![]() |
Bác sĩ bệnh viện Bạch Mai đang khám cho một bệnh nhân trầm cảm (đã 7 ngày không giao tiếp với người khác). |
Đây là căn bệnh ngày càng phát triển trong xã hội hiện đại. Những câu chuyện dưới đây là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những người trẻ.
Trầm cảm có thể do nội sinh, có thể do các yếu tố ngoại cảnh tác động. Chúng tôi xin không đề cập đến trầm cảm nội sinh bởi cho đến nay, đó là căn bệnh mà y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân.
Trầm cảm là căn bệnh không chừa ai, không kể độ tuổi và nữ giới thường mắc nhiều hơn nam giới (trong đó những người trẻ chiếm tỷ lệ khá cao).
Chuyên gia tư vấn đường dây 18001567 kể về trường hợp của Minh Hương, bệnh nhân mắc chứng trầm cảm đang điều trị ở một trung tâm tư vấn tâm lý. Hương ngồi trước mặt tôi với cái nhìn không biểu lộ cảm xúc. Trên gương mặt cô gái vừa bước qua tuổi 17 thiếu sự tươi tắn vốn có của lứa tuổi. Dù vậy, Minh Hương đã chịu nói chuyện trước vài câu hỏi nhỏ của tôi. Không nhiều người biết được rằng, cách đây chưa đến 1 năm, cô bé này đã làm náo động cả khu nhà mình ở (tỉnh Hòa Bình) khi leo lên tầng 4, nằm trên mái nhà đòi tự tử sau khi để lại thư tuyệt mệnh.
Bố mẹ mải làm ăn, gửi sang nhà bác từ nhỏ nên Hương quen sống tự do và không quan tâm đến ai. Khi 15 tuổi, được bố mẹ đón về và ép vào khuôn khổ, Từ đó Hương liên tục cãi lời và em thường bị bố mẹ mắng chửi.
Từ khó chịu, Hương phản kháng rồi bất mãn. Cuộc sống gia đình đối với Minh Hương ngày càng bí bách, ngột ngạt. Hương học giỏi Văn nhưng bố mẹ lại ép cô bé thi vào lớp 10 chuyên Toán và dùng tiền để chạy chọt cho con.
Học không giỏi lại bị trầm uất nên Hương học ngày càng sa sút, rồi sinh ra tâm lý chán nản, co mình trong vỏ bọc, không dám chơi với ai vì mặc cảm. Thế nhưng bố mẹ Hương vẫn không hiểu ra, mắng chửi con và tiếp tục chạy chọt xin xỏ điểm để con mình vẫn được tiếng học giỏi.
Hương phải sống trong sự mâu thuẫn về tâm lý: mặc cảm, xấu hổ vì biết là mình không giỏi nhưng lại vẫn sống trong cái hào quang bố mẹ “mua” cho mình nên ai hơn là ganh ghét.
Hương không có bạn, không chơi với ai, lầm lỳ ít nói ít cười, suốt ngày tự giam mình trong phòng, gương mặt buồn bã. Rồi đến khi bị bạn bè phát hiện ra sức học thật của mình, gièm pha, chế nhạo thì Hương suy sụp hoàn toàn và cô bé đã nảy ra ý định tự tử. Thấy con bị như vậy, bố mẹ Hương thay đổi một thời gian nhưng rồi đâu lại vào đấy, lại tiếp tục dồn ép con học, tiếp tục mắng chửi.
Câu chuyện của Minh Hương là một trong rất nhiều câu chuyện tôi đã góp nhặt về những người trầm cảm. Không chỉ tuổi teen mới bị rơi vào tình trạng này, những người trẻ đang ngồi trên giảng đường đại học hoặc đã đi làm đều không phải là ngoại lệ.
Hưng, 24 tuổi, đang làm việc trong một công ty du lịch đã kể về chứng trầm cảm của mình như sau: “Tôi bị khủng hoảng kéo dài từ khi bắt đầu học đại học. Khi học phổ thông thì phấn đấu hết sức mình cho mơ ước vào đại học, nhưng khi vào đại học rồi lại không biết mơ ước một cái gì nữa, chán nản vì không biết mình sẽ phấn đấu vì cái gì.
