cho biết có nhiều cách để tự tử với hiệu quả khác nhau: Uống thuốc độc chỉ thành công 15%, uống thuốc tự tử 12%, cắt mạch máu 5% nhưng nhảy xuống nước từ độ cao hơn 75 m là chắc ăn nhất! Chắc chắn những dòng chữ “vẽ đường cho hươu chạy” này đã ảnh hưởng đến con bà. Trong đơn kiện, bà yêu cầu chính quyền gấp rút lập hàng rào chống tự tử trên cầu. Tuy nhiên cũng giống như ba đơn kiện trước đó, chính quyền viện nhiều lý do để bác đơn của bà Marissa.
Theo Người Lao Động, trên thế giới những công trình có chiều cao thu hút những kẻ chán đời đều có hàng rào bảo vệ. Cao ốc Empire State building, thánh đường cổ Saint-Pierre, cầu Sydney hay tháp Eiffel đều lập hàng rào chống tự tử.
Năm 1970, ban quản lý cầu Cổng Vàng từng xem xét 18 dự án xây rào, trong đó có hàng rào lưới cao 2,8 m, lưới an ninh bằng ni lông v.v... đáp ứng những tiêu chuẩn thẩm mỹ, giá cả và hiệu quả của ban quản lý. Việc cứu xét kéo dài 3 năm và 19 ủy viên hội đồng xét duyệt, đa số là chính khách, phán rằng không có dự án nào phù hợp. Một trong những lý lẽ được nêu ra nhiều nhất là những kẻ chán đời nếu không tự tử ở cầu này thì họ cũng đến cầu khác mà thôi.