![]() |
Một nạn nhân được đưa lên bờ. |
![]() |
Anh Huỳnh Văn Dôm (1962, chồng chị Phương) kể lại: Khi phát hiện tàu bị phá nước, một vài thanh niên đã cởi bớt quần áo của mình để nhét vào các lỗ hỏng, nhưng do sóng biển quá mạnh nên mọi nỗ lực cứu chữa đều vô ích. Lúc này, nhiều người đã tranh giành nhau những chai nước suối, những can nhựa đựng dầu... để nhảy xuống biển. Lúc đó, anh phát hiện vợ mình và 3 đứa con gái nắm lấy được 1 can nhựa bơi ra ngoài. Thế nhưng, một thanh niên đã nhảy xuống giật lấy cái can của chị và đập vào đầu chị khiến chị buông tay và chới với dưới sóng biển.
Liền lúc đó, anh Dôm cạy được 1 cái tấm nắp hầm tàu (bằng cây), đẩy về phía chị Phương và 3 đứa con. Riêng anh lấy 2 chiếc dép nhựa nhét vào chiếc quần đùi để bơi về phía chị Phương. Nhờ vậy mà cả gia đình anh cầm cự dưới biển suốt gần 1 giờ trước khi được tàu khác cứu vớt.
Cháu Lê Văn Long (1992) kể lại sự may mắn của mình: “Cháu phải chạy lên chạy xuống boong tàu tất cả 11 lần để nhặt những chai nước suối định ôm nhảy xuống biển. Nhưng lần đầu cháu đều bị những người lớn tuổi hơn giựt lấy chai nước, đến lần thứ 11 cháu mới nhảy được xuống biển với chai nước suối cuối cùng còn lại trên tàu”. Hai chân Long đầy những vết thương bầm tím do những nạn nhân khác cào, bấu vào em, nhưng may mắn em thoát ra được.
![]() |
Những tàu cứu hộ vẫn nối nhau ra biển tìm người mất tích. |
Là một trong 108 người may mắn trở về từ đại dương, em Nguyễn Long Châu, ngụ tại thị trấn Năm Căn, kể lại: “Cùng bám vào chiếc nắp hầm với em có khoảng 10 người nữa, trong đó đa phần là các bạn nữ sinh. Nhưng mỗi khi trôi được độ chừng 10 m thì có một người bị “rơi” lại vì đuối sức. Khi vào được đất liền, chỉ còn em và một nữ sinh khác ở thành phố Cà Mau. Em thấy sao mà tang thương chẳng khác nào trong phim Titanic!”.
Anh Phạm Văn Cường (em ruột của chị Phạm Thị Tâm) vừa khóc thương cho 3 mẹ con chị Tâm, vừa khóc vì tức cho bản thân mình. Anh nói: “Tui nghe lời ông chủ tàu giới thiệu chuyến đi này rất quy mô, nên dẫn theo cả đứa con gái cùng đi. Rất may là 2 cha con sống sót, còn chị và cháu tui thì chết thảm quá”.
Theo nguồn tin của phóng viên báo Người Lao Động, khi tàu vừa bị phá nước, nhiều học sinh đã năn nỉ chủ tàu quay vào đất liền, nhưng sau một hồi dừng lại giữa biển, ông Khải tiếp tục cho tàu chạy tiếp nên tai nạn đáng tiếc đã xảy ra. Chi tiết này đang được các ngành chức năng điều tra làm rõ.
![]() |
Chôn cất những người lâm nạn. |
Anh Khởi- chồng người vợ tên Kim Thoa, mới cưới đã bị chết trong vụ chìm tàu kể lại trong nước mắt: “Khi tàu ra khỏi cửa đã bị mắc cạn. Tàu vô nước nhiều, mọi người yêu cầu chủ tàu quay lại nhưng ông nói không sao. Tàu chạy thêm chút nữa, ra khỏi gò cát thì nước vô nhiều, làm ngập hầm tàu. Cảnh hỗn loạn xảy ra. Chiếc tàu chao nghiêng, rồi chìm. Những người biết bơi đã nhảy xuống biển. Trẻ em và phụ nữ khóc thảm thiết. Tôi và vợ tôi bị lạc không thấy nhau nữa. Tôi nắm được sợi dây buộc tàu, chịu hơn 3 tiếng đồng hồ. Tàu biên phòng đến vớt được 18 người chở ra đảo Hòn Khoai. Khi tôi về đất liền đã vớt được vợ tôi rồi!”.