Chương trình học không căng, lại không nhiều hứng thú nên tôi đâm ra chán học. Ban đầu tôi ngồi quán chơi game, rồi đi chơi suốt ngày với bạn. Dần dà những thứ đó cũng khiến tôi chán ngấy. Một mặt tôi muốn mình năng động, giỏi giang, thành đạt như các bạn khác nhưng mặt khác tôi lại trở nên ì, không biết phải là gì để được như thế.
Tôi chán chính mình. Lúc nào tôi cũng cảm thấy bứt rứt, mệt mỏi, không còn muốn vận động, có khi tôi ngủ vùi cả ngày. Rồi sau đó tôi sợ luôn cả âm thanh ồn ào, sợ tiếng cười đùa. Kết quả học không cao, tình yêu thì tan vỡ càng khiến tôi bị căng thẳng và buồn chán.
Lúc nào đầu óc tôi cũng lùng bà lùng bùng, mụ mị, không nghĩ được cái gì nữa. Đó thực sự là thời gian khủng khiếp mà tôi không biết mình sẽ ra sao nếu không được cô bạn thân phát hiện rồi bắt ép đến chuyên gia tâm lý”.
Trường hợp của Hưng cũng là câu chuyện về nhịp sống của một bộ phận giới trẻ ngày nay. Họ loay hoay trong cuộc sống không có la bàn, chán nản và bất lực với chính mình. Rồi căng thẳng hay thất bại trong công việc; lo âu, những điều không may mắn trong cuộc sống, tình yêu; những ức chế dồn dập, strees liên tục, một sang chấn nào đó về mặt tinh thần, bị ám ảnh bởi sex… dễ dàng khiến người trẻ lâm vào một căn bệnh tâm lý mà y học gọi là chứng rối loạn lo âu.
Đây là căn bệnh tâm lý cực kỳ phổ biến trong xã hội ngày nay, nó khiến cho người mắc phải luôn cảm thấy bất an, buồn bã, suy sụp về tinh thần, chán nản, lười vận động, không muốn gượng dậy nữa.
Bác sĩ Trịnh Ngọc Tuân (Viện Sức khỏe Tâm thần) cho biết: "Rất nhiều người nhầm lẫn chứng rối loạn lo âu với căn bệnh trầm cảm. Ví dụ chỉ cần thấy bạn mình rầu rĩ, ít nói, buồn nản vì một nguyên nhân nào đó là đã nghĩ ngay đến bạn mình bị trầm cảm.
Không phải, rối loạn lo âu cũng có chán nản, có buồn bã, có suy sụp, lười vận động… nhưng nó chưa phải và không nguy hiểm, khó chữa trị như trầm cảm. Trầm cảm cũng được quy định bởi gen, nhưng yếu tố môi trường chính là tác nhân để khởi động các gen đó. Phải có một môi trường cụ thể tác động thì người trẻ mới bị mắc vào chứng trầm cảm. |
Có nhiều người trẻ bị trầm cảm phải nhập viện trong tình trạng tay chân đầy vết cắt máu chảy ròng ròng, thậm chí có người tự cứa cổ mình để tự tử. Đang đêm, có bệnh nhân ngồi lén cầm lưỡi dao lam rạch lên tay mình rồi ngắm máu chảy... Với các bác sĩ điều trị đơn giản đó là chứng tự hành xác, tự làm đau mình để tìm đến sự thư thái về tinh thần của người trầm cảm.
Bác sĩ Trịnh Ngọc Tuân (Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) vẫn chưa hết thương cảm khi kể về một nữ bệnh nhân. Mắc chứng trầm cảm từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học do một cú sốc về chuyện tình cảm cộng với tâm trạng u uất từ trước, tính đến thời điểm này Linh đã 4 lần tự tử. Trong đó ba lần đều là chuẩn bị cưới chồng.
Chú rể khi nghe phong thanh tin Linh từng phải vào viện tâm thần, phải chữa trị đã kiên quyết chia tay. Và sau mỗi lần như vậy, căn bệnh của Linh lại tái phát, lần sau lại nặng hơn lần trước và lần nào cô cũng tìm đến cái chết. Đến bây giờ thì hầu như mọi mơ ước về hạnh phúc tương lai của Linh đều đã đóng lại.
Sau khi được điều trị, Linh đã vượt qua được hố sâu cảm xúc của mình nhưng tâm trạng cô không bao giờ còn được vui vẻ như ngày trước nữa.