Nhiều người bị nạn còn sống sót kể rằng chủ tàu đã quá tham lam cho vợ con xuống chiếc xuồng nhỏ quay vào đất liền. Chủ tàu nhảy xuống biển với chiếc thùng phuy. Bà con ngư dân đang khai thác và cả những người trong đất liền cho tàu ra cứu nhưng vì sóng to, gió lớn nên đám người bị nạn trôi dạt xa. Hầu hết những người không biết bơi, trẻ em, phụ nữ bị cuốn theo dòng nước.
Ngay sau hay tin tàu chở khách du lịch bị nạn, ngư dân đánh cá trên ngư trường, tàu từ đất liền ra hiện trường cứu hộ. Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo lực lượng cứu hộ cứu nạn. Đồn biên phòng 680 đóng tại cửa biển Rạch Tàu (xã Đất Mũi, Ngọc Hiển) có hàng ngàn người thức thâu đêm suốt sáng trông về biển khơi. Ông Trương Văn Buôl hạnh phúc cứu được con mình và 13 người khác. Đồn biên phòng 700 đóng trên đảo Hòn Khoai cũng vớt được 18 người lênh đênh trên biển gần 3 giờ.
Trời tối, trên biển mênh mông, không biết đâu là bến bờ. Cửa biển Rạch Tàu liên tục có tàu ra khơi cứu nạn và tàu về bến. Những xác nạn nhân được vớt vẫn còn nguyên quần áo, hành lý, nữ trang. Quang cảnh xung quanh nơi lực lượng công an làm thủ tục cần thiết rồi cho gia đình chở về ang táng vô cùng thương tâm.
Ba mẹ con của chị Tâm ở ấp Ông Trang, Viên An cùng mất tích trên chuyến tàu định mệnh. Xác chị Tâm đã tìm thấy vào lúc nửa đêm, còn hai cháu trai vẫn biệt tăm. Chồng chị như người mất hồn lo việc chôn cất vợ, tai luôn nghe ngóng ngoài cửa Rạch Tàu xem đã tìm được xác 2 người con trai chưa. Khi vừa chôn vợ xong, anh nhận được tin tìm được xác người con trai vừa tròn 4 tuổi. Anh lao xuống xuồng, gục xuống, ngất đi.
Trong chuyến tàu tai hoạ này, có nhiều giáo viên là người các tỉnh miền Bắc muốn có một lần đặt chân lên đảo Hòn Khoai. 2 trong 4 cô giáo trường PTTHCS Viên An Đông đã thiệt mạng là Trần Thị Hảo (quê Nam Định), Trần Thị Hường (quê Hà Tĩnh). Ngôi trường xã Viên An Đông thành nơi tổ chức đám tang của 2 cô giáo trẻ, chỉ có cha mẹ học sinh, đồng nghiệp và đang đợi gia đình từ ngoài Bắc vô.
Đau lòng trước những mất mát không ngờ, ông Nguyễn Duy Phiên, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển nói: “Những người bị mất tích hầu như đã chết nhưng chúng tôi vẫn điều động 20 tàu quần khu vực tàu chìm để vớt xác. Chúng tôi quyết tâm tìm bằng được xác những người chết dù phải tốn kém đến đâu. “Nghĩa tử nghĩa tận” mà".
Trung tá Đoàn Trọng Phúc, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra công an Cà Mau cho biết: “Tôi vừa ra quyết định khởi tố vụ án về vi phạm các qui định toàn giao thông đường thuỷ. Lực lượng nghiệp vụ đang điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ để truy tố trước pháp luật.”