Đối với những trường hợp bị trầm cảm do bị lạm dụng tình dục, bị cưỡng bức, nỗi đau không thể giải thoát được, ám ảnh về mặt tinh thần là cực kỳ khủng khiếp.
Họ từ chối tiếp xúc với người lạ, thậm chí có mặt người lạ là hoảng loạn, từ chối nói chuyện với ngay cả bác sĩ tâm lý, không ăn, không ngủ, chỉ đờ đẫn nhìn vào một điểm vô định nào đó, họ căm ghét và ghê tởm ngay chính cả bản thân mình và chỉ muốn tìm đến cái chết như là sự giải thoát. Có cô bạn thân đã khóc nức nở ngoài hành lang bệnh viện khi vào thăm bạn mình “Em không dám nhìn vào mắt nó, em cảm thấy mình như người có tội chị à”.
Tôi cũng không dám nhìn lâu vào đôi mắt của những người trầm cảm mà tôi đã từng gặp, cảm giác xót xa không khỏi dâng lên trong lòng. Họ trẻ và tương lai của họ còn phía trước, nhiều người thậm chí rất giỏi giang, thành tích học tập xuất sắc, nhưng thay vì “bơi ra biển lớn”, họ lại lặng lẽ đi vào thế giới của “người buồn”.
Để hiểu giá trị của một nụ cười hay niềm vui, một ngày nào đó bạn hãy bớt chút thời gian vào viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai, Khoa Tâm thần bệnh viện Nhi Trung ương hay Viện Tâm thần ban ngày Hà Nội, ngồi ở hành lang thôi, nhìn những người trẻ đi lại với gương mặt vô hồn, nằm trên giường với ánh mắt âu sầu hay đang đòi tự tử, trong khi ngoài kia bầu trời vẫn đầy nắng ấm, bạn sẽ hiểu cuộc đời mình còn may mắn biết bao nhiêu…
Những dấu hiệu của bệnh trầm cảm
Hội chứng trầm cảm là loại rối loạn khí sắc thường gặp trong tâm thần học. Có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là 18-45, phụ nữ nhiều hơn nam giới (tỷ lệ giới tính: nam/nữ = 1/2). Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, bệnh trầm cảm cướp đi mỗi năm trung bình 850.000 mạng người, đến năm 2020 trầm cảm là căn bệnh xếp hạng 2 trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu với 121 triệu người mắc bệnh. Nhưng chỉ khoảng 25 % trong số đó được điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Những dấu hiệu của bệnh trầm cảm là: 1 - Mất ngủ: khó vào giấc ngủ, hay thức giấc giữa đêm không ngủ được nữa, hoặc thức dậy từ 2 - 3 giờ sáng kèm theo bồn chồn khó chịu (có khi ngủ nhiều quá mức). 2 - Chán ăn: ăn ít, ăn không ngon, không thích ăn, sợ ăn (có khi ăn nhiều quá mức), không ăn, sút cân. 3 - Ngại giao tiếp với người khác, trở nên ít nói bất thường, lười vận động. 4 - Cảm thấy bốn chồn lo âu, đứng ngồi không yên, đau đầu, đau mỏi toàn thân, đau ngực, táo bón, sợ lạnh. 5 - Cảm thấy mệt mỏi, suy nghĩ chậm chạp, buồn rầu, mất hứng thú làm việc, mất hứng thú giải trí hàng ngày (thể thao, xem tivi, sách báo, phim...). Cảm thấy xung quanh buồn rầu ảm đạm, thời gian kéo dài lê thê. 6 - Bi quan lo lắng về tương lai cho bản thân và gia đình, sợ điều xấu xảy ra cho bản thân và gia đình. 7 - Nghĩ rằng mình không xứng đáng với bản thân và xung quanh. Cho rằng mình phạm nhiều khuyết điểm, tội lỗi, không muốn tiếp xúc với ai. 8 - Nghĩ rằng mình không xứng đáng được ăn, không xứng đáng được sống, cho rằng mình là gánh nặng cho mọi người. 9 - Có ý nghĩ chết chóc, muốn tự sát bằng thuốc ngủ, treo cổ, nhảy lầu, đâm vào xe... hay đã có lần tự sát. |
(Theo Tiền Phong)